Nếu giữ nguyên cấp, sức tàn phá của bão số 9 "cực kỳ khủng khiếp"

Thứ Ba, 27/10/2020, 16:58
Theo đánh giá của ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, bão số 9 nếu vào đất liền các tỉnh trung và nam Trung bộ với gió mạnh cấp 12 - 13 thì sức tàn phá sẽ cực kỳ khủng khiếp, nhà cấp 4 không chịu đựng được.

Chiều nay, ngày 27/10, Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia đã có cuộc trao đổi với báo chí để cập nhật diễn biến mới nhất về bão số 9. Đây là cơn bão được đánh giá mạnh nhất, đặc biệt nguy hiểm trong năm nay.

Theo ông  Lâm, do di chuyển trong điều kiện thuận lợi trên biển nên bão số 9 được nhận định từ chiều, tối nay sẽ tiếp tục mạnh lên. Bão đang di chuyển với tốc độ khoảng 25km/h, hướng chủ đạo vẫn theo hướng Tây.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 20 - 25 km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 12 - 13, giật cấp 15, sau đó suy yếu dần.

Ông Hoàng Phúc Lâm nhận định, nếu giữ nguyên cấp 12 khi vào đất liền, bão số 9 sẽ có sức tàn phá khủng khiếp. Ảnh: Đình Trung

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, qua phân tích kết quả các số liệu và mô hình dự báo, cơn bão số 9 không có các yếu tố để suy yếu nhanh như cơn bão số 8 vừa qua. “Cơn bão số 8 suy yếu nhanh vì tác động của không khí lạnh rất mạnh. Còn với cơn bão số 9 thì không khí lạnh xuống chậm lại, rất mỏng, không đủ tác động để làm bão suy yếu; nhiệt độ mặt nước biển quanh đường đi cơn bão số 9 cũng cao hơn cơn bão số 8”, ông Lâm phân

Ông Lâm cho biết, các đồng nghiệp khí tượng thủy văn tại Philippines chia sẻ, bão số 9 khi đi qua nước này đã gây ra ngập lụt diện rộng, phá hủy toàn bộ các nhà cấp 4 có kết cấu kém, hàng nghìn hộ dân phải sơ tán tập trung vào nhiều khu tránh trú khác.

Ông Lâm cũng nhận định, nếu giữ nguyên cấp 12 khi vào đất liền, bão số 9 sẽ có sức tàn phá khủng khiếp, các nhà cấp 4 có thể không thể chịu đựng được trước sức gió.

 "Nếu cơn bão số 9 khi đổ bộ vào đất liền gây ra gió mạnh trong đất liền với cường độ từ cấp 12 trở lên thì đây sẽ là một trong những cơn bão ảnh hưởng trực tiếp mạnh nhất trong vòng 20 năm gần đây. Vùng trọng tâm chịu ảnh hưởng của bão là các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, và Bình Định với gió mạnh cấp 11 - 13, giật cấp 15. Nếu tình huống này xảy ra thì sức tàn phá của bão là cực kỳ khủng khiếp. Nhà cấp 4, cây cối... không thể chịu được”, ông Lâm nói.

Theo phân tích của ông Nguyễn Bá Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 9 sẽ gây gió mạnh, mưa giông và sóng lớn tác động đến giao thông biển, các khu vực ven biển, gồm: Các tuyến hàng hải như Đà Nẵng - Hoàng Sa, Cửa Việt - Cồn Cỏ, Cửa Đại - Cù Lao Chàm, Sa Kỳ - Lý Sơn, Lý Sơn - Cù Lao Bờ; cảng Quy Nhơn, cảng Phan Thiết - Phú Quý; Các cảng biển, khu neo đậu tàu thuyền: Các cảng Sa Kỳ, Lý Sơn, cảng Quy Nhơn, cảng Phan Thiết.

Ông Nguyễn Bá Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. Ảnh: Đình Trung

Vùng ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên rủi ro cao đến lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản, chòi canh, các khu du lịch ven biển do gió mạnh và sóng lớn;

"Gió mạnh và sóng lớn có nguy cơ cao phá hủy, gây sạt lở các đê kè, các công trình ven biển và các đề cửa sông đang thi công trên toàn tuyến từ khu vực Hà Tĩnh đến Phú Yên", ông Thuỷ cảnh báo.

Khu vực trũng ven biển: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế cần lưu ý ngập nước do nước biển dâng kèm theo sóng lớn. Riêng khu vực đầm phá thuộc Thừa Thiên Huế nước biển dâng có thể đi sâu trong đất liền hàng kilomet.


Ngọc Yến
.
.
.