Muốn học giỏi Sử phải có đam mê

Thứ Tư, 27/02/2013, 17:13
Cậu học trò giỏi Sử có mong muốn trở thành một học viên của Học viện Cảnh sát nhân dân, chia sẻ: “Muốn học tốt môn Sử, trước hết người học cần phải có niềm đam mê và chăm chỉ. Trong lúc học thì cần phải lắng nghe giáo viên giảng bài. Ngoài ra, về nhà phải ôn lại bài, đặc biệt chú ý tới những vấn đề thầy cô nhấn mạnh”.

Theo thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết thúc kỳ thi chọn Học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 năm học 2012-2013, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An đã giành thành tích lớn với 73 giải, xếp thứ tư trên toàn quốc (sau Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định), nhưng về chất lượng giải thì trường đứng nhất toàn quốc. Một trong những học sinh góp phần làm nên thành tích xuất sắc đó của mái trường nổi tiếng này là em Mai Việt Dũng.

Dù đang là học sinh lớp 11C2 chuyên Sử - Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An, nhưng Mai Việt Dũng đã xuất sắc đoạt giải Nhì môn Lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 vừa qua. Đó là thành quả của những nỗ lực và ý chí vượt lên chính mình của cậu học trò rất yêu Sử và giỏi Sử.

Đam mê môn Sử từ nhỏ

Khi đang là một cậu bé lên sáu, Dũng đã thích xem những bộ phim về lịch sử chiếu trên truyền hình, tìm đọc truyện lịch sử Việt Nam bằng tranh. Trên cái giá sách trong phòng của em chứa đầy sách về lịch sử được sắp xếp một cách ngăn nắp, gọn gang. Niềm đam mê cháy bỏng những kiến thức lý thú về lịch sử đã trở thành hành trang quý giá trong quá trình học tập và thi môn Sử của em.

Đến những năm THCS, Dũng đã 3 lần đoạt giải trong các cuộc thi tìm hiểu về danh nhân, địa danh lịch sử do Thành đoàn Vinh tổ chức. Tiêu biểu, năm lớp 6, Dũng đoạt giải xuất sắc cuộc thi tìm hiểu về Phượng hoàng Trung đô; lớp 7, đoạt giải Nhất cuộc thi tìm hiểu về thân thế  và sự nghiệp của Lê Mao.

Dù đam mê môn Sử, nhưng chỉ đến năm lớp 9, khi cô giáo dạy Sử cho Dũng vào lớp ôn dự thi học sinh giỏi thành phố, thì tài năng về môn Sử của Dũng dần được hé lộ. Đợt ấy, Dũng đoạt giải Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi TP Vinh môn Lịch sử và lọt vào top 10 học sinh có điểm cao nhất được chọn dự thi học sinh giỏi tỉnh.

Tiếp tục dự kỳ thi này, Dũng đoạt giải Ba. Trong kỳ thi vào lớp 10 chuyên Sử - Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu năm học 2011-2012, Dũng đã đạt Thủ khoa với số điểm 32,25/40.

Đặc biệt, trong kỳ thi chọn đội tuyển dự thi học sinh giỏi Quốc gia của tỉnh Nghệ An, Dũng đã vượt nhiều anh, chị lớp 12 để đứng ở vị trí thứ 2 trong Đội tuyển gồm có 8 học sinh.

Giáo sư Phan Huy Lê và em Mai Việt Dũng (giải Nhì môn Sử Quốc gia) tại hội thảo về vua Mai Hắc Đế ở Nam Đàn, Nghệ An (24/2).

Không phụ công sức của thầy cô, sự mong đợi của cha mẹ và sự tin tưởng của  bạn bè, Dũng đã “rinh” về giải Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 năm học 2012-2013 với số điểm 14.5/20 khi còn đang là học sinh lớp 11. Điều rất đặc biệt là với kết quả đó, trong số 33 thí sinh lớp 11 toàn quốc đoạt giải, em Mai Việt Dũng đứng vị trí thứ hai.

Yêu dân tộc, sẽ học giỏi môn Sử

Dũng chia sẻ: “Muốn học tốt môn Sử, trước hết người học cần phải có niềm đam mê  và chăm chỉ. Trong lúc học thì cần phải lắng nghe giáo viên giảng bài. Ngoài ra, về nhà phải ôn lại bài, đặc biệt chú ý tới những vấn đề thầy cô nhấn mạnh”.

Dũng cũng cho biết, để học và thi tốt môn Sử tuyệt đối không được “học tủ”, “học vẹt”,  không nhất thiết phải cầm sách “nghiền” tù tì từ đầu đến cuối mà phải nắm những nội dung cốt lõi của từng giai đoạn, từng thời kỳ lịch sử, từng vấn đề lịch sử và sau đó siêng năng, tự giác làm bài tập và các câu hỏi trong sách giáo khoa theo sự hướng dẫn của thầy cô giáo.

Nói về bí quyết để học tốt môn Sử của mình, Dũng cho biết, cách nhanh nhất để học Sử mà không tốn nhiều thời gian đó là ở trên lớp nghe giáo viên giảng và cố gắng nắm bắt được nội dung chính của mỗi vấn đề. Về nhà, tự nhớ lại và ghi ra giấy, rồi tìm những câu hỏi liên quan đến vấn đề để làm nhiều lần cho nhớ.

“Điều quan trọng nhất khi học môn Sử là phải nắm rõ các sự kiện lịch sử và xâu chuỗi nó thành từng vấn đề lớn, từ đó lý giải bản chất của các sự kiện diễn ra như thế nào, tại sao. Trong khi làm bài, phải đọc thật kỹ đề và tập trung vào nội dung của câu hỏi mà không làm lan man dài dòng. Khi trình bày, phải nhuần nhuyễn kỹ năng tách các ý lớn – nhỏ theo luận điểm, luận cứ, luận chứng và sau đó phải chốt lại kiến thức bằng các tiểu kết” – Dũng chia sẻ.

Khi vào phòng thi, đối thủ của em chủ yếu là các anh chị lớp 12 cũng không làm cho Dũng choáng ngợp, trái lại càng nhắc nhở em phải tự tin nhưng  không được chủ quan. Lời răn dạy của người thầy trực tiếp bồi dưỡng, sát cánh và chia sẻ với em trong suốt những tháng ngày khổ luyện như một mệnh lệnh luôn văng vẳng bên tai “Hãy tự tin và thi tốt vì danh dự! Không có gì là không thể!”.

Dù đề thi với 7 câu, yêu cầu kiến thức khá rộng và sâu, chủ yếu lại bao quát nằm trong chương trình sách giáo khoa Lịch sử lớp 12,  nhưng em đã bình tĩnh xử lý từng câu một cách khá chắc chắn và làm hết tất cả các câu trong đề thi.

Do được ôn luyện kỹ càng về kiến thức cơ bản và ở nhà đã tự làm nhiều dạng đề thi, cùng với tâm lý trong phòng thi vững vàng, cậu học trò lớp 11 đã hoàn thành tốt bài thi môn Lịch sử của mình trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia lớp 12.

Ước mơ vào học tại Học viện Cảnh sát nhân dân

Trong nhiều năm gần đây, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu là mái trường đã có nhiều học sinh khối C thi và đạt kết quả rất cao vào Học viện Cảnh sát nhân dân và Học viện An ninh nhân dân.

Nhận xét về học trò của mình, thầy giáo Trần Trung Hiếu, giáo viên chuyên Sử Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu Nghệ An nói: “Đó là một học trò có khát vọng chinh phục đỉnh cao ngay từ khi mới vào học lớp 10 chuyên Sử. Sự đam mê môn Sử từ thuở nhỏ cộng với ý chí và nỗ lực bứt phá tuyệt vời trong những thời điểm quyết định đã giúp em đạt được kết quả tốt. Giải Nhì học sinh giỏi Quốc gia khi đang ở lớp 11 đối với em là phần thưởng xứng đáng”.

Đầu Xuân Quý Tỵ, em Mai Việt Dũng đã vinh dự được gặp và chụp ảnh lưu niệm với GS.VS.NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam trong chuyến Giáo sư về tham dự Hội thảo khoa học “Khởi nghĩa Hoan Châu và vai trò của Mai Thúc Loan trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc” do Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức tại quê hương Bác Hồ.

Điều khá thú vị đối với Mai Việt Dũng lần này là em lại có dịp về với tổ tiên, dòng họ Mai của em, dâng hương và báo công trước đền thờ và phần mộ của vua Mai Hắc Đế về thành tích xuất sắc vừa qua của em.

Được tiếp xúc và trò chuyện với một Giáo sư hàng đầu của ngành Lịch sử nước nhà như một món quà rất ý nghĩa đối với em, tiếp cho em thêm sức mạnh mới trong năm mới để em từng bước hiện thực hóa ước mơ của mình là trở thành một học viên của Học viện Cảnh sát nhân dân

Bùi Thủy
.
.
.