Nắng hạn khốc liệt hoành hành Ninh Thuận

Thứ Bảy, 11/04/2015, 11:03
Ninh Thuận là địa phương có khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình với đặc trưng khô nóng, gió nhiều, bốc hơi mạnh, lượng mưa trung bình từ 700-800mm ở TP Phan Rang và tăng dần đến trên 1.100mm ở miền núi, độ ẩm không khí từ 75-77%. Do đó, hiện tượng “sa mạc hóa” khu vực phía Nam tỉnh Ninh Thuận diễn ra thường xuyên.

Bất kỳ ai đi trên QL1A qua khu vực Thuận Nam, Ninh Phước sẽ cảm nhận về nắng nóng và khô hạn với đồng cây xương rồng, lưỡi long, dưới chân núi đá trọc, một bên là biển cực mặn và đồng muối công nghiệp trắng lóa, chói chang.

Năm 2015 là một năm nắng hạn khủng khiếp. Nguồn nước từ thủy điện Đa Nhim từ trước đến nay luôn đảm bảo nước tưới, sinh hoạt, sản xuất của người dân Ninh Sơn, Ninh Phước và TP Phan Rang. Nhưng nay hầu như đã cạn kiệt.

Hạn hán tại Ninh Thuận, hồ cạn, người dân mua nước, dê cừu chết khát.

Đặc biệt là đời sống của bà con dân tộc Raglay tại huyện miền núi Bác Ái đang thiếu nước nghiêm trọng. “Hơn 30 năm sống ở vùng đất này, đây là lần đầu tiên tui mới thấy sự khốc liệt của nắng hạn”, ông Chamaléa Hâu, lão nông của thôn Tham Dú, xã Phước Trung, huyện Bác Ái nói với chúng tôi. Ngay từ đầu tháng 3/2015, dòng suối đã khô trơ cả đáy, trên 20 hộ gia đình bà con dân tộc dùng cuốc, xẻng đào đá lên tìm nguồn nước.

Ông Trương Quý Dương, Chủ tịch UBND xã Phước Trung, đang tất bật đốc thúc tốp thợ dùng máy đào giếng cứu khát cho dân. “Dê, bò đói khát đã đành, chỉ lo cho gần 1.000 người của địa phương từ mấy tháng nay phải chạy đôn chạy đáo mua nước sinh hoạt. Những gia đình nghèo không có tiền mua nước phải sử dụng nước ao tù rất mất vệ sinh. UBND tỉnh đã trợ giúp mỗi ngày 4 xe bồn khoảng 100m3 nước sạch cho dân, nếu không thì bà con chẳng biết phải sống ra sao...” - ông Chủ tịch xã thở dài.

Xã Phước Trung còn có đàn gia súc gần 5.800 con, khô hạn hết nước uống, đồng cỏ cháy khô không còn thức ăn... dịch bệnh đang đe dọa đàn gia súc và con người. Vì vậy, bà con dân tộc Raglay ở Phước Trung không chỉ cần hỗ trợ nước uống và lương thực, mà còn cả chăm sóc y tế. Già làng thôn Rã Giữa, ông Kator Nhi kêu Yàng, vì cây xương rồng sống còn không nổi thì con người làm sao…

Hàng ngày, người dân Raglay từ già đến trẻ khắp 4 thôn Rã Giữa, Giá Trung, Đồng Dày, Tham Dú kéo nhau đi đào giếng dưới suối gạn đục chắt từng ca nước mang về sử dụng. Người Raglay chuyên sống trên núi cao từ giữa đến ngọn núi nên nguồn nước chủ yếu lệ thuộc vào các con suối. Một khi nắng hạn kéo dài, đàn gia súc và con người sẽ thiếu nước uống, sinh hoạt và tất nhiên mùa giáp hạt đói là không tránh khỏi.

Ông Trần Xuân Hòa - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi phải duy trì mức xả nước từ Nhà máy thủy điện Đa Nhim, ưu tiên hàng đầu nước phục vụ dân sinh, nước uống cho đàn gia súc, nước tưới cho số diện tích gieo trồng trong kế hoạch. Ngoài ra, các địa phương còn khẩn trương tổ chức nạo vét kênh mương, giếng, đào ao lấy nước và thực hiện tưới nước tiết kiệm. Nếu thời tiết khô hạn còn tiếp tục thì các huyện cần vận động người dân có giải pháp di dời đàn gia súc đến nơi thuận lợi về nguồn nước, thức ăn.

Ninh Thuận là “vương quốc cây nho”, nắng hạn thiếu nước đang trở thành mối đe dọa rất lớn với bà con Ninh Hải, Ninh Phước. Hồ chứa nước Ông Kinh, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, Thuận Nam có dung tích 800.000m3 phục vụ nước tưới cho 120ha nho và cây rau màu của xã Nhơn Hải nhưng do nhiều tháng qua không mưa, nên hồ đã hết nước từ cuối năm 2014.

Để có nước tưới cho cây nho người dân phải đào giếng dưới lòng hồ. Anh Nguyễn Ánh, thôn Mỹ Tân, trồng 3 sào nho gần hồ Ông Kinh cho biết, phải khoan giếng dưới đáy lòng hồ sâu khoảng 40m mới có nước, sau đó dùng máy bơm vào giếng đào, rồi tiếp tục bơm vào ruộng nho. Hiện dưới lòng hồ Ông Kinh có khoảng 40 giếng khoan và 20 giếng hở để bơm nước lên ruộng nho chống hạn.

Hoàng Quân Châu
.
.
.