NLĐ chưa mặn mà với BHXH tự nguyện

Thứ Hai, 06/07/2009, 15:39
Có hiệu lực từ 1/8/2008, bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN) được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội hưởng lương hưu cho hơn 30 triệu người không nằm trong diện bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc trong tổng số gần 40 triệu lao động trên cả nước. Tuy nhiên, sau gần 1 năm hoạt động, số người tham gia BHXHTN còn rất thấp, nhiều địa phương chưa có người tham gia.

Theo BHXH Việt Nam, sau gần 1 năm thực hiện, trên cả nước mới có chưa đầy 10.000 người tham gia BHXHTN. Hà Nội là địa phương dẫn đầu nhưng cũng chỉ thu hút được gần 2.000 người. Con số các địa phương có từ vài chục đến hơn trăm người tham gia là phổ biến nhất. Một số nơi còn chưa có người nào hưởng ứng BHXH tự nguyện.

Làng nghề Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội nổi tiếng về đồ nội thất có 520/793 hộ dân tham gia sản xuất, kinh doanh đồ nội thất với hơn 2.000 lao động được tạo việc làm thường xuyên, cho thu nhập trung bình 1 triệu đồng/tháng. Đây là một trong những đối tượng tiềm năng của BHXHTN. Thế nhưng, hiện cả xã mới có khoảng 20 người tham gia.

Chị Đỗ Thị Chiều, Hội trưởng Chi hội Phụ nữ xã cho biết: "Dù biết có lương hưu cuộc sống sau này sẽ ổn định, là chỗ dựa khi về già nhưng BHXHTN về muộn quá. Nhiều người ở xã đã tham gia mua bảo hiểm thương mại từ trước".

Lao động tự do tại các làng nghề vẫn chưa mặn mà tiếp cận BHXHTN. Ảnh: T.U..

Theo phản ánh của một số hộ dân ở xã Liên Hà thì BHXHTN còn thiếu sự chia sẻ và hỗ trợ kịp thời cho những người tham gia. Để có lương hưu, người dân phải đóng phí BHXHTN trong thời gian dài nhưng không có bảo hiểm y tế. Khi ốm đau, bệnh tật, người dân vẫn phải chi trả số tiền lớn. Ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng…, công tác tuyên truyền, giải đáp thắc mắc các quy định liên quan đến BHXHTN còn chưa được chú trọng và thiếu những hình thức phù hợp nhằm tác động trực tiếp đến từng đối tượng.

Bên cạnh những hạn chế mang tính chất khách quan như tại một số vùng sâu, vùng xa, cuộc sống khó khăn, người dân chưa có điều kiện tiếp cận… thì một số chính sách cho đối tượng tiềm năng của BHXHTN chưa được giải quyết kịp thời.

Một cán bộ BHXH Đông Anh cho biết: Theo Nghị định 121/2003/NĐ-CP thay thế Nghị định 09/1998/NĐ-CP có 4 chức danh của cán bộ xã/phường được công nhận là công chức, có các chế độ đi kèm. Sẽ có một bộ phận cán bộ xã/phường theo NĐ 09/1998/NĐ-CP (khoảng 20 người ở một xã) không được công nhận công chức. Quãng thời gian tham gia BHXH của họ không được bảo lưu, cộng nối khi chuyển sang BHXHTN mà chỉ được giải quyết chế độ một lần.

Trên thực tế, số cán bộ thuộc diện này trong độ tuổi lao động, đang tiếp tục công tác tại xã là rất lớn. Họ có nguyện vọng tham gia BHXHTN để có lương hưu nhưng lại không được cộng nối thời gian đóng BHXH trước đó. Như vậy là rất thiệt thòi bởi có nhiều người đã đóng BHXH bắt buộc trên 10 năm.

Hiện Ban Chế độ chính sách, BHXHVN đang kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, điều chỉnh những hạn chế trên cho phù hợp với tình hình thực tế. Trước mắt để BHXHTN tiếp tục khai thác tiềm năng lớn cần có sự đầu tư cho công tác tuyên truyền với sự đổi mới và linh hoạt về nội dung và hình thức.

Trong khi ngành BHXH chưa có cán bộ tại xã, phường thì việc phối hợp và tận dụng đội ngũ cán bộ chính quyền, đoàn thể địa phương là một giải pháp hữu hiệu. Họ có thể được xem như là tư vấn viên của BHXH để đưa thông tin, giải đáp thắc mắc… về tận từng đối tượng.

Bộ LĐ-TB&XH vừa có Công văn 1629 khẳng định: Theo quy định tại khoản 2, điều 9 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP ngày 28/12/2007 của Chính phủ thì nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi có đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên mà chưa nhận BHXH một lần, có nhu cầu tham gia BHXHTN thì được đóng tiếp cho đến khi đủ 20 năm.

Như vậy, đối chiếu với quy định trên thì trường hợp nam đã quá 60 tuổi, nữ đã quá 55 tuổi, có đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên mà chưa nhận BHXH một lần, có nhu cầu tham gia BHXHTN thì được đóng tiếp cho đến khi đủ 20 năm đóng.

T.Uyên
.
.
.