Mưa lũ liên tiếp ở Đà Lạt: Cứ mưa là có lũ quét?

Thứ Tư, 03/06/2015, 10:43
Trong hàng chục năm qua, chưa có năm nào Đà Lạt lại gánh chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra như năm nay. Trong vòng hơn một tháng qua, những trận mưa đầu mùa đã liên tiếp gây ra tình trạng ngập lụt, lũ quét, chớp nhoáng cướp đi 3 sinh mạng.
>> Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng ra hiện trường chỉ đạo khắc phục lũ quét
>>Mưa lớn cha xứ giáo xứ Chi Lăng bị nước cuốn tử vong

Riêng trận mưa chiều 29/4, tuy kéo dài chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ nhưng các khu vực trũng thấp của Đà Lạt đã bị nhấn chìm trong nước sâu tới hơn 2 mét. Tại các con suối thoát nước trong nội ô Đà Lạt lập tức xảy ra lũ quét, nước trào cả lên mặt đường. Chị Nguyễn Thị Duyên Anh (37 tuổi), ngụ tại đường Phan Đình Phùng, phường 2, và anh Đỗ Mạnh Cường (23 tuổi), đường Hà Huy Tập, phường 3, TP Đà Lạt bị nước cuốn trôi dẫn đến tử vong.

Mới đây nhất, vào chiều 31/5, trong lúc cùng bà con giáo dân dọn dẹp rác trên cầu Ngô Văn Sở, phường 9, TP Đà Lạt, nước lũ bất ngờ tràn về, cuốn trôi cha xứ giáo xứ Chi Lăng là Trần Văn Định. Khi được người dân vớt lên thì cha Định đã tử vong.

Trong khi hàng trăm gia đình sinh sống tại những khu vực trũng thấp chưa hết bàng hoàng vì trận mưa lớn chiều 31/5 thì vào chiều 1/6 tại Đà Lạt tiếp tục xảy ra lũ quét cục bộ. Nghiêm trọng nhất là khu vực gần thác Cam Ly, dòng nước chảy xiết, nhấn chìm hàng chục căn nhà sâu tới hơn 2m. Nếu thiếu may mắn thì có thể cả gia đình chị Đặng Thị Thanh Hằng (số 30/1, đường Hoàng Văn Thụ), gồm 4 người đã bị nước lũ cuốn trôi. Vào thời điểm trên, gia đình chị Hằng đang ở nhà thì nước lũ bất ngờ tràn về, chỉ ít phút sau, căn nhà của gia đình chị Hằng đã ngập sâu trong nước, không ai có thể thoát ra ngoài được. Nghe tiếng cầu cứu thất thanh, hoảng loạn, một thanh niên sinh sống gần đó đã phải liều mạng, dũng cảm băng qua vùng nước dữ đang chảy xiết, trèo lên mái nhà chị Hằng, phá bỏ tôn, giải cứu từng người ra khỏi tay tử thần. 

Mưa lớn cũng đã làm hàng trăm héc ta hoa màu, nhà kính, nhà lưới và nhà dân bị ngập lụt, hư hỏng, thiệt hại ước tính lên tới hàng chục tỷ đồng. Tính đến giữa tháng 5/2015, sản lượng rau của Lâm Đồng đã giảm 1.000 tấn so với thời điểm chưa có mưa.

   
Đà Lạt cứ mưa là có lũ lụt gây thiệt hại nặng nề.

Xảy ra lũ quét gây chết người, thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân dứt khoát không thể đổ lỗi cho địa hình Đà Lạt đồi núi, bởi hàng chục năm qua Đà Lạt không xảy ra tình trạng này. 

Trong khi đó, theo thống kê của Sở NN và PTNT Lâm Đồng, nhiều năm qua, gần 90.000ha rừng của tỉnh này đã bị triệt phá. Riêng TP Đà Lạt, diện tích rừng liên tục giảm, độ che phủ hiện nay chỉ còn khoảng 47% nên khả năng giữ nước, phòng ngừa lũ lụt là rất hạn chế. 

Bên cạnh đó, năng lực của hệ thống thoát nước đã không theo kịp sự phát triển của đô thị. Theo Xí nghiệp Quản lý nước thải - Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng, mỗi ngày, Đà Lạt có khoảng 5.000m³ nước thải sinh hoạt cần được đưa về nhà máy này xử lý. Tuy nhiên, nhà máy mới thu gom và xử lý được nước thải của khu vực trung tâm gồm phường 1, phường 2 cùng một số khu vực của phường 5, phường 6 và phường 8. Những khu vực còn lại do không có hệ thống đường ống đi qua nên nhà máy không thể thu gom nước thải.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến việc ngập lụt, lũ quét chớp nhoáng, theo nhiều chuyên gia về nông nghiệp và quy hoạch Đà Lạt chính là việc thành phố này đã phát triển quá nóng nhà kính trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Khu vực phía Đông Nam và Bắc, là thượng nguồn của Đà Lạt phần lớn sản xuất nông nghiệp đều được thực hiện trong nhà kính. Nếu như năm 2011, diện tích nhà kính tại Đà Lạt là 1.200ha nay đã tăng lên trên 2.100ha. Việc sản xuất nông nghiệp trong nhà kính đã khiến nước mưa không thể ngấm được xuống đất mà tập trung tạo thành dòng chảy rất lớn. Đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc dù mưa không lớn nhưng Đà Lạt vẫn có thể xảy ra lũ quét chớp nhoáng, cục bộ, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Liên quan đến vấn đề nhà kính “phản” quy hoạch Đà Lạt, vào năm 2012, khi Lâm Đồng tổ chức hội thảo “Ý tưởng quy hoạch chung TP Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, kiến trúc sư Thiery Huau, Giám đốc công ty Interscène và Trưởng nhóm các nhà nghiên cứu - chuyên gia Pháp đã cảnh báo nguy cơ lũ lụt, xói mòn do hoạt động sản xuất trong nhà kính của Đà Lạt gây ra. Và bây giờ, lời cảnh báo của ông Thiery Huau đối với Đà Lạt đang trở thành hiện thực...

Kim Ngân
.
.
.