Nạn khai thác cát trái phép trên sông Hồng, sông Đuống

Thứ Bảy, 21/05/2011, 17:42
Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão TP Hà Nội thì tính đến cuối năm 2010 trên các tuyến sông Hồng, sông Đáy, sông Cà Lồ thuộc địa phận Hà Nội có tới 22 điểm khai thác cát. Trong số đó có tới 14 điểm không có phép vẫn hoạt động.

Về vấn đề liên quan đến hàng loạt bãi tập kết vật liệu cát sỏi không phép mọc ở một số điểm hai bên bờ sông, theo Thượng tá Nguyễn Văn Cương cho hay thì việc chống khai thác cát trên sông cần tới một giải pháp toàn diện, từ đó giải quyết tận gốc vấn đề chứ không thể trông chờ vào những đợt ra quân riêng lẻ của các lực lượng. Chưa hết, công tác quản lý, cấp phép cho các điểm tập kết, khai thác cát của chính quyền địa phương cũng như cơ quan có thẩm quyền chuyên trách cũng là yếu tố không thể thiếu được trong việc ngăn chặn vấn nạn "cát tặc" lộng hành như hiện nay.

Sáng sớm 20/5, chúng tôi có mặt tại trụ sở Phòng CSGT đường thủy - Công an TP Hà Nội. Đang vào đợt cao điểm nên hai tổ công tác gồm lực lượng CSGT đường thủy và Phòng Cảnh sát Môi trường luôn ở trạng thái sẵn sàng xuất kích để bắt quả tang các trường hợp vi phạm khi nhận được tin báo của lực lượng trinh sát.

Tranh thủ lúc chúng tôi đang ngồi cùng ứng trực để "mục kích" cảnh bắt "cát tặc" trên địa bàn, Thượng tá Nguyễn Văn Cương - Phó trưởng Phòng CSGT đường thủy cho biết: Sau những ngày cao điểm lực lượng Công an ra quân quyết liệt, tình hình đã tạm lắng dịu. Các đối tượng đã chuyển sang hoạt động kín kẽ, tinh vi hơn và thường tập trung vào các buổi tối.

Thượng tá Cương cho biết: Hiện trên địa bàn TP Hà Nội đơn vị này đang quản lý hơn 180km đường sông. Trong đó nạn khai thác cát chủ yếu tập trung trên tuyến sông Hồng (với 124km) và sông Đuống (24km). Nhiều năm qua, tình trạng khai thác cát trái phép luôn là vấn đề nhức nhối nhất trên các tuyến sông. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, tình trạng này có chiều hướng gia tăng.

Để giải quyết triệt để vi phạm, ngày 19/4/2011, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã có Kế hoạch chỉ đạo lực lượng CSGT đường thủy và Cảnh sát Môi trường tập trung xử lý nạn khai thác cát vi phạm. Thống kê của đơn vị này cho thấy từ ngày 20/4 đến 19/5, các tổ công tác của lực lượng CSGT đường thủy và Cảnh sát Môi trường đã phát hiện và bắt giữ 19 trường hợp tàu khai thác cát trái phép.

Tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng - đoạn qua Từ Liêm (Hà Nội) bị lực lượng CSGT đường thủy, Cảnh sát môi trường - CATP Hà Nội bắt quả tang.

Theo đánh giá của Phòng CSGT đường thủy - Công an TP Hà Nội, qua thời gian thực hiện kế hoạch số 70 cho thấy, tuyến sông Hồng là địa điểm mà chủ các tàu khai thác cát trái phép nhắm đến hơn cả. Có điều này cũng bởi tại lưu vực sông Hồng tập trung một lượng lớn cát đen cho lợi nhuận thu lại cao, nên thay vì tìm đến các điểm khác, chủ tàu đã nhắm đến những khu vực này. Đáng chú ý, các trường hợp tàu vi phạm phần lớn đều từ các địa phương lân cận khác như: Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Phú Thọ…

Trò chuyện với chúng tôi, các thành viên tổ công tác cho biết: Với công suất khai thác như hiện tại thì với tàu có trọng tải 600 tấn, đối tượng chỉ cần sục vòi rồng xuống nước hút khoảng 2 - 3 tiếng đồng hồ là đã kín cát.

Để đối phó lại lực lượng chức năng, những đối tượng này thường lợi dụng các thời điểm đêm tối hoặc khi không có lực lượng TTKS trên sông để hoạt động. Khai thác không có phép, thậm chí các đối tượng "lao động" trên tàu còn chẳng có giấy tờ tùy thân, chỉ độc mỗi chiếc áo may ô và quần cụt. Không ít trường hợp khi bị phát hiện, đối tượng đánh hỏng máy tàu sau đó nhảy xuống sông bơi vào bờ bất hợp tác với lực lượng làm nhiệm vụ.

Với giá cát cũng như vật liệu xây dựng đang có chiều hướng ngày càng lên giá thì mỗi ngày những tàu cát này cũng thu về tiền triệu. Tài nguyên khoáng sản bị rút ruột chảy vào túi các đối tượng “cát tặc”, nhà nước lại bị thất thu. Nạn khai thác cát trái phép còn gây nhiều ẩn họa về mất an toàn giao thông đường thủy.

Khảo sát dọc trên tuyến sông Hồng, sông Đuống chúng tôi nhận thấy tình trạng khai thác cát trái phép hiện nay có nguyên nhân từ việc Hà Nội thiếu bản đồ quy hoạch đối với việc khai thác cát, sỏi. Trên thực tế với tốc độ xây dựng như hiện tại nhu cầu về cát sỏi xây dựng trên địa bàn Hà Nội là rất lớn. Việc khai thác cát để phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội rất cần thiết.

Hơn nữa, theo phân tích của một cán bộ CSGT trên lĩnh vực này thì việc khai thác hợp lý đồng thời sẽ khơi nạo luồng lạch, chống bồi đắp cho các luồng lạch chạy tàu. Tuy nhiên, do không có quy hoạch cũng như cấp phép đầy đủ nên chúng ta không quản lý được việc khai thác cũng như thu về cho ngân sách một khoản tiền đáng kể.

Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão TP Hà Nội thì tính đến cuối năm 2010 trên các tuyến sông Hồng, sông Đáy, sông Cà Lồ thuộc địa phận Hà Nội có tới 22 điểm khai thác cát. Trong số đó có tới 14 điểm không có phép vẫn hoạt động.

Một điều khá bức xúc là để tiếp tay cho tình trạng này hoạt động là cả hệ thống bến bãi kinh doanh vật liệu trên các bãi sông. Tính đến cuối năm 2010 trên các tuyến sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ và sông Đáy có tổng số 214 bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng. Trong số đó có tới 179 điểm không có phép...

Nhiều địa chỉ hoạt động không phép, đã được chỉ mặt đặt tên nhưng không hiểu vì sao chính quyền địa phương tại những địa chỉ này lại làm ngơ không xử lý? Chỉ cần đứng trên cầu Thăng Long phóng tầm mắt nhìn xuống khu vực bãi sông thuộc Thượng và Hạ lưu cầu Long Biên mới thấy xót xa cho tình trạng vi phạm. Bờ sông bị băm nát bởi những bến bãi chứa vật liệu xây dựng, chủ yếu là cát. Hàng đoàn xe tải hạng nặng liên tục lên xuống ăn hàng, kéo theo tình trạng bụi cát mù mịt.

Ông Đỗ Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội - cũng khẳng định: tình trạng lập bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng và khai thác cát trái phép trên các tuyến sông, đặc biệt là sông Hồng đang là vấn đề bức xúc và nan giải nhất. Trách nhiệm giải quyết chính tình trạng này vẫn thuộc về chính quyền địa phương.

Ngăn chặn nạn cát tặc, vi phạm bến bãi không phép không thể chỉ bằng những đợt ra quân cao điểm mà cần xử lý vấn đề tận gốc. Thành phố Hà Nội cần quy rõ trách nhiệm cho từng đơn vị liên quan và người đứng đầu từng đơn vị này trong trường hợp để xảy ra vi phạm

Nhóm phóng viên điều tra
.
.
.