Muôn nẻo mưu sinh ngày Tết

Thứ Ba, 04/02/2014, 10:22
Sáng sớm mùng 4 Tết, hai vợ chồng ông Thịnh lại ngồi bên thùng bánh và chiếc bếp lò. Để chuẩn bị đồ bán sáng, vợ chồng ông phải dậy từ 3h sáng. Tôi hỏi mua bánh, bà Thủy giải thích: “Hôm nay phải lấy 20.000 đấy nhé. Bánh đắt hơn ngày thường. Nếu không thì lỗ vốn”. 11h, bà Thủy đã dọn xong hàng. Kết thúc buổi bán hàng, bà Thủy thu được 100.000 đồng lãi từ 60 chiếc bánh mì.

Tết. Nhà nhà nghỉ ngơi, người người đi thăm nom, chúc Tết. Thế nhưng, ở một góc nhỏ đâu đó, có những người lặng lẽ mưu sinh. Họ bỏ qua cuộc vui chơi, bỏ qua thời gian nghỉ ngơi đặc biệt sau một năm mệt nhọc để duy trì cuộc sống hằng ngày cho cả năm tới. Sự chăm chỉ, vươn lên trong cuộc sống của những con người bình dị mà thật đáng trân trọng.

9h30 ngày mùng 3 Tết, chiếc xe khách vừa cập bến Giáp Bát, lập tức bị bủa vây bởi những người xe ôm. Những cái chỉ trỏ, những câu tranh giành khách như “áo đỏ”, “đeo kính”, “hai mẹ con”… nghe om xòm. Khi tôi bước xuống xe, lập tức được mời chào đi taxi, xe ôm… Trả lời “không” nhưng vẫn bị mời chào, tôi bèn nói: “Em đi xe bus”. Nghe vậy, các bác tài giãn ra gần hết. “Chị về đâu? Em chở chị đi”, người xe ôm duy nhất còn bám theo tôi lên tiếng. “Chị về Khuất Duy Tiến, em lấy bao nhiêu?”, tôi hỏi. “50.000đ chị ạ”, người này trả lời. Thấy tôi ưng thuận, cậu ta dẫn ra chỗ để xe.

Nhìn chiếc xe máy, hai cái mũ bảo hiểm và nhìn lại người xe ôm, tôi hỏi: “Hình như em không phải làm xe ôm chuyên nghiệp?”. “Vâng! Tết em phải ở lại trực buồn quá nên ra làm xe ôm”, cậu Thành nói (sau này tôi mới biết tên). Hoá ra, Thành làm việc ở một công ty trên phố Minh Khai. Năm nay, Thành không gặp may khi bắt trúng cái thăm phải ở lại cơ quan trực Tết. Thành trực mùng 2, mùng 4. Ngày mùng 1 nằm dài trong khu trọ, Thành buồn quá. Cả khu trọ, có mỗi Thành ở lại nên thấm thía nỗi nhớ nhà.

Quê Thành ở Phú Thọ, đi xe máy 2h là đến nơi, thế mà không được về với gia đình. Biết Thành ở lại Hà Nội, ông anh rủ ra bến xe Giáp Bát làm xe ôm. Tôi là người khách thứ hai của Thành. Người thứ nhất, Thành thu được 30.000đ.

Gánh hàng rau mưu sinh ngày mùng 4 Tết trên phố Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

“Chiều mai trực xong, em về. Biết rằng, về đến quê thì bạn bè cũng đi gần hết nhưng không về thì nhớ nhà lắm”, Thành tâm sự. Ở Hà Nội những ngày Tết, có rất nhiều người mưu sinh. Mỗi người một hoàn cảnh, họ đi kiếm tiền vừa để mưu sinh, vừa để không phải nằm một mình trong nhà trọ. Việc kiếm thêm những đồng tiền trong ngày Tết bằng công việc khác với việc mình là thường ngày như Thành kể ra cũng là trải nghiệm thú vị.

Con phố Dã Tượng, Hà Nội vốn sầm uất là thế, vậy mà ngày Tết cũng vắng hoe. Ngày mùng 2 Tết đã xuất hiện cặp vợ chồng già ngồi bán bánh mì pate ở vỉa hè giữa tuyến phố. Người dân ở xung quanh khu vực này đã quá quen thuộc hình ảnh của họ. Nhà ở trong ngõ Dã Tượng, nhưng hằng ngày vợ chồng ông Đặng Đình Thịnh bán bánh mì trên vỉa hè Nguyễn Du. Nhiều khách quen đã mê món pate rán đặc biệt của ông lão có nghề bán bánh lâu năm. Hai ông bà bán bánh đến ngày cuối cùng của năm cũ rồi hẹn khách mùng 2 Tết sẽ bán trên phố Dã Tượng. Những ngày tất niên, rồi năm mới, người ta đã ngán bánh chưng, gà, giò… thì bánh mì của ông được coi như đặc sản.

Mở hàng sáng mùng 2, vợ chồng ông bán được 40 chiếc bánh. “Nhưng mà bị lỗ mất hai chục nghìn” - bà Thủy, vợ ông Thịnh cười xòa rồi giải thích: “Bánh mì hằng ngày lấy 2.000 đồng một chiếc thì ngày Tết tôi phải mua với giá 4.000 đồng. Giá tôi bán cho khách một chiếc bánh có nhân vẫn chỉ 15.000 đồng như mọi khi”.

Sáng sớm mùng 4 Tết, hai vợ chồng ông Thịnh lại ngồi bên thùng bánh và chiếc bếp lò. Để chuẩn bị đồ bán sáng, vợ chồng ông phải dậy từ 3h sáng. Tôi hỏi mua bánh, bà Thủy giải thích: “Hôm nay phải lấy 20.000 đấy nhé. Bánh đắt hơn ngày thường. Nếu không thì lỗ vốn”. 11h, bà Thủy đã dọn xong hàng. Kết thúc buổi bán hàng, bà Thủy thu được 100.000 đồng lãi từ 60 chiếc bánh mì. Tôi hỏi: “Bán được nhiều bánh, sao lãi ít thế”. Bà Thủy bảo, mỗi cái chỉ lãi hơn nghìn thôi, bán đắt thì mai ai mua, mà thực phẩm để làm nhân bánh như trứng, thịt thì cũng mua đắt lắm. Hôm nay không lỗ là may rồi.

Khác với ông bà Thịnh, người phụ nữ bán rau sớm trên phố Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm thì đi bán hàng để giữ khách. 3h30 chị đã phải rời nhà, đến chợ đầu mối mua rau rồi về đây bán hàng. Chị bảo: “Ai chẳng muốn nghỉ ngơi mấy ngày Tết, nhưng khách đặt hàng rồi, mình phải giữ mối để còn bán hàng trong năm chứ”. Chị ngồi trước hàng chục loại rau bày trên vỉa hè, tay thoăn thoắt băm nguyên liệu cho khách làm bánh cuốn. Trên chiếc xe máy dựng cạnh đó còn bày bán cả hoa cúc, hoa hồng. Chị là người làng hoa Tây Tựu (huyện Từ Liêm) nên tiện đi chợ, lấy hoa bán kèm luôn. Giá hoa chị bán cũng rẻ hơn nhiều so với các sạp hoa trên phố. Hoa hồng ngày mùng 4 Tết chị chỉ bán 14.000đ/chục. Ngồi bên cạnh chị là một cô gái bán đậu phụ bày mấy bìa đậu trên chiếc thùng nhựa. Hôm nay cũng là ngày mở hàng đầu tiên, đi giao hàng còn vài chiếc, nhìn thấy chị bán rau ngồi đây, chị cũng dừng lại ngồi ghé vào để mong gặp khách mua rau thì mua đậu luôn.

Trên khắp các nẻo đường, ở đâu ta cũng bắt gặp những người lao động bắt đầu vào cuộc mưu sinh của một năm mới. Mặc kệ người đi đường súng sính áo quần diện Tết, mặc kệ ai đó thảnh thơi nói cười, chị bán rau, anh xe ôm hay ông bà bán bánh mì… vẫn cặm cụi với công việc của mình. Để kết thúc một ngày, thành quả thu được chính là niềm vui trọn vẹn sau một cái Tết bình an

Việt Hà - Cao Hồng
.
.
.