Nam Định, Thái Bình gượng dậy sau cơn bão dữ

Chủ Nhật, 04/11/2012, 08:04
Với diễn tiến khôn lường, với sức gió cấp 11 giật trên cấp 13, 14, lượng mưa lớn, cơn bão số 8 – Sơn Tinh đã đổ bộ trực tiếp vào một số tỉnh phía Bắc như: Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình… gây thiệt hại nghiêm trọng. Ngay khi cơn bão đi qua, các ngành, các cấp đã chung tay giúp dân gượng dậy sau cơn bão dữ. Và rồi, hình ảnh các chiến sĩ Công an tận tình giúp dân, thêm một lần nữa được tô thắm trong mắt người dân.

Sâu lắng nghĩa tình nơi “quê hương 5 tấn”

Cơn bão số 8 với sức gió cấp 11 giật trên cấp 13, 14 đi kèm với mưa to, rất to đã khiến tỉnh Thái Bình sau một đêm bão trở nên tiêu điều. Huyện Tiền Hải là một trong các huyện giáp biển bị thiệt hại hơn cả. So với trên 7.000ha lúa toàn tỉnh chưa kịp thu hoạch bị thiệt hại thì huyện Tiền Hải đã chiếm tới hơn 5.000ha, con số này chưa kể đến phần diện tích nuôi trồng thủy, hải sản, cùng hàng ngàn căn nhà bị tốc mái v.v…

Mặc dù đến trưa 2/11, cơn bão dữ số 8 đã đi qua được gần một tuần, thế nhưng hậu quả của cơn bão để lại vẫn còn hiện hữu. Trên con đường thuộc địa phận các xã Nam Trung, Nam Thịnh, Nam Hồng… hình ảnh các cây cột điện, rặng chuối, rừng phi lao nối đuôi nhau đổ nghiêng, rạt sang một bên, phần nào cho chúng tôi thấy được sự tàn phá khủng khiếp của cơn bão tại huyện Tiền Hải này là như thế nào.

15h30 ngày 2/11, đi trên con đường liên thôn thuộc xã Nam Trung, nơi những cánh đồng lúa vốn nặng trĩu bông một thời, nay đổ rạp xuống, chúng tôi bắt gặp từng tốp cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Thái Bình quần xắn ống, tay thoăn thoắt liềm cắt lúa, vác lúa đem lên vệ đường cho bà con trong xã chở về nhà.

Anh Nguyễn Văn Đại, 33 tuổi, nhà ở xóm 14, thôn Việt Hùng, xã Nam Trung đón bó lúa từ tay Thiếu úy Trần Quang Huy, cán bộ Đội khám nghiệm (Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Thái Bình) hồ hởi cho biết, 5 miệng ăn trong gia đình anh trông chờ hết vào 2,8 sào ruộng này. Và rất may nhờ sự giúp sức của các cán bộ chiến sĩ, đoàn viên thanh niên Công an tỉnh Thái Bình giúp thu hoạch lúa, nên diện tích lúa mùa của gia đình không bị thất thu, nảy mộng.

Không chỉ nhà anh Đại, cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên Công an tỉnh Thái Bình còn giúp thu hoạch tại thửa ruộng với 7 sào lúa nhà chị Phạm Thị Loan, 31 tuổi, ở thôn Ái Quốc, xã Nam Trung (Tiền Hải). Để chạy đua với thời gian, hạn chế tối đa thóc nảy mộng do ngập nước, các cán bộ chiến sĩ, đoàn viên thanh niên Công an tỉnh sau khi được tăng cường về địa bàn đã không ngừng “xuống ruộng” từ 6h sáng, phụ giúp gia đình chị Loan gặt lúa. Chị Loan xúc động cho hay, 2 ngày qua nhờ có sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Công an, gia đình thu hồi được gần 70% diện lúa vụ mùa còn lại.

Đại úy Đinh Văn Hảo – Bí thư Đoàn thanh niên Công an tỉnh Thái Bình cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh về việc khắc phục hậu quả do cơn bão số 8 gây ra, ngay sau khi cơn bão đổ bộ vào tỉnh Thái Bình, Đoàn thanh niên Công an tỉnh đã huy động hơn 200 đoàn viên thanh niên Công an tỉnh trực tiếp xuống các địa bàn bão dữ đi qua để giúp dân vượt qua cơn bĩ cực, trong đó có Tiền Hải – một trong những huyện bị thiệt hại nặng nề bởi cơn bão.

Đoàn viên thanh niên Công an tỉnh Thái Bình giúp bà con nhân dân xã Nam Trung – Tiền Hải (Thái Bình) gặt lúa (ảnh chụp 16h ngày 2/11). Ảnh: Trần Huy.

Từ ngày 31/10 đến 2/11, đoàn viên thanh niên Công an tỉnh đã trực tiếp xuống địa bàn, giúp người dân các xã An Ninh, Tây Giang, Nam Trung, Nam Thịnh… (Tiền Hải) gặt, vận chuyển trên 45ha lúa về các hộ gia đình. Hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ lúa bị nảy mộng cho năng suất thấp.  

Bão dữ đi qua, còn đó nỗi lo để lại

Có một thực tế không thể phủ nhận, đó chính là việc hệ lụy của các cơn bão luôn khôn lường. Và cơn bão số 8 mà theo nhiều người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh Thái Bình, Nam Định cho biết, đã hàng chục năm rồi mới thấy một cơn bão tàn khốc như thế. Mái nhà tốc, tường đổ, cột điện nghiêng ngả, trạm biến áp bị đứt dây dẫn… đó là những gì đã và đang còn hiện hữu ở nhiều nơi mà cơn bão đi qua. 3 gian nhà cấp bốn lợp mái tôn của ông Lê Quang Ngọc, 75 tuổi, ở xã Hoành Sơn, huyện Giao Thủy (Nam Định) sau cơn bão đã tốc mái hoàn toàn. Vì mất mái nên cuộc sống của gia đình ông theo đó bị đảo lộn.

Tối 2/11, chia sẻ với PV Báo CAND, ông Ngọc không giấu được nỗi lo trên khuôn mặt: “Mấy chục năm rồi, tôi mới thấy một cơn bão có cường độ gió giật mạnh đến như vậy”. Theo ông Ngọc, cơn bão “đổ” về địa phương từ 18h ngày 28/10 đến 2h sáng 29/10. Gió giật liên hồi đi kèm với mưa lớn nên mái tôn của 3 gian nhà cấp bốn của ông nhanh chóng bị tốc mái bay đi mất.

Đánh giá của cơ quan chức năng huyện Giao Thủy cho thấy, sau khi cơn bão số 8 đi qua, trên địa bàn huyện đã có khoảng 77.000 căn nhà bị tốc mái; diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại trên 4.000ha, chưa kể đến hơn 1.000 chòi nuôi trồng thủy sản bị sập hoàn toàn v.v...

Đáng chú ý, không chỉ nhà tốc mái, diện tích hoa màu bị mất..., cơn bão số 8 cũng đang khiến hàng ngàn hộ dân cư trú trên địa bàn hai huyện Giao Thủy (Nam Định) và Tiền Hải (Thái Bình) sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Điện mất, nước không có. Mọi sinh hoạt theo đó bị ảnh hưởng. 18h ngày 2/11, bóng tối ập xuống, trên cả diện rộng của huyện Giao Thủy, Tiền Hải bỗng trở nên tăm tối, hiu quạnh hơn bao giờ hết. Có ánh sáng đấy, nhưng cũng chỉ là lác đác bởi một số hộ gia đình sử dụng máy phát điện. 

Tan hoang nhà cửa sau cơn bão số 8 ở huyện Giao Thủy (Nam Định).

Về vấn đề trên, bà Trần Thị Thủy – Chủ tịch UBND xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải (Thái Bình) cho biết, toàn xã có 1.710 hộ dân, sau cơn bão (ngày 28/10) đến nay (tức ngày 2-11) luôn phải sống chung với bóng tối. Điện không có nên nguồn nước sinh hoạt theo đó cũng cạn kiệt. Các hộ gia đình phải dùng nước mưa, đi vay gạo… để duy trì cuộc sống hàng ngày.

Còn Thượng tá Phạm Văn Am – Phó trưởng Công an huyện Giao Thủy (Nam Định) thì bày tỏ sự lo ngại khi đến nay, toàn bộ 22 xã, thị trấn của huyện Giao Thủy vẫn mất điện lưới. Điện mất nên cuộc sống của người dân bị đảo lộn hoàn toàn, hiện tượng “chặt chém” theo đó xuất hiện. Thượng tá Am dẫn chứng, do không có điện để làm bún, phở nên sau khi “nhập” bún, phở ở TP Nam Định, Hà Nội về, chủ các quán đã nâng giá lên 40-50%, từ 20.000đ/bát lên 30.000đ/bát. Giá vật liệu xây dựng (mái tôn, tre nứa, ngói prô ximăng…) đã tăng lên từ 20-30%.

Đáng kể hơn cả, do điện không có, ti vi không xem được, mạng điện thoại thì chập chờn (nhất là mạng Viettel do đang phải sử dụng nhờ cột sóng của xe viễn thông Viettel lưu động) nên hàng ngàn hộ dân của huyện đang bị “mù” thông tin từ nhiều ngày nay. Nói về việc đến khi nào người dân Giao Thủy mới có điện, Thượng tá Phạm Văn Am cho hay: “Cơ quan điện lực tỉnh Nam Định cho biết, đối với khu vực trung tâm huyện 1 tuần nữa mới có. Còn đối với các xã khác thì phải nửa tháng tới, điện lưới mới có thể khắc phục hoàn toàn…”.

Thượng tá Phạm Văn Am – Phó trưởng Công an huyện Giao Thủy (Nam Định):

Cơn bão số 8 quét qua, Công an huyện Giao Thủy cũng chịu thiệt hại nặng nề. Ước tính sơ bộ thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng đến nay vẫn chưa kịp khắc phục. Tuy nhiên, Công an huyện Giao Thủy vẫn đảm bảo ANTT, đảm bảo tuyệt đối an toàn tài sản cho người dân thông qua việc tăng cường cán bộ chiến sĩ xuống từng xã, thị trấn trong huyện, phối hợp cùng với Công an các xã tổ chức tuần tra, canh gác bảo vệ tài sản cho người dân, giữ gìn ANTT trên địa bàn.

Do đó trong thời gian xảy ra bão đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra bất kỳ một vụ mất trộm tài sản nào, tình hình ANTT được giữ vững. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT đã tham gia tiến hành giải tỏa mọi ách tắc, vật cản giao thông trên các điểm xung yếu bị ảnh hưởng nặng nề do bão gây ra. 

Ông Nguyễn Tiến Thuần - Chủ tịch UBND xã Nam Trung (Tiền Hải - Thái Bình): Cảm ơn các anh - những người lính Công an nhân dân

Trong cơn bão số 8 vừa qua, toàn xã đã có 2.295 ngôi nhà bị tốc mái, 1.198 mẫu bị ngập úng, hơn 290ha lúa bị mất trắng, 15 cột điện đổ, số gia cầm gia súc bị chết là hơn 2.000 con gà…, được sự giúp đỡ kịp thời của các cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên Công an tỉnh Thái Bình, người dân trong xã đã dần khắc phục được hậu quả do bão dữ gây ra. Hàng chục ha lúa đã được tận thu kịp thời, không bị nảy mộng, mất năng suất.

Tại cuộc họp đánh giá sơ bộ khắc phục hậu quả cơn bão số 8 ngày 29/10, ông Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã yêu cầu Công ty Điện lực Nam Định khắc phục hệ thống điện, theo lộ trình ưu tiên: Bệnh viện, trường học, nhà máy nước, trạm bơm, các cơ quan của Đảng, chính quyền, ưu tiên cho khu, cụm công nghiệp và làng nghề…

Phan Hoạt – Trần Huy
.
.
.