Nâng cao ý thức phòng, chống cháy nổ trong các lễ hội

Thứ Tư, 04/03/2015, 08:03
Mỗi năm cả nước có gần 8.000 lễ hội, chủ yếu diễn ra vào mùa xuân. Đây là thời điểm tiềm ẩn nguy cơ cháy cao, do việc đốt hương, vàng mã nhiều, cộng với lượng khách thập phương tập trung rất lớn.

Thực hiện nội dung công điện của Chính phủ và Bộ Công an về bảo đảm an toàn PCCC khu vực lễ hội, ngày 28/2 (tức mùng 10 Tết), ngày mở hội Yên Tử, đoàn công tác của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (PCCC & CHCN) do Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng dẫn đầu đã có buổi kiểm tra công tác phòng cháy cho lễ hội xuân Yên Tử năm nay.

Là một trong những lễ hội lớn nhất cả nước, thu hút khoảng 2 triệu khách/năm và phương tiện về lễ và cầu may mắn, lễ hội Yên Tử là nơi được đặc biệt chú trọng trong công tác phòng cháy, bởi nguy cơ cao và khi cháy sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

Theo đại diện Ban Quản lý khu danh thắng Yên Tử, những ngày cao điểm, Yên Tử đón 2.000 đến 3.000 ôtô, 1,5 vạn xe máy và hàng chục vạn người.

Yên Tử là một quần thể rất lớn, có 10 chùa là 4 khu vực để khách hành hương đến thắp hương, chiêm bái, các di tích lại nằm trong rừng quốc gia với diện tích trên 3.000ha nên phòng chống cháy rừng cũng là một nhiệm vụ quan trọng.

Các địa điểm được xác định có nguy cơ cháy nổ cao nhất là bãi để xe và ngay trong khuôn viên các chùa, nơi khách hành hương thường thắp hương và đốt vàng mã. Nhận thức được những nguy cơ, ngay từ trước mùa lễ hội, Cảnh sát PCCC&CHCN tỉnh đã cùng với địa phương và đơn vị quản lý khu di tích lên phương án, xây dựng kế hoạch PCCC.

Đặc điểm địa thế Yên Tử khá phức tạp, nằm trên núi cao, các nguồn nước tại chỗ rất khan hiếm, phương tiện đưa nước lên cũng rất khó khăn, nên khi đã để xảy ra cháy thì hậu quả rất khó lường. Ý thức rất rõ thực tế đó, các lực lượng tại chỗ đã chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án phòng cháy.

Trao đổi với PV, Thượng tọa Thích Tuệ Phúc – Phó Trụ trì Thiền Viện Trúc Lâm cho biết: Từ năm 2001, khi được các cấp lãnh đạo cho khôi phục lại dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, khách hành hương về với Yên Tử ngày càng đông, các thầy đã luôn nói với các phật tử về sinh hoạt ở chùa việc phòng hỏa hoạn quan trọng nhất là ý thức.

Việc đốt vàng mã trong thiền viện cũng bị cấm hẳn, bởi sai tinh thần của nhà Phật. Bà con nào muốn đốt thì các thầy gom tập trung lại đúng chỗ để đốt.

Các thầy cũng thường xuyên nhờ Cảnh sát PCCC của TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh kiểm tra, hướng dẫn rất chu đáo về công tác phòng cháy, nguồn điện, nguồn nhiệt đều được làm rất chuẩn.

Giống như nhà mình, mình biết quản lý thì không có chuyện sơ suất. Việc phòng ngừa phải là đầu tiên, vì khi cháy xảy ra là chậm mất rồi. Từ xưa tới giờ chưa có chuyện cháy nổ xảy ra ở nơi đây.

Đoàn công tác của Cục Cảnh sát PCCC & CHCN (Bộ Công an) trao đổi với Thượng tọa Thích Tuệ Phúc – Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử.

Thượng tọa Thích Tuệ Phúc cũng cho biết, do Yên Tử là nơi đất tổ nên các lực lượng chức năng, ban quản lý và cả khách hành hương đều rất có ý thức, tận tâm với công việc để mong cầu những điều tốt đẹp đến với mình.

Ngoài Thiền Viện Trúc Lâm, đoàn công tác cũng đã đến kiểm tra bãi đỗ xe, khu vực có nguy cơ cháy nổ cao nhất.

Tại đây, các phương tiện đã được tổ chức theo luồng, theo khu vực tách riêng, chứ không hợp thành cả một bãi lớn, để khi có sự cố có thể khoanh vùng xử lý.

Qua kiểm tra cho thấy, các phương tiện chữa cháy đều được chuẩn bị sẵn sàng, hoạt động tốt. Các hộ dân cung cấp dịch vụ trong khu vực đã được tuyên truyền về cách sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt đúng cách.

Ngay cả các sư thầy trong chùa cũng được tập huấn, cấp chứng chỉ. Công tác tuyên truyền cho người đứng đầu và khách thập phương nâng cao ý thức PCCC được nâng cao, chủ động phòng ngừa, sẵn sàng chữa cháy kịp thời và huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng PCCC tại chỗ.

Qua thực tập, cá nhân từng cán bộ chữa cháy tại chỗ ở cơ sở đã nâng cao được tay nghề, phối hợp chuyên môn với các lực lượng được nâng lên. Nếu xảy ra chỉ xảy ra 1 đến 2 phút là phức tạp ngay nên các lực lượng được yêu cầu thường trực tại chỗ.

Sáng sớm, khi khách chưa đến đã tiến hành việc thử bơm, phun nước, rải vòi sẵn sàng, chứ không để đến lúc sự cố xảy ra sẽ ứng phó không kịp. Họng nước phải bố trí vòi sẵn.

Trả lời câu hỏi của Đại tá Đoàn Hữu Thắng “Nếu xảy ra cháy, các đồng chí có cam đoan lực lượng tại chỗ xử lý được không?”, đại diện các lực lượng tại chỗ tự tin cho biết hoàn toàn xử lý được. Ngay cả lực lượng làm công tác hỗ trợ y tế cũng được chuẩn bị sẵn sàng.

“Yên Tử là một dòng thiền của Việt Nam do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập ra, không lệ thuộc văn hóa nước khác, nên về mặt tâm linh, rất nhiều khách hành hương về đây để mong cầu những điều tốt lành. Hành hương ở nơi chốn tổ, hoặc ở bất cứ nơi nào, điều đầu tiên là phải cố gắng hành động, lời nói cho lành, có ý thức. Đi lễ hội mà chen lấn, gây lộn đánh nhau thì cái bất hạnh sẽ theo mình cả năm. Đạo Phật gọi là nhân quả. Ai cũng muốn 1 năm dài đằng đẵng có những điều may mắn thì phải nâng cao ý thức, đặc biệt là công tác phòng cháy, bởi nếu xảy ra thì hậu quả khó mà lường”, Thượng tọa Thích Tuệ Phúc căn dặn.

Đoàn công tác của Cục Cảnh sát PCCC & CHCN (Bộ Công an) trao đổi với Thượng tọa Thích Tuệ Phúc – Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC & CHCN, nhiều vụ cháy chùa đã xảy ra do sự lơ là về công tác phòng cháy.

Đơn cử vụ cháy chùa Già Lam ở TP Hồ Chí Minh, tháng 1/2014, đã thiêu rụi 60m2 diện tích tầng 2 của ngôi chùa cùng hàng trăm quyển sách kinh.

Tháng 12/2013, đền thờ Lê Lai (Thanh Hóa) cũng bốc cháy, nhiều thiết bị hạng mục của tòa Tam Quan bị hư hỏng, gây ảnh hưởng rất lớn đến giá trị tinh thần của công trình.

Hay tháng 7/2014 là vụ cháy ngôi chùa 300 tuổi Hội Sơn (TP Hồ Chí Minh), thiêu rụi chính điện rộng hơn 300m2 của ngôi chùa với nhiều tượng phật, ban thờ. Thiệt hại của vụ cháy này là vô cùng to lớn, không thể đánh giá được.

Năm 2011 là vụ cháy ngôi chùa Tảo Sách 600 năm tuổi tại Hà Nội. Ngoài thiệt hại về vật chất, những vụ cháy như trên đã hủy hoại nghiêm trọng các di sản văn hóa lâu đời của dân tộc.

V. Hân – Q. Cảnh
.
.
.