Nắng nóng gay gắt, bệnh nhân nhập viện tăng cao

Thứ Bảy, 05/05/2012, 10:10
Đợt nắng nóng đang kéo dài với nhiệt độ lên tới 40-41o C đã khiến cho nhiều căn bệnh xuất hiện và làm cho không ít bệnh nhân phải nhập viện, trong đó, chủ yếu là trẻ nhỏ và người già. Vì thế, đây cũng là thời điểm các bệnh viện (BV) tuyến cuối trên địa bàn Hà Nội phải “gồng mình” đón một lượng rất lớn bệnh nhân.

Các BV vốn đã chật chội, nay càng thêm ngột ngạt và cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân đều phải ráng chịu đựng hậu quả của thời tiết.

BS. Trần Văn Lực, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp của BV Lão Khoa TW, cho biết: Từ hôm nắng nóng gay gắt đến nay, mỗi ngày, lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tăng tới 30%. Trong đó, chủ yếu là các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, viêm phế quản, viêm phổi, viêm da dị ứng gây ngứa và bệnh đường tiêu hóa v.v… Nhiệt độ tăng quá cao trong khi sức đề kháng của người cao tuổi giảm, chế độ ăn không đủ chất dinh dưỡng cần thiết, là nguyên nhân làm tăng nặng các căn bệnh ở người già.

Là tuyến cuối điều trị cho trẻ nhỏ nên số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại BV Nhi Trung ương cũng tăng tới 30%. BS. Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh - BV Nhi Trung ương, cho biết: Các bé đến đây khám và điều trị chủ yếu mắc các bệnh đặc trưng của trẻ nhỏ là hô hấp và tiêu chảy, đặc biệt là vào thời tiết nóng dễ làm các vi khuẩn sinh sôi như hiện nay. Bên cạnh đó là các bệnh đang xuất hiện trên cả nước là tay-chân-miệng và sốt xuất huyết. Mỗi ngày, BV phải tiếp nhận khoảng 3.500 trẻ đến đây khám, điều trị.

Bệnh nhân vào Khoa Tâm thần của BV Bạch Mai tăng nhiều trong những ngày nắng nóng.

Theo BS. Cấn Phú Nhuận, do công tác tuyên truyền và sàng lọc của tuyến dưới về bệnh tay-chân-miệng và sốt rubella chưa tốt, dẫn đến nhiều trường hợp bệnh nhẹ cũng đổ về tuyến trên, khiến cho BV vốn đã đông, nay càng đông. Người nhà và bệnh nhân phải chờ đợi rất lâu mới đến lượt khám, còn các bác sĩ phải làm việc với cường độ cao hơn rất nhiều. Những ngày này, các thầy thuốc của BV Nhi còn phải làm việc đến 8-9h tối, vì bệnh nhân dồn về quá tải. Mỗi bác sĩ ở phòng khám phải khám cho 70-90 bệnh nhi mỗi ngày, tức là cao gấp nhiều lần quy định.

Theo TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, những ngày nắng nóng này, lượng bệnh nhân vào BV khám và điều trị cũng tăng khoảng 20% với các bệnh chủ yếu là viêm phổi, sốt xuất huyết, tiêu chảy. Nắng nóng, nhiệt độ tăng cao khiến nhiều người bị say nắng, say nóng đến mức hôn mê, co giật, đặc biệt là đã lác đác có các trường hợp viêm màng não nhập viện. TS. Nguyễn Văn Kính nhấn mạnh: Đang chuẩn bị là thời điểm các bệnh não viêm, sốt xuất huyết phát triển, nên khả năng số người mắc các bệnh này nhập viện sẽ còn tăng trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, nhìn tổng thể ở BV Bạch Mai, lượng bệnh nhân không tăng đột biến - BS. Lan Anh, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp của BV cho biết. Chỉ một số bệnh có tăng nhưng không nhiều, như bệnh nhân huyết áp, suy tim, khớp, thần kinh... do nhiệt độ chênh lệch quá cao, khiến huyết áp không ổn định, nhất là ở những người bệnh mạn tính, bệnh mạch vành, bệnh nhân bị van tim, suy tim... PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) lý giải: Nắng nóng quá cũng khiến sức đề kháng của nhiều người giảm, nhất là trẻ nhỏ, dẫn đến dễ bị nhiễm khuẩn, sốt virus, viêm đường hô hấp...

Để phòng tránh các bệnh trong những ngày nắng, nóng, TS. Nguyễn Văn Kính khuyến cáo: Biện pháp hữu hiệu nhất là tiêm chủng, phòng ngừa các bệnh viêm não B, tiêu chảy, sốt virus v.v… Trung tâm tiêm phòng hiện đại nhất nước của BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đáp ứng được yêu cầu của người dân với 16 loại vaccine cần thiết cho cả trẻ em và người lớn. Bên cạnh đó, cần phải giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn đồ ôi thiu để tránh bị ngộ độc và tiêu chảy, ngủ phải nằm màn, diệt muỗi, tránh nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết.

Với những bệnh nhân say nắng, say nóng, cần được chườm mát và truyền dịch, nếu bị nặng hơn phải đưa đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Điều cần chú ý với người già và trẻ em, những người có sức đề kháng kém, tránh đi ra ngoài lúc trời nắng nhất, là từ 11h đến 15h. Những người mắc bệnh mạn tính phải duy trì uống thuốc đều đặn theo chỉ định, nhất là người già. Việc uống đủ nước, ăn đủ chất dinh dưỡng là cần thiết để cơ thể đủ sức đề kháng trước bệnh tật trong những ngày hè nóng nực.

Với trẻ em, BS. Cấn Phú Nhuận cho biết, do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, nên mùa nắng nóng trẻ có nguy cơ mắc các bệnh: say nắng, viêm não Nhật Bản, sốt virus và tiêu chảy cấp. Vì thế, không nên cho trẻ chơi ngoài nắng gắt và tăng cường các thức ăn giàu vitamin. Đặc biệt, mùa hè năm nay, các bậc phụ huynh cần lưu tâm đến bệnh tay-chân-miệng ở trẻ, để phòng tránh và phát hiện sớm, điều trị kịp thời, đúng cách nếu trẻ mắc phải

Dạ Miên
.
.
.