Nên đặt "Hà Nội - Km O" trước quảng trường Vua Lý Thái Tổ

Chủ Nhật, 01/03/2009, 09:48
Khi người viết bài này đang loay hoay với suy nghĩ tìm tư liệu thỏa mãn băn khoăn, rằng điểm nào đặt cột Km O Hà Nội là ý nghĩa nhất, thì nhà thơ Hồng Thanh Quang nảy ý: "Dựng Km O trên thềm quảng trường trước tượng đài Vua Lý Thái Tổ là hay hơn cả, nơi đây không gian rộng hướng ra Tháp Rùa rất đẹp. Nên xây đơn giản để du khách tiện tham quan, chụp ảnh lưu niệm...". Nhiều kiến trúc sư, nhà sử học, nhà văn hoá cũng đồng tình với ý kiến này.

Khi đồng hồ đếm ngược bên hồ Hoàn Kiếm nhấp nháy báo hiệu chỉ còn già năm trăm sáu chục ngày nữa sẽ đến đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, thì nhất cử nhất động nào liên quan đến các chương trình, mục tiêu, công trình hướng tới ngày đại lễ đều được dư luận đặc biệt quan tâm.

Cột mốc ghi dấu 1000 năm

Trong dòng nhiệt huyết hướng về Hà Nội ấy, đề xuất của Phó Giáo sư Hà Đình Đức thiện ý nên xây dựng một tháp "Hà Nội-Km O" tại khu vực hồ Hoàn Kiếm lập tức cuốn hút sự chú ý của đông đảo các nhà sử học, văn hóa, kiến trúc... và dường như là cả cộng đồng.

Cứ nghĩ một ý tưởng hấp dẫn đã tạo ngay được sự đồng thuận của xã hội như thế, diện mạo cấu trúc công trình không thật lớn hẳn sẽ chóng vánh được hoàn thành cho thỏa lòng người mong đợi. Vậy mà đã vài tháng trôi qua kể từ khi tác giả trình "ý tưởng" lên bàn đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo, chuyện đặt Km O Hà Nội ở đâu để đạt được tiêu chí cần có mà không phương hại đến cảnh quan hồ Hoàn Kiếm vẫn chưa thôi bàn luận.

Chỉ đơn giản vì cột mốc số O Hà Nội lại chọn vị trí bên hồ Hoàn Kiếm vốn rất nhạy cảm cả về phương diện lịch sử, văn hóa... lẫn cảnh quan kiến trúc nơi đây.

Vì có nhã ý đi tìm tư liệu để làm rõ ý nghĩa của cột Km số O nơi đô thị vốn chưa từng có ở nước ta chứ không riêng gì Hà Nội. Lại muốn sáng tỏ cùng bạn đọc vấn đề vị trí đặt Km O Hà Nội ở chỗ nào trong khu vực rộng lớn quanh hồ Hoàn Kiếm cho thật xứng, nên tôi sốt sắng tìm đến tác giả Hà Đình Đức.

Giữa căn phòng tràn ngập những tư liệu lịch sử, văn hóa phần nhiều là tài liệu nghiên cứu về Thăng Long-Hà Nội, Phó Giáo sư Hà Đình Đức giới thiệu tờ trình đề ngày 1/1/2009, gửi tới KTS Nguyễn Thế Thảo-Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Ông nhấn mạnh: "Không gian văn hóa hồ Gươm tiêu biểu cho văn hóa ngàn năm Thăng Long-Hà Nội. Chính nơi đây dưới triều Lý Thánh Tông (1057) đã dựng tháp Báo Thiên là một trong bốn công trình kỳ vĩ thế kỷ XI. Suốt chiều dài 1000 năm khu vực hồ Gươm vẫn là vùng địa linh của kinh đô Thăng Long xưa cũng như Thủ đô Hà Nội ngày nay. Từ hồ Gươm, các con đường tỏa đi mọi miền Tổ quốc và từ mọi miền đất nước các con đường lại tụ họp về đây. Để hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, tôi xin trân trọng đề nghị UBND thành phố Hà Nội dựng một tháp "Hà Nội-Km O" bằng đá quý Việt Nam tại khu vực hồ Gươm...".

Như thế, căn cứ lịch sử khá chắc chắn để nhận được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân về xây dựng Km O tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Nhưng còn căn cứ thực tiễn hay nói cách khác là vì sao bây giờ mới đặt cột Km O ở Hà Nội, việc làm đó nhằm mục đích gì? Phó Giáo sư Hà Đình Đức cho biết, cột Km O được đặt ở các đô thị lớn nước ngoài là chuyện không mới nhưng lại rất mới ở nước ta.

Ông dẫn ra câu chuyện hơi "phiếm" nhưng lại là nhu cầu đích thực, khách thập phương khi đến hay rời khỏi Thủ đô thường nói: "cách Hà Nội 50, 30 km... một cách phương phưởng". Thực ra thì đó chỉ là ước lệ lấy bưu điện bờ hồ làm chuẩn chứ có cột mốc chính xác nào đâu mà nói ba chục hay năm chục km về đoạn đường còn lại phải đi. Nghĩa là Km O đặt gần bưu điện bờ hồ như một nhu cầu tự nhiên, là điểm chuẩn để tính khoảng cách tới những địa phương khác mà thôi.

Theo ý tưởng ban đầu của Phó Giáo sư Hà Đình Đức, diện tích cần xây dựng tháp "Hà Nội-Km O" cần khoảng 4 đến 6m2, cao 3m, trên bờ hồ góc đường Đinh Tiên Hoàng và Hàng Khay. Sau nhiều lần nghiên cứu, góp ý, ngọn tháp này có dáng hình hộp vuông, mỗi cạnh 40 cm x40 cm, cao khoảng 1,8m. Bốn mặt đều khắc lô-gô, điền dòng chữ "Thăng Long-Hà Nội 1010-2010" và "Hà Nội-Km O". Tất cả đặt trên bậc tam cấp bằng ba vòng tròn, đường kính tương ứng khoảng 1m, 1,6m và 2m bằng đá quý. Toàn bộ nằm trong diện tích chừng non 20 m2. Ông cũng đề xuất, cần tổ chức cuộc thi chọn mẫu thiết kế đẹp cho công trình này.

Nhưng điều người dân quan tâm là đặt Km O ở nơi giao nhau giữa phố Hàng Khay và phố Đinh Tiên Hoàng có thỏa mãn các tiêu chí của mốc Km O hay chưa? Với quy cách như vậy liệu có ảnh hưởng tới không gian cảnh quan hồ Hoàn Kiếm? Phó Giáo sư Hà Đình Đức cho hay, đó mới là ý tưởng, hiện đang được tiếp tục bàn thảo trước khi quyết định xây dựng.

Phần người viết bài thì cảm thấy, việc đề xuất ý tưởng đặt Km O cho Hà Nội vào thời điểm này đã là việc làm đầy cống hiến của Phó Giáo sư Hà Đình Đức cho Thủ đô rồi, đòi hỏi thêm dù là nhỏ cũng trở nên khiếm nhã. Nhưng phải chăng xung quanh hồ Hoàn Kiếm không còn vị trí nào khả dĩ hơn điểm dự kiến đặt Km O ban đầu?

Trong khi các tiêu chí cần có đối với Km O là: Gần bưu điện, gần tòa thị chính (như ở nước ngoài) lại có không gian, cảnh quan du lịch nữa. Qua nửa buổi mạn đàm với kiến trúc sư cảnh quan Trần Thanh Vân về không ít đề tài liên quan đến công trình kỷ niệm ngàn năm Thăng Long-Hà Nội. Rút cuộc, vị trí đặt cột Km O vẫn lẩn khuất đâu đó. Vị trí nào bên bờ hồ thật khả dĩ để đặt mốc "Hà Nội-Km O" đến đây xem như còn chờ lời giải!

Sự lựa chọn phù hợp nhất

Đang loay hoay với suy nghĩ tìm tư liệu thỏa mãn băn khoăn, rằng điểm nào đặt cột Km O Hà Nội là ý nghĩa nhất, thì nhà thơ Hồng Thanh Quang nảy ý: "Dựng Km O trên thềm quảng trường trước tượng đài Vua Lý Thái Tổ là hay hơn cả, nơi đây không gian rộng hướng ra Tháp Rùa rất đẹp. Nên xây đơn giản để du khách tiện tham quan, chụp ảnh lưu niệm...".

Quảng trường vua Lý Thái Tổ. Ảnh: Minh Trí.

Đó là một phương án rất có niềm tin. Nhưng việc đặt công trình liên quan đến cảnh quan hồ Hoàn Kiếm xưa nay chưa bao giờ đơn giản nếu không muốn nói là đã "có chuyện" ở điểm này điểm nọ.

Theo kiến trúc sư Nguyễn Thúc Hoàng-Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, thì ngày xưa các nước hay đánh số km từ một điểm trung tâm của nơi này đến nơi khác để tính khoảng cách. Nơi thì họ đặt trước tòa thị chính (như Hoa Kỳ đặt Km O trước Nhà Trắng), nước Pháp lại đặt Km O trước nhà thờ Đức Bà Paris... Sau này khi xã hội phát triển, các nước lấy mốc từ bưu điện này đến bưu điện khác vì có liên quan đến chuyển thư, bưu phẩm để tính cước, lệ phí vận tải... Việt Nam chúng ta cũng theo tập quán này. Cấu trúc Km O cũng mỗi nước một khác, không giống nhau và không có tiêu chuẩn nào cho Km O cả.

Trở lại câu chuyện Km O Hà Nội, KTS Nguyễn Thúc Hoàng bày tỏ: Nơi đặt ở bờ hồ không có gì phải bàn, nhưng nếu lấy xa bưu điện thì không hay. Thực tế trước bưu điện Hà Nội hiện đã có tháp Hòa Phong, không có không gian, hai bên đều đã có công trình ken cứng. Vậy thì điểm nào? Đến đây KTS Hoàng thú thực, khi nghe tôi gọi điện thoại để xin ý kiến về vị trí đặt Km O Hà Nội bên hồ Hoàn Kiếm ở chỗ nào cho đẹp cảnh quan, ông thoáng giật mình biết có chuyện đó, rồi đi tìm tư liệu. Nghe nói suy nghĩ việc này cũng đã choán hết tâm trí của ông trong phần lớn buổi họp quan trọng bên Bộ chủ quản.

Chiều cùng ngày, KTS Nguyễn Thúc Hoàng gọi lại, giọng hồ hởi: Điểm trước tượng đài Vua Lý Thái Tổ là khả dĩ, vừa có không gian rộng, vừa gần bưu điện, giáp với UBND thành phố Hà Nội, được mọi nhẽ. Đặt ở đó không ảnh hưởng gì tới cảnh quan mà còn tạo thêm sự cuốn hút du khách của khu vực tượng đài.

Tôi nói thêm, đó lại là điểm có thể tham quan chụp ảnh thoải mái mà không ảnh hưởng tới an toàn giao thông nữa. Về cấu trúc Km O, KTS Hoàng tham vấn nên làm đơn giản kiểu của Pháp, chỉ bằng một tấm đồng hình tròn (hoặc vuông) có khắc biểu trưng, để ai đến đều có thể bước lên chụp ảnh, chiêm ngưỡng thích thú mà không chiếm không gian.

Nhà sử học Dương Trung Quốc rất tán thành với việc đặt Km O tại hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, một trong những đô thị cổ nhất Việt Nam. Nhưng ông lại cho rằng mô hình mốc số O hình tháp chỉ thích hợp với cột mốc tựa như trên đỉnh núi. Cũng có nước người ta chỉ đặt một ô vuông trang trí hài hòa trước cửa tòa thị chính như ở thủ đô Tây Ban Nha. Ông còn đưa ra ý kiến khá độc đáo, lấy điểm tháp Hòa Phong gắn với chùa Báo Ân để đặt Km O.

Ở đây sẵn có kiến trúc, ô vuông bên trong tháp đủ lớn để đặt mốc. Nơi này sẵn có không gian mang tính lịch sử, kiến trúc mang tính lịch sử, thêm cột mốc sẽ nâng tháp lên tầm cao mới. Chỉ tiếc, nếu đặt cột Km O vào trong tháp sẽ khó nhận biết, không gian nơi đây lại không thật rộng nên không tạo cho du khách không khí thoải mái nếu muốn dừng chân hay chụp một vài kiểu ảnh lưu niệm.

Ý là thế nhưng nhà sử học Dương Trung Quốc không quên nhấn mạnh, lấy vị trí trước tượng đài Vua Lý Thái Tổ cũng là ý tưởng hay. Xây dựng biểu tượng Km O ở đó sẽ đánh dấu một thời kỳ mới, cột mốc mới cho Hà Nội thời rộng mở.

Giáo sư sử học Lê Văn Lan bao giờ cũng điềm tĩnh đưa ra những ý kiến "đắt" cho những công trình "để đời" với Thủ đô. Giáo sư cho rằng nếu xây dựng Km O kiểu tháp cao 3m (hay 1,8m) ngay cạnh hồ Hoàn Kiếm thì sợ rằng sẽ phá hỏng cảnh quan, bởi ngay gần đó đã có tháp Hòa Phong. Và "hầu hết các quốc gia trên thế giới, theo truyền thống từ xa xưa như luật bất thành văn, bưu điện thường là điểm trung tâm của thành phố vì chính từ đây, các loại thư tín bưu phẩm được chuyển phát đi khắp nước".

Cả Giáo sư Vũ Khiêu và Giáo sư Lê Văn Lan đều thống nhất một đề nghị, nên xây dựng mốc Km O Hà Nội với thiết kế đơn giản, trang trọng, kích thước vừa phải và dễ nhận thấy. Cũng có thể làm cột mốc chìm như ở thủ đô Paris (Pháp).

Điều mà dư luận mong đợi, là điểm đặt cột mốc đó ở đâu? Giáo sư đưa ra ý kiến, là vừa phải đảm bảo chính xác, khoa học nhưng cũng đảm bảo cảnh quan cho hồ Hoàn Kiếm. Thuận theo ý kiến của các nhà sử học, nhà kiến trúc như thế, có thể thấy điểm phía trước tượng đài Vua Lý Thái Tổ thỏa mãn tốt nhất những tiêu chí đặt ra cho Km O Hà Nội.

Tổng Biên tập tạp chí Kiến trúc Nguyễn Việt Châu nhận xét, việc xây dựng tháp Km O bên bờ hồ nơi giao nhau giữa đường Đinh Tiên Hoàng với Hàng Khay chưa có căn cứ thỏa đáng. Bởi thông thường người ta đặt Km O này ở chỗ có điểm tựa kiến trúc. Chẳng hạn như ở Hoa Kỳ, người ta đặt trước cửa Nhà Trắng; ở Pháp đặt trước nhà thờ Đức Bà Paris... Đại khái, kiểu dáng cột mốc và vị trí xây dựng sao cho khi du khách đến Hà Nội, tham quan hồ Hoàn Kiếm thì muốn đến Km O đó để ghi dấu về cuộc viếng thăm. Muốn thế, cần phải có công trình làm điểm tựa, phải có không gian tương đối rộng. Như thế, vị trí nào thuận lợi hơn nơi quảng trường tượng đài Vua Lý Thái Tổ.

Có lẽ trong nhiều ý kiến đóng góp, thì quan điểm của Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc có ý nghĩ hết sức thực tế. Ông Phúc đặt vấn đề, nếu đặt Km O ở bờ hồ thì Km 1, Km 2... đặt ở đâu? Và mối liên hệ giữa cột mốc đó với những cột mốc kế tiếp đi các nơi sẽ như thế nào trong điều kiện đường giao thông từ Hà Nội đi và ngược lại đang thay đổi từng ngày?

Công dụng của cột mốc chỉ là để biết đó là điểm khởi đầu một con đường. Vì thế theo ông Nguyễn Vinh Phúc, khi xây dựng chỉ cần thiết kế đơn giản cao hơn mặt nền không nhiều. “Chỗ hợp lý nhất chính là điểm trước tượng đài Vua Lý Thái Tổ” - Nhà Hà Nội học nói.

Xung quanh câu chuyện này còn nhiều việc phải làm, như xác định tọa độ của Km O Hà Nội, thi thiết kế... Riêng chuyện lựa chọn vị trí đặt Km O đó, gợi mở của nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang với tác giả bài viết đủ thấy, anh và các đồng nghiệp, các văn nghệ sĩ tâm huyết với Hà Nội đến như thế nào

Thanh Phong
.
.
.