Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2010:

Nền kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực, toàn diện

Thứ Năm, 05/08/2010, 10:38
Trong 2 ngày 3 và 4/8, Chính phủ đã tiến hành phiên họp thường kỳ tháng 7/2010 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tại phiên họp, Chính phủ đã xem xét và thông qua nội dung của 4 dự án luật sẽ trình ra kỳ họp Quốc hội sắp tới, đó là: Luật Thủ đô, Luật Tố cáo, Luật Phòng chống buôn bán người và Luật Chứng khoán (sửa đổi); xem xét thông qua các đề án về tăng cường tính cạnh tranh của nền kinh tế; về đổi mới và phát triển dạy nghề; về phát triển Việt Nam thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin.

Chính phủ cũng xem xét các báo cáo tổng kết công tác thí điểm không tổ chức HĐND ở một số quận, huyện, phường sau một thời gian tiến hành thí điểm; báo cáo về cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng;…

Về tình hình KT-XH, các thành viên Chính phủ đánh giá tình hình KT-XH 7 tháng đầu năm đang phát triển theo chiều hướng tích cực, có triển vọng hoàn thành tốt mục tiêu tăng trưởng cả năm đã đặt ra. Thực hiện tốt mục tiêu ổn định kinh  tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Thu ngân sách đạt tiến độ khá.

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/7/2010 tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 265 nghìn tỉ đồng, bằng 57,5% dự toán năm. Huy động và giải ngân vốn đầu tư phát triển cũng tiếp tục có một số chuyển biến tích cực; xuất khẩu tiếp tục được cải thiện, cao hơn so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu có xu hướng giảm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp.

Đáng mừng là giá cả thị trường được bình ổn, lạm phát được kiềm chế trong giới hạn cho phép. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,06% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm. So với tháng 12/2009 chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2010 tăng 4,84%.

Đây được xem là kết quả của việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách đề ra theo tinh thần Nghị quyết 18/NQ-CP.

Đến nay, tình trạng thiếu điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống người dân đã từng bước được khắc phục. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao hơn so với kế hoạch cả năm: tháng 7 ước tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2009; ngành dịch vụ tăng khá, tổng mức bán lẻ hàng  hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và du lịch đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước; nông nghiệp phát triển khá ổn định, dịch bệnh được kiểm soát và đẩy lùi.

An sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo; sức khỏe và đời sống người dân ngày càng được quan tâm tốt hơn; các lĩnh vực văn hóa xã hội có sự phát triển tốt; an ninh chính trị, trật tự xã hội được  giữ vững. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Giá cả trên thị trường thế giới tăng, gây áp lực đến mặt bằng giá trong nước; tình trạng thiếu điện trong những tháng đầu năm, thiếu vốn và lãi suất tín dụng cao vẫn là những khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất công nghiệp; thiên tai dịch bệnh vẫn có nguy cơ lây lan và diễn biến khá phức tạp,…

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, trong những tháng còn lại của năm 2010, bên cạnh nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp cho tăng trưởng, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung kiểm soát tốt hơn tình hình giá cả để lạm phát cả năm đạt dưới 8%. Bộ Tài chính cần phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, nhất là Hà Nội và TP HCM không để xảy ra nạn đầu cơ, tăng giá; cần chú trọng kiểm soát giá thuốc chữa bệnh, giá sữa, trong đó tập trung kiểm soát giá thuốc ở các nhà thuốc bệnh viện.

Thủ tướng lưu ý Bộ Công thương và các Bộ, ngành khác nghiên cứu biện pháp đồng bộ từ nhập khẩu, cung ứng đến bán lẻ để bảo đảm bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên cơ sở tôn trọng các cam kết tham gia Tổ chức Thương mại thế giới.

Đối với giá than, thực hiện nguyên tắc giữ nguyên giá than bán cho các nhà máy nhiệt điện, sẽ điều chỉnh theo giá thị trường than bán cho các nhà máy xi măng, giấy, phân đạm. Bộ KH-ĐT tập trung lo nguồn vốn cho định hướng phát triển giai đoạn 2011-2015. Các Bộ, ngành cũng cần tiếp tục tập trung tháo gỡ về vốn tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời giảm nhập siêu cả năm xuống dưới 20%, bên cạnh đó cần đẩy mạnh cổ phần hóa DN, bảo đảm an sinh xã hội…

PV
.
.
.