Nâng tải trọng xe, đường và cầu có đảm bảo ATGT?

Thứ Ba, 08/03/2011, 16:06
Việc nâng tải trọng có thể nói là giúp cho hoạt động vận tải của các doanh nghiệp thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, không ít người lo ngại việc nâng tải trọng xe trong khi hệ thống cầu yếu vẫn tồn tại khá nhiều, lại chưa được đầu tư nâng cấp đúng mức, liệu có chịu nổi áp lực tải trọng, gây nguy cơ mất ATGT.

Bộ GTVT ban hành Thông tư 03, cho phép nâng mức tổng trọng tải đối với xe tổ hợp đầu kéo với rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc lên tối đa 48 tấn so với quy định cũ 40 tấn, đồng thời nâng mức chiều cao xếp hàng của xe chở container từ 4,2m của quy định cũ lên 4,35m và nâng mức giới hạn tải trọng trục vượt quá từ 1,1 lần lên 1,15 lần tải trọng trục tối đa cho phép.

Cả nước còn tồn tại hơn 700 cây cầu yếu

Theo Tổng cục ĐBVN toàn hệ thống quốc lộ hiện còn 738 cầu yếu, với hàng trăm cầu đang xuống cấp trầm trọng. Điều đáng quan ngại là các cây cầu yếu đang ngày một nguy hiểm, trong khi vốn đầu tư thay thế, sửa chữa không đủ. Khảo sát cho thấy, riêng khu vực miền Trung, số lượng cầu yếu đã lên tới hơn 200 cầu đều nằm trên trục "xương sống" với lưu lượng xe/ngày rất lớn. Đa phần, do lâu năm không được duy tu, sửa chữa nên số lượng cầu trên chỉ "cắm" mốc tải trọng cầu từ 18 - 30 tấn, có những cầu chỉ cho phép xe 12 tấn lưu thông.

Để đảm bảo ATGT, hệ thống cầu yếu nên sớm được đầu tư  nâng cấp đúng mức. (Ảnh minh họa)

Đại diện Khu Quản lý đường bộ 5 (QLĐB5) cho biết: Chỉ tính riêng đoạn Khu quản lý từ Đà Nẵng vào Khánh Hòa đã có tới 70 cầu yếu cần được sửa chữa, trong số đó có 36 cây cầu hiện nằm trong danh sách báo động đỏ cần được triển khai xây dựng cầu mới. Đơn cử như cầu Sông Cái đoạn qua Khánh Hòa, mặt cầu đã bị nứt vỡ bêtông dầm chủ, thậm chí, ngay cả hệ thống cáp néo các dầm cầu chịu lực lại với nhau cũng đã đứt. Riêng cầu Cẩm Tiên 2 (Phú Yên) vì quá yếu nên đã được Khu QLĐB5 cho làm cầu tạm để lưu thông… Với các cây cầu này, việc cho phép các xe quá khổ quá tải lưu thông là nỗi lo khá thường trực.

Trao đổi về vấn đề này, ngày 7/3, đại diện Tổng cục ĐBVN thừa nhận: Hiện nay còn rất nhiều "lão cầu" trên QL1A đoạn qua miền Trung xây dựng từ trước năm 1975 nên đã quá yếu. Có nhiều cây cầu toàn bộ dầm bêtông bị phá hủy nghiêm trọng như: cầu Nam Ô, Liên Chiểu, Bà Dụ, Kỳ Hưng... Một số ít cầu đã được sửa chữa như cầu Bà Rén, Hương An, Bà Bầu… Tuy nhiên, hiện còn hàng chục cầu yếu khác đang khắc khoải chờ… kinh phí.

Cầu yếu chờ đầu tư, nỗi lo còn đó

Trong khi hệ thống cầu yếu chưa được sửa chữa thì Bộ GTVT lại đồng ý cho phép xe siêu trường, siêu trọng được "nâng tải" lên tới 48 tấn (so với quy định cũ 40 tấn), điều này có bất hợp lý? Nhìn vào thực tế,  Bộ GTVT đã lập dự án nghiên cứu sửa chữa, nâng cấp các cây cầu này.

Trong giai đoạn tới đây, Bộ GTVT sẽ ưu tiên xây dựng cho 45 cây cầu được sắp xếp làm 2 nhóm theo mức ưu tiên đầu tư gồm: Nhóm 1 là 24 cầu nằm trên các tuyến quốc lộ quan trọng, đã hư hỏng nặng, khổ cầu hẹp. Đặc biệt trong nhóm này phải kể đến 13 cầu nằm trên tuyến QL1A là: Hói Rui, Ô Sông, Cát, Trà Câu, Bình Dương, Trà Quang, An Ngãi, Gành, Ồ Ồ, Lùng, Bà Triên, Cửu Lợi, Ý Lợi. Ngoài ra có các cầu: Già Khê, Gia Nghé, Một Trại (QL31), Ốc (QL21), Suối Chuỗi, Sông Hoàng (QL47), Om (QL15), Khe Sanh (QL9), Đồng Xiêm (QL19), Mương Khai, Xã Hời (QL54). Tổng mức đầu tư nhóm này là 798.336 triệu đồng. Nhóm 2 có 21 cầu, trong đó có ba cầu trên QL1A là cầu Hạc, cầu Bố và cầu Liên Chiểu. Thuộc danh sách còn có: Nậm Mơ (QL32), Sen (QL37), Km67, Nà Tèn (QL4C), Bản Dù, Nà Mưa I, Nà Mưa II, Pá Mật (QL1B), Ông Triệu, Đôi I, Số 5, Sông Trầu, Khe Cú (QL14E), Suối Đó (QL55), Bù Na 1, Bù Na 2, Lò Gạch (QL14), Bình Phan (QL50). Nhóm này có tổng mức đầu tư 464.811 triệu đồng.

Theo dự kiến, các cầu trên sẽ được đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ và các nguồn khác, thời gian đầu tư sẽ thực hiện từ năm 2011 đến năm 2013. Trong trường hợp gặp khó khăn về nguồn vốn, các cầu yếu trên QL1A thuộc nhóm 1 sẽ được ưu tiên xây dựng trước.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia giao thông thì việc đầu tư 45 cầu so với hàng trăm cầu yếu đang còn tồn tại chỉ như "muối bỏ bể". Trong khi còn hàng trăm cầu khác đang kêu cứu. Chính vì thế, các địa phương cần phải chủ động tận dụng các nguồn vốn khác, đặc biệt từ các hình thức như BOT, BT, PPP... để tiến hành nâng cấp hệ thống các cầu yếu nằm trên tuyến trọng điểm như: khu vực các cảng, khu công nghiệp, khu chế xuất... Có như vậy,  bất hợp lý trên mới mong sớm được xóa bỏ

Đặng Minh
.
.
.