Mưu sinh xuyên Tết ở Hà Nội

Thứ Năm, 21/02/2013, 16:45

Trong dịp Tết Quý Tỵ, tôi vô tình gặp bà cụ 83 tuổi “trốn” Tết bằng vỏ bọc mưu sinh. Được nhìn phố dẫu rằng nó vắng hoe, được quét cái vỉa hè rộng hơ, được đếm những đồng bạc lẻ ít ỏi… là cách được trả ơn đời của bà cụ một thân, một mình nơi phố hội. Cũng dịp Tết, tôi gặp cả chục anh lái xe taxi xuyên Tết và lượm lặt không ít câu chuyện của họ và thấy, mưu sinh dẫu cực nhọc nhưng đầy hứng khởi…

Bài 1:  Nỗi niềm “trốn” Tết của bà cụ Cân

Ngày mùng một Tết, bà cụ Cân bán được 15.000đ tiền hàng. Cả ngày mùng hai Tết, tiền lời cụ kiếm được không quá 10.000đ. Ngày mùng ba cũng thế. 11h ngày mùng bốn Tết, cụ bán được 1 quyển lịch tay và 1 quyển tử vi, tổng cộng 12.000đ. Ấy thế nhưng 3 ngày Tết, hôm nào cũng đúng 10h, cụ già 83 tuổi đều đẩy chiếc xe cũ kỹ từ bên kia đường sang bờ hè của Bách hóa Thanh Xuân – nơi cụ đã ngồi từ năm 1986 sau khi rời quê Thái Bình lên Hà Nội để bán hàng.

Ngày mùng một Tết, bà cụ Cân bán được 15.000đ tiền hàng. Cả ngày mùng hai Tết, tiền lời cụ kiếm được không quá 10.000đ. Ngày mùng ba cũng thế. 11h ngày mùng bốn Tết, cụ bán được 1 quyển lịch tay và 1 quyển tử vi, tổng cộng 12.000đ. Ấy thế nhưng 3 ngày Tết, hôm nào cũng đúng 10h, cụ già 83 tuổi đều đẩy chiếc xe cũ kỹ từ bên kia đường sang bờ hè của Bách hóa Thanh Xuân – nơi cụ đã ngồi từ năm 1986 sau khi rời quê Thái Bình lên Hà Nội để bán hàng.

Không biết tự bao giờ, cụ già mặc áo nâu, móm mém đã mặc nhiên là người không thể thiếu được ở hàng hiên Bách hóa Thanh Xuân (nay là siêu thị Hapro), Hà Nội. Hình ảnh của cụ quen thuộc đến mức, bên trong người ta có chuyển từ bán hàng bách hóa sang đồ trang sức kim hoàn, thì cụ vẫn ở đấy. Vẫn với cái cân trước mặt và tấm biển nhỏ “cân sức khỏe”, vài quyển lịch tay và mấy hộp kẹo... bày trên mẹt.

Điều đặc biệt là có một vật luôn kè kè bên cụ, một vật bất ly thân mà như cụ nói, “có nó để tôi làm cho vui”. Đó là hai cái chổi. Một cái chổi nan và 1 cái chổi rơm. Kỳ lạ thay, một cụ già, già đến mức chẳng ai đoán đúng tuổi lại luôn coi hai cái chổi là chỗ dựa tinh thần? Nếu như buổi trưa mùng bốn Tết vắng hoe, vắng hoắt ấy, tôi không vô tình nhìn thấy cụ già lưng còng đơn côi quét cái vỉa hè rộng mênh trên phố Nguyễn Trãi, Hà Nội (trước Bách hóa Thanh Xuân), thì tôi không thể nào hiểu được ý nghĩa tinh thần của những cái chổi ấy. Cụ rê từng bước chân chậm chạp, tay cũng chậm chạp đưa từng nhát chổi... Tiếng chổi tre loẹt quẹt, loẹt quẹt..., tạo thành thứ âm thanh nghe rất lạ tai trong cái không gian vắng lặng ngày Tết. “Bà ơi! Bà nghỉ đi”, tôi lại gần và nói. “Tôi quét cho sạch và cũng để cho khỏe người thôi cô. Với lại, cũng sắp xong rồi”, bà cụ chậm rãi đáp lời.

Bà cụ Cân cùng mẹt hàng nghèo nàn và dịch vụ cân tại hành lang Bách hóa Thanh Xuân.

Chẳng ai bắt cụ phải làm cái công việc có vẻ như quá sức với cụ ấy cả. Và cái vỉa hè rộng thênh ấy trong mấy ngày Tết rất ít người qua lại nên cũng chẳng có rác là mấy. Thế nhưng, như thói quen khó bỏ. Cụ phải quét. Mùng một quét. Mùng hai quét. Mùng ba, mùng bốn… ngày nào bà cụ cũng phải quét nó. Quét để trả ơn đời.

Bà Cân ra hàng hiên Bách hóa Thanh Xuân ngồi buôn bán lặt vặt từ năm 1986, sau khi bà khăn gói từ Thái Bình lên Hà Nội kiếm sống. Hồi đó, đây là điểm tập trung đông người bậc nhất bởi là bách hóa quốc doanh mà. Dẫu lấn chiếm lối đi, gây mất mỹ quan nhưng bà vẫn được ngồi đấy. Người ta không nỡ đẩy đuổi người đàn bà quê kiểng, bên nách lúc nào cũng kè kè đứa con trai đen nhẻm… Không chỉ cảm thương hai mẹ con, mấy anh bảo vệ còn quý cái nết chịu thương, chịu khó của bà. Đó là, cứ rảnh tay là bà quét. Quét từ đầu hè đến cuối hè. Lúc nào, đoạn hành lang bách hóa và cái vỉa hè đông đúc phía trước cũng sạch bóng rác. Từ lúc bà chỉ đưa cái chổi tre quơ một lúc là sạch bóng cả đoạn hè rộng, thì nay bà phải lẩn mẩn làm cả tiếng đồng hồ mới xong, đủ thấy thời gian đậu trĩu nặng trên vai bà cụ như thế nào…

“Người ta đã cho tôi ngồi đây gần 30 năm rồi. Tôi phải quét cho sạch để trả ơn các bác ấy”, bà cụ rủ rỉ tâm sự khi nghe tôi hỏi về hai cái chổi. “Người ta” ở đây là ai? Chẳng phải là ai cả, nhưng lại là rất nhiều người.

Rất ngẫu nhiên, tên bà cụ là Cân và bà gắn bó với cái cân sức khỏe hơn 20 năm nay. Năm 1996, khi mới ra ở ký túc xá Mễ Trì, tôi và nhóm bạn đều là tân sinh viên đã thay nhau bước lên cái cân của bà để biết mình nặng bao nhiêu. Khách hàng của bà cụ Cân hồi đó đông lắm. Bà lại ngồi ở vị trí đắc địa nên người đi qua, kẻ đi lại đều bước lên cân, cân xem mình nặng bao nhiêu ký lô. Hiện nay, bà vẫn ngồi đấy và lượng người đi qua, đi lại ngày càng nhiều hơn nhưng chẳng mấy ai ngó ngàng đến dịch vụ cân sức khỏe của bà. Bây giờ nhiều gia đình có cân trong nhà và những cái cân điện tử biết nịnh khách béo, biết khen khách gầy mà đám người trẻ đẩy đi đầy trên phố “đánh bại” cái cân cổ lỗ sĩ của bà cụ.

Dịch vụ cân sức khỏe của bà cụ Cân đã hết thời. Cả ngày may lắm mỗi ngày được 1-2 người cân, còn lại thì ế chỏng. Hồi trước, bà cụ còn có sức nên luôn có ấm nước chè để bán chè chén. Dù thời đó, đời sống còn khó khăn. Hà Nội chưa có nhiều nhà cao tầng, chưa có nhiều ôtô, xe máy như bây giờ. Nhưng số tiền bà kiếm được mỗi ngày, gấp trăm lần bây giờ. Nay, số tiền bà kiếm được mỗi ngày quá ít. Ít đến mức bà phải thắt lưng buộc bụng. Ít nhưng hằng ngày vẫn ra đây. Còn ngày Tết, biết là chẳng mấy người đi qua lại nhưng để quên đi nỗi cô đơn tuổi già lẻ bóng, bà ra đây để “trốn”.

Người con trai duy nhất bỏ bà “ra đi” vì trọng bệnh cách đây hơn chục năm. Vợ của anh mang theo hai đứa con đi lấy chồng mới. Mình bà ở lại trong căn phòng trọ ở phường Thanh Xuân Nam. Tôi không hình dung ra căn phòng trọ của cụ thế nào, chỉ biết rằng mỗi tháng cụ phải trả 600.000đ. Một căn phòng trọ ở cái thời “thóc cao, gạo kém” này mà giá 600.000đ cũng đủ để biết “đẳng cấp” cỡ nào. Mỗi ngày, bà phải kiếm đủ 20.000đ trả tiền trọ và 10.000đ tiền ăn.

Khi nghe cụ bảo mỗi ngày ăn hết 10.000đ, tôi giật mình. Thế nhưng, khi cụ đưa cái cặp lồng chỉ toàn cơm trắng ra thì tôi tin cụ nói thật. Sáng sớm, cụ nấu cơm trắng mang đi. Lúc nào đói, ăn vài miếng với muối vừng. Hôm nào thích cải thiện, cụ luộc thêm quả trứng hoặc bìa đậu phụ... “Dạo này tôi bị nghẹn nên không ăn được”, cụ than thở. Bệnh thấp khớp thì cụ mắc lâu rồi, nay cụ lại mắc thêm chứng bệnh nghẹn nữa. Đúng là sinh, lão, bệnh..., cái quy luật chẳng buông tha ai.

“Bà mở hàng từ hôm mùng mấy ạ?”, tôi hỏi chuyện. “Tôi ngồi đây cả năm, kể cả mùng một Tết”, cụ nói. Tôi lại giật mình. “Ở nhà buồn lắm, tôi ra đây quét dọn, mỏi thì ngồi nghỉ. Bán được gì thì bán”. Thế là cụ liệt kê doanh thu của ngày mùng một, mùng hai, mùng ba cho tôi nghe. Tôi lại giật mình. Tuổi già, không thân thích, chẳng còn mối liên hệ với những người ở quê. Một mình, nên cụ chọn góc hè Bách hóa này là chỗ gắn kết, là nơi tâm tình của mình.

Ngày Tết, nghe câu chuyện của cụ Cân, tôi ngậm ngùi buồn. Tết tư là lúc người ta sum vầy, những người phải mưu sinh ngày Tết chỉ vì bất đắc dĩ. Nhưng với cụ Cân, dường như mưu sinh chỉ là cái cớ, cụ đi bán hàng để tránh phải ở một mình... Và hôm nay, khi nhịp sống của Hà Nội lại trở nên hối hả như muôn ngày, bà cụ Cân chẳng cần phải trốn chạy nữa

Cao Hồng
.
.
.