Mưu sinh không Tết

Thứ Ba, 04/02/2014, 14:09
Quanh năm vất vả bám trụ mưu sinh ở Hà Nội, ngày Tết những lao động ngoại tỉnh tất tả bỏ lại gia đình trong đêm giao thừa để ra thành phố mưu sinh. Rong ruổi suốt đêm 30 và những ngày Tết để bán bóng bay, bán muối, bán cành lộc với mong muốn kiếm thêm ít tiền để trang trải cuộc sống, họ không được thưởng thức không khí đón Giao thừa, đi chơi, chúc Tết bên gia đình, người thân.

Cái Tết không trọn vẹn

Đối với những lao động ngoại tỉnh mưu sinh ở Hà Nội trong ngày Tết thì Tết với họ không hề trọn vẹn. Đêm 30 Tết, khi dòng người xem bắn pháo hoa đông nghẹt ở khu vực Hồ Tây lục tục trở về thì cũng là lúc những lao động ngoại tỉnh bắt đầu cuộc mưu sinh. Trên chiếc xe đạp cũ kỹ chở bao muối nặng trĩu phía sau, chị Bùi Thị Hoa, ở  huyện Phúc Thọ chen vào dòng người đông đặc để rao “ai muối đê”. Đôi tay chị thoăn thoắt xúc muối vào túi cho khách. Ngày Tết giá muối tăng lên gấp 3 lần mà chẳng khách nào thắc mắc. Bởi quan niệm mua muối đầu năm cho may mắn nên dù là “nam thanh, nữ tú” đi chơi đêm Giao thừa, khi được chị Hoa mời thì họ cũng sẵn sàng mua.

Theo lời kể của chị Hoa thì đây là cái Tết thứ 5 không trọn vẹn của chị vì năm nào chị cũng đi bán muối trong đêm Giao thừa tới trưa mùng 1 Tết mới về tới nhà. “Năm ngoái, tôi chỉ lấy 30kg nên bán đến sáng sớm mùng 1 đã hết, năm nay tôi “liều” lấy 50kg, tiện đi bán đến trưa về cũng được” – chị Hoa cho biết. Sau vài năm đi bán muối, chị Hoa đã có nhiều kinh nghiệm, chị biết chọn địa điểm nào thì sẽ đông khách. Thế nên, sau khi làm cơm Tất niên xong, 18h chị đã sửa soạn để bắt đầu chở muối đi Hà Nội. Chị đến khu vực chùa Tảo Sách ngay cạnh điểm bắn pháo hoa ở Hồ Tây từ rất sớm để chọn chỗ đứng bán muối. Sau khi màn bắn pháo hoa kết thúc, khách ra về và vào chùa rất đông nên đứng bán muối ở đây cực kỳ đắt hàng. Chị cho biết, nếu đêm nay mà bán chưa hết thì chị lại tiếp tục đạp xe len lỏi vào khu dân cư đến khoảng 9h sáng mùng 1 thì sẽ hết.

Ngày Tết, thật dễ dàng bắt gặp những hình ảnh mưu sinh trên đường phố Hà Nội. Dọc đường Lạc Long Quân, có rất nhiều chỗ bán cành lộc, bán mía. 10 nghìn đồng một cành lộc, 30 nghìn đồng một cây mía, khách mua tới tấp. Chẳng ai mặc cả giá, chỉ loáng một lúc, đống mía của anh Nguyễn Văn Bảy trên đường Lạc Long Quân đã vợi đi khá nhiều. “Đây là điểm đón người đi xem bắn pháo hoa về nên bán cũng được” – anh Bảy kể. Vợ chồng anh Bảy quê ở huyện Kim Đông, tỉnh Hưng Yên thường ngày vẫn bán mía, trái cây ở trên đường này. Ngay từ chiều 30 Tết, anh chị đã đèo nhau lên Hà Nội để bán mía cho kịp Giao thừa. Với họ, Tết thường không trọn vẹn vì còn mải mưu sinh. Ở nhà, hai đứa con gái, một lớp 8, một lớp 5 đã làm được việc nhà nên họ khá yên tâm ra Hà Nội mưu sinh.

Tại đền Thăng Long, đường Thụy Khuê, khách đi lễ sau Giao thừa rất đông. Ở ngay cổng đền, chúng tôi bắt gặp hình ảnh người phụ nữ ngoài 50 tuổi đứng ở đây bán muối. Từng từng gói muối nhỏ được đóng sẵn, có giá 10 nghìn đồng. Khách vào đền đều được mời mua muối đầu năm cho may mắn nên dù biết là giá đắt hơn ngày thường gấp vài lần nhưng chẳng ai phàn nàn. “Năm nào tôi cũng mua muối đầu năm, thường vào đền lễ xong khi về là mua, ngày này mình chẳng câu nệ giá đâu, người ta vất vả cả đêm phục vụ nhân dân Thủ đô, mình còn mừng tuổi thêm nữa” – anh Phạm Minh Tuấn, ở phường Bưởi cho biết.

Vất vả mưu sinh

Đã nhiều năm nay, cả gia đình anh Phạm Ngọc Định ở phường Bưởi, quận Tây Hồ đều bám trụ ở cổng đền Đồng Cổ để bán bóng bay trong đêm Giao thừa. Hai vợ chồng và hai đứa con đứng ở hai bên đường, cầm những chùm bóng bay đủ màu sắc để mời chào khách. “Cũng vì cuộc sống thôi, bán những ngày này kiếm thêm được một ít nên cả gia đình huy động ra đường hết”- anh Định cho biết. “Đi hết cả nhà thì ai cũng đêm Giao thừa?” – tôi thắc mắc. Vừa chằng xe bóng, anh Định vừa bảo: “Lòng thành thôi cô ạ, nhà tôi sắp sẵn rồi, có cụ ở nhà làm lễ”. Khách vào lễ đền Đồng Cổ trở ra mua bóng, khách đi đường cũng dừng lại cũng mua. “Tương đối là đắt hàng, thường ngày quả bóng này chỉ bán được 10 nghìn, nhưng đêm nay bán được 15 đến 20 nghìn. Có việc làm cho các cháu để các cháu biết quý trọng đồng tiền” – anh Định kể. Cả buổi tối, bố con anh hì hụi bơm hàng trăm quả bóng để bán trong đêm giao thừa và suốt những ngày Tết. Năm nào cũng thế, Tết là khi gia đình anh bận rộn và bươn chải nhất. Dù thiệt thòi đôi chút, nhưng bù lại niềm vui nhân lên khi gia đình vừa có thêm thu nhập và rèn cho các con anh biết yêu quý lao động.

Bố con anh Định bán bóng bay trong đêm 30 Tết.

Bỏ lại cái Tết sau lưng, những lao động đang vất vả mưu sinh tất bật trong ngày Tết lòng đầy nặng trĩu lo toan. Lo ở nhà chồng và con thơ có làm lễ cúng tổ tiên tươm tất hay không. Có người, cả vợ và chồng cùng ra Hà Nội mưu sinh trong ngày Tết. Mọi việc ở nhà đều trông cậy vào hai bên nội ngoại hoặc các con họ tự chăm sóc lẫn nhau. Những phụ nữ mưu sinh trong ngày Tết thì họ phải bỏ lại sau lưng cả một gia đình với bao lo toan gánh vác cần bàn tay của họ, đó là một thiệt thòi lớn. Bởi ai chẳng muốn sum vầy bên gia đình trong ngày Tết, chẳng ai muốn bươn chải cả đêm ngoài đường, nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên họ chấp nhận thiệt thòi. “Tôi sắp sẵn mâm cúng đêm giao thừa giao cho mấy bố con ở nhà thắp hương. Vài năm rồi nên các con tôi cũng thành thạo lắm. Chịu khó đi thế này kiếm được vài trăm nghìn, ở nông thôn kiếm được số tiền đó không phải dễ”- chị Bùi Thị Hoa tự an ủi. Năm nay thời tiết ấm áp là một thuận lợi lớn cho những người mưu sinh trong đêm 30 Tết như chị Hoa. “Nếu rét như mọi năm mà đứng bán muối cả đêm ở ven hồ này thì khổ lắm, hai tay tê cóng, đỏ ửng lên. Bán muối có ế thì đem về ra giêng vẫn bán được, còn bóng bay hay bị nổ nên lãi không bằng muối”- chị Hoa cho biết.

Lo toan cho cuộc sống vất vả phía trước, những phụ nữ và đàn ông ngoại tỉnh lên Hà Nội mưu sinh trong ngày Tết chỉ ước ao gặp được khách, bán hết hàng để họ không phải mang về. Trong dòng người đi chúc Tết, vui xuân đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp vẻ lam lũ, cần cù, chịu thương chịu khó của những lao động ngoại tỉnh mưu sinh ở Hà Nội

Nhật Minh
.
.
.