Nên cấp biển số cho xe đạp điện để quản lý, chấn chỉnh lộn xộn

Thứ Năm, 24/10/2013, 09:53
Không xi nhan, không còi, không gương… những chiếc xe đạp điện “nhiều không” như thế nhưng lại đi nhanh như xe máy. Trên những con phố đông đúc của Thủ đô, có khi, người điều khiển xe đạp đi tới tốc độ 50km/h. Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP Hà Nội, sự lưu hành lộn xộn của xe đạp điện xuất hiện ồ ạt thời gian gần đây là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông ở Thủ đô.

11h30’ ngày 22/10, đoạn cuối đường Nguyễn Khánh Toàn gần Trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội chật kín học sinh tan trường. Giữa dòng phương tiện ôtô, xe máy… những nam sinh, nữ sinh vô tư “đầu trần” phóng xe đạp điện lạng lách lẫn vào đám đông. Không đội mũ bảo hiểm, chủ nhân của những chiếc xe đạp điện còn dàn thành hàng ba, hàng bốn, vừa đi vừa nói chuyện, cười đùa không để ý đến các phương tiện xung quanh.

Hai nam học sinh đầu trần “cưỡi” xe đạp điện từ trong một con ngõ lao ra với tốc độ hơn 40km/h khiến nhiều phương tiện khác đang lưu thông phải giảm ga, tránh đường. Đến ngã ba Nguyễn Khánh Toàn - Nguyễn Văn Huyên, một nhóm học sinh đi xe đạp điện đang phóng trên đường với tốc độ khoảng 30km/h, không đèn báo hiệu bỗng nhiên tạt ngang đầu một chiếc xe máy để rẽ phải hết sức nguy hiểm, khiến người phụ nữ điều khiển chiếc xe máy loạng choạng tay lái. Mặc dù tai nạn chưa xảy ra nhưng những ai chứng kiến vụ việc cũng được một phen hú vía.

Cùng đường với nhóm xe đạp điện này, chúng tôi còn được chứng kiến những pha rẽ phải, rẽ trái không cần quan sát của những học sinh điều khiển trên đường. Trên thực tế, những chiếc xe đạp điện không hề có đèn xi nhan, gương chiếu hậu, còi… mà tốc độ lưu thông trên đường không thua kém gì một chiếc xe máy nên tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Cổng Trường THPT Việt Đức, khi giờ tan trường bắt đầu cũng là lúc những chiếc xe đạp điện từ khu vực cổng trường “túa ra”. Học sinh đội mũ bảo hiểm thì ít, phần lớn đều trong tình trạng “đầu trần” vừa đi xe đạp điện vừa vô tư cười đùa. Tại ngã tư Bà Triệu - Trần Hưng Đạo, một nhóm học sinh “đầu trần” đi xe đạp điện khi thấy có chốt CSGT đã nhanh chóng quay đầu lại vì sợ bị xử phat. Đây cũng là hình ảnh thường thấy của những học sinh không chịu đội mũ bảo hiểm khi gặp lực lượng CSGT.

Cần siết chặt quản lý xe đạp điện góp phần hạn chế tai nạn giao thông.

Qua khảo sát, chúng tôi cũng nhận thấy, số lượng học sinh nói riêng, người điều khiển xe đạp điện nói chung chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Không những thế, tuy gọi với tên là “xe đạp điện” nhưng không ít người điều khiển phương tiện này lại phóng trên đường với tốc độ lên đến 30-40km/h rất nguy hiểm. Thậm chí, nhiều nam học sinh điều khiển xe đạp điện còn lạng lách, đánh võng trên phố giữa dòng phương tiện như ken đặc vào giờ cao điểm.

Theo đánh giá của Phòng CSGT Hà Nội, xe đạp điện hoạt động lộn xộn là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm trên nhiều tuyến phố của Thủ đô. Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên đường hầu hết xử lý xe đạp điện vi phạm các lỗi: lạng lách, không đội mũ bảo hiểm. Từ đầu năm đến nay, Phòng CSGT Hà Nội đã có 2 đợt ra quân xử lý xe đạp điện vi phạm. Biện pháp xử lý chủ yếu là tuyên truyền, nhắc nhở bởi người đi xe đạp điện vi phạm chủ yếu là học sinh, sinh viên, là đối tượng cần được tuyên truyền. Trong lỗi này có một phần trách nhiệm của phụ huynh và nhà trường.

Công tác xử lý vi phạm đối với người điều khiển xe đạp điện là học sinh, sinh viên nhiều khi cũng rất khó khăn. Đại úy Tạ Ngọc Khánh, Đội phó Đội Tham mưu tổng hợp, Phòng CSGT đánh giá, theo quy định của pháp luật, xe đạp điện được bổ sung vào nhóm xe thô sơ, không có giấy tờ xe. Theo quy định, trường hợp điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm sẽ bị phạt hành chính 150.000 đồng. Nhưng đối với các em học sinh, đây là số tiền lớn và ít phụ huynh cho con mang số tiền đó theo người. Bởi vậy, nếu xử lý nghiêm, CSGT phải tạm giữ phương tiện, chờ phụ huynh học sinh đến giải quyết. Trong nhiều trường hợp, các học sinh do bị giữ xe, sợ hãi nên khóc lóc, rồi đứng chờ đợi ngay chốt giao thông gây phản cảm… nên chủ yếu các CSGT vẫn chỉ áp dụng cách nhắc nhở là chính.

Quy định hiện nay, xe đạp điện không cần có giấy tờ xe nên không áp dụng được biện pháp thu giữ giấy tờ xe để xử lý người vi phạm. Bên cạnh đó, cũng chưa có chế tài xử lý đối với trường hợp người điều khiển xe đạp điện đi tốc độ cao. Đây chính là nguyên nhân khiến người điều khiển xe đạp điện không tuân thủ Luật Giao thông khi lưu thông trên đường.

Cùng chung ý kiến với quan điểm cho rằng cần cấp biển số cho xe đạp điện để quản lý, Trung úy Nguyễn Quang Huy, Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho rằng, nhiều xe đạp điện trên thị trường hiện nay còn có giá trị cao hơn xe máy, tốc độ của xe đạp điện cũng tương đối cao. Bởi vậy, nếu cấp biển số cho xe đạp điện, ngoài hiệu quả cho công tác xử lý vi phạm còn là yếu tố để quản lý, giải quyết tài sản cho công dân khi xảy ra tình huống khác. Các cơ quan quản lý cần xem xét lại việc phân biệt xe đạp điện và xe máy điện trong công tác xử  lý vi phạm. Nếu chưa hợp lý thì chúng ta nên điều chỉnh cho phù hợp với thực tế hiện nay nhằm đảm bảo môi trường giao thông an toàn.

Từ tháng 1 đến tháng 9/2013, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã xử lý 2.238 trường hợp điều khiển xe đạp điện vi phạm, tạm giữ 62 phương tiện, phạt tiền 2.042 trường hợp, cảnh cáo 196 trường hợp.

Hương Hà
.
.
.