Nạn cướp tôm ở vùng ven biển Hà Tĩnh

Thứ Năm, 22/12/2005, 10:48

Dự án tôm Việt - Mỹ luôn bố trí gần 40 bảo vệ làm nhiệm vụ suốt 24/24h trong ngày, nhưng lượng tôm bị mất từ 2-3%, nghĩa là hàng tấn tôm bị thất thoát.

Tại vùng ven biển các xã Thạch Lạc, Thạch Trị, Thạch Văn và Thạch Hội của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) trước đây toàn cát trắng, thưa thớt vài rặng phi lao. Từ khi dự án nuôi tôm kết hợp du lịch sinh thái trên diện tích 2.000ha, vốn đầu tư trên 50 triệu đôla, đã biến cát trắng thành vùng tài nguyên màu mỡ. Sau gần 3 năm thực hiện dự án, đến nay đã đưa vào khai thác 543ha đất nuôi tôm he chân trắng có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao.

Theo các chuyên gia Bộ Thủy sản, thì đây chính là nơi khoanh vùng thí điểm sử dụng các chế phẩm sinh học nuôi tôm cho năng suất cao mà lại hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tới môi trường.

Điều đặc biệt ở phương pháp nuôi tôm mới này, là thời gian sinh trưởng của tôm nhanh (100 ngày) thì cho thu hoạch. Công tác tuyển giống, thức ăn nuôi dưỡng khắt khe nên bảo đảm không có dư lượng kháng sinh trong tôm như cảnh báo trên thị trường một số nước nhập khẩu tôm. Vì thế, sản phẩm của các dự án nuôi tôm vùng này đã được phía Nhật Bản đến thu mua ngay tại nơi sản xuất.

Nhưng thành công của các dự án nuôi tôm đã vấp phải sự chống phá của một số đối tượng xấu. Trong một thời gian dài, nhiều đối tượng tập trung quấy phá trụ sở, trộm cắp vật tư nuôi tôm gây tâm lý hoang mang cho cán bộ nhân viên của nhiều dự án.

Điển hình vào tối 16/5/2003, vì những lý do cá nhân, một số người cầm dao, gậy gộc xông thẳng vào vùng dự án cướp ống nhựa, vải bạt và đánh trọng thương 1 nhân viên bảo vệ. Công an huyện Thạch Hà đã buộc phải điều tra, bắt, truy tố 8 đối tượng.

Sau đó, một số đối tượng ở thôn Đại Tiến, xã Thạch Trị cũng có hành vi tương tự gây sức ép làm gián đoạn quá trình sản xuất ở đây. Nguy hiểm hơn, chúng tháo dỡ máy sục khí, rạch lấy bạt đem bán để bể cạn nước dẫn đến tôm chết hàng loạt.

Tháng 12/2004, các đối tượng ở hai xã Thạch Hội, Thạch Văn do tên Tải cầm đầu đã phá hoại 27ha ao nuôi tôm. Và sau đó kẻ gian tiếp tục cắt ống dẫn nước, rạch bạt cho tiêu nước làm 26ha tôm mới thả chết hoặc buộc phải vận chuyển đi nơi khác thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Theo ông Lê Hồng Cơ - Phó Giám đốc dự án Chi nhánh Hà Tĩnh cho biết: Những sự việc trên đã có lúc đặt dự án trên bờ vực phá sản. Nguyên nhân phát sinh phức tạp có lẽ từ khâu tuyển lao động vào làm việc. Một số người được lựa chọn vào làm trong dự án nhưng không chăm chỉ lao động, lại có biểu hiện tiếp tay cho các đối tượng xấu. Một số người dân khác muốn vào làm việc nhưng khả năng nhận lao động của các dự án hiện nay chỉ có hạn, thành ra một số đối tượng xấu đã kích động tạo ra tình hình xấu về TTXH.

Ngày 27/5, nhân viên bảo vệ đã phát hiện kẻ gian vào cướp tôm với trên 120 kg tôm cùng lưới, hung khí chúng vứt lại để chạy thoát thân. Mặc dù đến nay, riêng dự án tôm Việt - Mỹ luôn bố trí gần 40 bảo vệ làm nhiệm vụ suốt 24/24h trong ngày, nhưng theo ông Phó Giám đốc thì sản lượng tôm bị mất từ 2-3%, nghĩa là hàng tấn tôm bị thất thoát.

Đề cập đến giải pháp, ông Cơ cho rằng: Trong một thời gian dài sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với phía công ty chưa tốt, dẫn đến có sự hiểu lầm ở một số người dân. Phải làm cho người dân thấy rõ lợi ích to lớn của dự án, cuốn hút họ vào tham gia để có thu nhập cải thiện đời sống, đồng thời góp phần tham gia giữ gìn ANTT chung của địa bàn

Thanh Phong - Xuân Luận
.
.
.