Mục tiêu hàng đầu vẫn là ngăn chặn suy giảm kinh tế

Thứ Năm, 21/05/2009, 15:43
Sáng 20/5, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Dự phiên khai mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; các đồng chí lão thành cách mạng, đại diện ngoại giao đã tới dự. Trước khi tiến hành Lễ khai mạc, các đại biểu Quốc hội đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhóm giải pháp về tài chính và kích cầu đã có tác dụng tích cực

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng tình hình kinh tế thế giới sẽ còn diễn biến phức tạp, tác động rất lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ KT-XH, đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp phải nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, thời gian qua, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước cũng như nỗ lực, quyết tâm của các cấp, ngành và toàn dân, nền kinh tế của nước ta đã đạt được một số kết quả tích cực.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc.

Đặc biệt, nhóm giải pháp tài chính và kích cầu được đưa ra kịp thời bước đầu đã có tác dụng tích cực. Tốc độ tăng GDP quý I đạt 3,1%; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiềm chế; các cân đối lớn cơ bản được giữ vững; cán cân thương mại và thanh toán đã cân bằng ở mức thặng dư; các loại thị trường, dịch vụ đang dần hồi phục.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, nhiều nước tăng trưởng âm, những kết quả đạt được của nước ta là rất đáng khích lệ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, dự báo từ nay đến cuối năm 2009, tình hình kinh tế thế giới sẽ còn diễn biến phức tạp; những khó khăn, yếu kém trong nước và những tác động tiêu cực từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu sẽ còn tác động rất lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp, DN và người dân phải đồng lòng dốc sức, nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động phòng ngừa lạm phát cao trở lại, bảo đảm an sinh xã hội.

Nền kinh tế đang có nhiều "điểm sáng"

Ngay trong sáng 20/5, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã thay mặt Chính phủ trình bày trước Quốc hội Báo cáo về "Chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội".

Những tháng đầu năm 2009, tuy vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng nền kinh tế nước ta đã bắt đầu có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, có dấu hiệu đã ra khỏi giai đoạn khó khăn nhất. Những chuyển biến này được thể hiện với nhiều điểm sáng như sản xuất công nghiệp tăng 2,1% (quý I), tháng 4 tiếp tục tăng 5,4% và tính chung 4 tháng đầu năm tăng 3,3% so cùng kỳ năm 2008. GDP quý I tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước và có khả năng tăng dần trong các tháng tiếp theo.

Trong quý I/2009, có trên 15.000 DN đăng ký mới, tăng khoảng 22% so với cùng kỳ năm 2008,… Kết quả thực hiện nhiệm vụ những tháng đầu năm 2009 cho thấy, tuy còn rất nhiều khó khăn, nhưng nền kinh tế nước ta đã bắt đầu có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, có dấu hiệu đã ra khỏi giai đoạn khó khăn nhất; chính trị - xã hội tiếp tục được ổn định, quốc phòng an ninh được bảo đảm. Tình hình đó tạo ra những khả năng và điều kiện để đạt được kết quả cao hơn trong thời gian tiếp theo. Có được những kết quả tích cực này, theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, đó là nhờ có quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực và đồng thuận của toàn dân.

Tiếp tục thực hiện chính sách "khoan sức dân"; đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2009 xuống còn 5%;…

Chính phủ xác định 5 trọng tâm chỉ đạo điều hành trong thời gian tới nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội là: Thứ nhất, thực hiện có hiệu quả các gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng, tập trung ngăn chặn suy giảm kinh tế, khôi phục đà tăng trưởng hợp lý; thứ hai, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu; thứ ba, chuyển chính sách tài chính, tiền tệ từ thắt chặt sang thực hiện chính sách tài chính tích cực, chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng và phòng ngừa lạm phát.

Trong đó, Chính phủ trình Quốc hội cho tiếp tục thực hiện một số điều chỉnh về thuế để tiếp tục thực hiện chính sách "khoan sức dân"; thứ tư, chăm lo đời sống nhân dân, đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm; thứ năm, bám sát thực tiễn, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, tạo đồng thuận trong toàn xã hội để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2009.

Để tập trung xử lý tốt những vấn đề then chốt, tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ trong điều hành thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2009, Chính phủ đề nghị Quốc hội về 4 nhóm vấn đề. Một là, quyết định nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển KT-XH năm 2009 là tập trung cao độ mọi nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động phòng ngừa lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trong đó, ngăn chặn suy giảm kinh tế là mục tiêu ưu tiên hàng đầu; Hai là, quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2009 từ khoảng 6,5% xuống còn khoảng 5%; điều chỉnh chỉ tiêu tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP từ 4,82% lên không quá 8%, Chính phủ sẽ bám sát tình hình để điều hành và bố trí giảm dần trong các năm tiếp theo; Ba là, cho phép điều chỉnh bổ sung mức phát hành trái phiếu Chính phủ thêm 20.000 tỷ đồng; sửa đổi, bổ sung một số chính sách về thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội, sửa đổi cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, đấu thầu và một số chính sách quan trọng khác trình Quốc hội tại kỳ họp này; Bốn là, trên cơ sở các chỉ tiêu và chính sách cơ bản đã được điều chỉnh, đề nghị Quốc hội ủy quyền và giao trách nhiệm cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ chủ động, linh hoạt trong điều hành các chính sách, giải pháp thực hiện kế hoạch và ngân sách giữa 2 kỳ họp của Quốc hội, phấn đấu đạt được kết quả cao nhất

Cử tri kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác
phòng, chống tham nhũng

Sáng 20/5, đồng chí Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam đã trình bày trước Quốc hội bản tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp.

Tại kỳ họp này, Quốc hội nhận được 2.446 kiến nghị của cử tri cả nước tập trung vào 6 nhóm nội dung chính: việc thực hiện các giải pháp kích cầu của Chính phủ; vấn đề lao động, việc làm và đời sống nhân dân; vấn đề sản xuất công nghiệp, môi trường, khai thác tài nguyên khoáng sản và vệ sinh an toàn thực phẩm; vấn đề giáo dục, đào tạo; vấn đề an toàn giao thông, trật tự đô thị; vấn đề phòng, chống tham nhũng, lãng phí; về công tác xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật.

Cử tri kiến nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn, có chính sách rõ ràng hơn, phù hợp hơn, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch nhằm ngăn chặn và đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng cơ bản, sử dụng tài sản công… Quốc hội cũng cần tăng cường và nâng cao hiệu quả giám sát lĩnh vực này.

Đề nghị miễn thuế thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán đến hết năm 2010

Chiều cùng ngày 20/5, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc đã trình Quốc hội việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, bội chi ngân sách, phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ năm 2009, việc miễn, giảm, giãn thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân.

Theo đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2009 từ 6,5% xuống còn 5% để tạo sự chủ động trong điều hành, đảm bảo cân đối vĩ mô; điều chỉnh chỉ tiêu về tốc độ tăng giá tiêu dùng từ mức dưới 15% xuống còn dưới 10% để vừa đảm bảo không gây ra tái lạm phát, vừa thực hiện được các mục tiêu kích thích kinh tế... Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội xem xét quyết định miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân năm 2009.

Theo đó, miễn toàn bộ số thuế đã giãn đối với các đối tượng đã tạm giãn nộp thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009; từ ngày 1/7/2009, các cá nhân có thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn (bao gồm cả chuyển nhượng chứng khoán), từ bản quyền, nhượng quyền thương mại thì tiếp tục cho miễn thuế đến hết năm 2010; đề nghị giảm thuế cho thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của cá nhân từ 1/7/2009 đến hết năm; đề nghị thu thuế thu nhập cá nhân đối với các cá nhân có các khoản thu nhập chịu thuế khác.

Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, thực hiện miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân theo phương án trên, số thu NSNN năm 2009 sẽ giảm khoảng 6.500 tỉ - 6.800 tỉ đồng, bằng 45% so với dự toán, có tác động tích cực đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư, góp phần ổn định xã hội.

B.T.

Bá Tuấn-Đăng Trường
.
.
.