Nắng nóng kéo dài: Trẻ đổ bệnh vì cha mẹ bật máy lạnh “thả ga”

Thứ Hai, 26/05/2014, 08:22
Ngày 24/5, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho biết, số bệnh nhi nhập viện vào những ngày này tăng hơn hẳn, một phần vì dịch bệnh đang vào mùa, mặt khác do thời tiết nắng nóng kéo dài nên các khoa nhiễm của bệnh viện nhi trở nên căng thẳng hơn.

Trong đó rất nhiều trường hợp trẻ đổ bệnh do cha mẹ chăm sóc không đúng cách. Hiện, trong khoa đang có trên 50 ca trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng (TCM), tại Khoa Hồi sức tích cực đang chăm sóc theo dõi 1 trẻ bị sởi biến chứng nặng, 1 trẻ bị biến chứng thần kinh do TCM phải thở máy.

Trong đó tại Khoa Nội - Tổng quát, số ca trẻ mắc bệnh sốt siêu vi, viêm phế quản, viêm phổi và viêm não, viêm màng não cũng đang có dấu hiệu gia tăng. Từ đầu tháng 5 tới nay, Khoa Nhiễm của bệnh viện đã tiếp nhận điều trị nội trú khoảng 30 trường hợp viêm màng não do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trong khi trên địa bàn thành phố, từ tháng 4 tới nay, tất cả các quận, huyện đều ghi nhận có số ca bệnh TCM gia tăng. Bệnh nhi sởi vào đầu tháng 5 với số ca nội trú trong Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 là 75-80 ca thì nay chỉ duy trì ở mức 40 ca nội trú. Nhưng theo các bác sĩ, cũng có không ít ca nặng do trẻ còn quá nhỏ, hoặc cha mẹ chưa kịp tiêm vaccin hoặc chưa đến độ tuổi tiêm vaccin cho trẻ nên nhiễm bệnh. Các bác sĩ bệnh viện này vừa cấp cứu thành công 3 ca sởi bị biến chứng viêm phổi nặng (1 ca tại quận Tân Bình, 1 ca tại Bạc Liêu và 1 ca tại Cần Giuộc – Long An) chuyển tới.

Những ngày nắng nóng, số trẻ nhập viện tăng nhanh.

Theo bác sĩ Khanh, trẻ nhập viện do bệnh nhiều trong thời điểm này một phần vì nắng nóng, phần quan trọng nữa mà cần cảnh báo tới các bậc phụ huynh, đó là do cho con ăn uống, sinh hoạt không đúng. Trời nóng tới 38-39 độ C nên những ngày này, đa số các gia đình bật máy lạnh hết cỡ, bật quạt cả ngày, đêm, hoặc để quạt thẳng vào người trẻ khiến trẻ bệnh, nhất là trẻ trong độ tuổi dưới 5 tuổi.

Qua lời kể của các bậc cha mẹ, được biết, trẻ bệnh do nhiều bà mẹ tắm cho con quá lâu. Trời nóng, thấy trẻ thích nước nên cho con nghịch nước hàng tiếng đồng hồ, hoặc cuối tuần cho con đi bơi, thời gian ngâm mình trong bể bơi quá lâu khiến các bé bị cảm, bị viêm xoang, viêm họng.

Theo phân tích của bác sĩ Khanh, chỉ từ căn bệnh thông thường như viêm họng, sốt siêu vi, viêm mũi… nhưng có thể dẫn tới nhiều bệnh cảnh nặng. Do thời tiết nắng nóng, trẻ ăn uống không được, sức đề kháng giảm sút, dễ cảm mạo, lại đang vào mùa của dịch sốt siêu vi, kèm thêm viêm họng do sinh hoạt không điều độ như dẫn chứng trên nên nhiều trẻ lúc đầu chỉ viêm họng, cha mẹ lại chủ quan không chữa, hoặc mua vài viên kháng sinh ngoài hiệu thuốc tây, bệnh không hết, thêm việc bị kháng kháng sinh, tạo điều kiện cho chính tác nhân ở vùng mũi họng hoặc tác nhân gây bệnh khác tấn công, gây nên viêm não – viêm màng não. Một số trẻ khác thì diễn tiến thành viêm phổi hoặc viêm phế quản. Trong khi đó, ở bệnh viêm não, khi trẻ đã nhức đầu, thay đổi tri giác, lơ mơ, lừ đừ, co giật, hôn mê thì đã quá muộn. Ở bệnh TCM biến chứng thì trẻ không hôn mê. Trẻ viêm não – viêm màng não thường nằm hôn mê sâu. Các bác sĩ lưu ý đây là đặc điểm khác biệt giữa hai bệnh nguy hiểm này.

Theo bác sĩ Khanh, trong thời điểm hiện nay cũng cần hết sức lưu ý bệnh sốt siêu vi ở trẻ nhỏ. Do chủ quan, nhiều phụ huynh cho rằng, sốt siêu vi với đặc điểm chỉ sốt cao chừng vài ngày là bệnh tự hết. Tuy nhiên, sốt siêu vi trong diễn tiến lâm sàng rất nguy hiểm. Nếu thấy ở trẻ có biểu hiện nôn ói, sốt cao, đau đầu, lừ đừ, chân tay lạnh là phải nhập viện ngay, tránh để biến chứng lên não

H.Nga
.
.
.