Nhiều vùng bị cô lập trong cơn lũ, số người chết tăng nhanh

Thứ Bảy, 15/10/2016, 14:46

Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Quảng Bình đều có 8-9 đoạn bị ngập sâu, hàng nghìn xe ùn tắc. Hơn 27.000 nhà dân ở Quảng Bình, hơn 5.000 nhà dân ở Hà Tĩnh bị ngập sâu. 

Hơn 30.000 nhà dân chìm trong nước, nhiều vùng bị chia cắt

Ngày 15/10, các tuyến giao thông Bắc Nam bị ách tắc ở Quảng Bình. Mưa lũ bắc Trung Bộ khiến 5 người chết, 4 người mất tích, 12 người bị thương và hơn 30.000 nhà dân ngập nước.

Quốc lộ 1A qua Quảng Bình có 9 đoạn bị ngập sâu, hàng nghìn xe nối đuôi nhau ở các điểm như: Cầu Ròn, Hưng Thủy, Cam Thủy, Lộc Ninh... 

Xe đường dài qua đây đã được yêu cầu dừng chờ dọc quốc lộ tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh ở phía nam; Quảng Trạch, Ba Đồn ở phía bắc.

Lực lượng chức năng tháo dải phân cách để xe đi qua. Ảnh VNE.

Đường Hồ Chí Minh qua Quảng Bình có 8 đoạn ngập 0,7-1 m, một số người dân địa phương cho hay có đoạn ngập sâu trên 3m.  Về hàng hải, hiện có 5 tàu hàng bị đứt neo và trôi ra biển tại cửa Gianh (Quảng Bình) với khoảng 30 thuyền viên, trong đó một tàu bị chìm, mất tích một số thuyền viên. Hiện tàu cảng vụ đã tiếp cận các tàu trên và đang đưa thuyền viên tàu bị nạn lên. Cục Hàng hải đã điều một tàu SAR đi tìm kiếm cứu nạn.

Tại Quảng Bình:

Sáng 15-10, tại nhiều xã vùng Nam thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình nước lũ sông Gianh dâng cao vẫn tiếp tục chia cắt, cô lập nhiều làng mạc. 

Ngay trong đêm 14-10, lực lượng Công an, Quân đội đóng quân trên địa bàn thị xã Ba Đồn đã được huy động dùng ca nô, xuồng, thuyền máy… tiếp cận giúp đỡ nhân dân chống lũ. 

Tại huyện miền núi Minh Hóa, nhiều làng bản vẫn đang hoàn toàn bị cô lập. Lực lượng Biên phòng, giáo viên cắm bản, đóng chân ở địa bàn vẫn đang hỗ trợ bà con dân tộc nhiều cách thiết thực để chống lũ. 

Sáng cùng ngày, ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã đi kiểm tra tình hình mưa lũ, đồng thời chỉ đạo nhiều đoàn công tác của các sở, ban, ngành, địa phương đến các vùn lũ vừa động viên, vừa giúp đỡ nhân dân trên địa bàn. 

Mưa lũ gây ngập lụt trên đường phố Đồng Hới, Quảng Bình (ảnh CTV).
Lũ lụt chia cắt cục bộ nhiều nơi ở Quảng Bình.

Tại Thành phố Đồng Hới, trận lũ lớn nhất trong lịch sử kéo dài từ chiều ngày 14 đến sáng 15-10 đã gây thiệt hại rất lớn đối với người dân. 

Do chủ quan, và không thể tiên lượng được nước lũ lên cao, bất ngờ nên hàng ngàn hộ gia đình ở Thành phố Đồng Hới đã bị nước vào nhà gây hỏng ti vi, tủ lạnh và nhiều đồ dùng sinh hoạt khác. Trên các tuyến đường phố xe máy, ô tô bị ngập nước chết máy, hư hỏng xếp hàng dài. 

Tại vùng trũng xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, ông Võ Xuân Trường, Chủ tịch xã cho biết “Cả xã bị có 730 hộ bị ngập, nơi ngập cao nhất khoảng 4m ở thôn 2 Đức Phú với 48 hộ dân. Những thôn còn lại bị ngập từ 1,5 đến 3m”.

Một số người dân bất chấp mưa lũ ra suối bắt cá ở huyện Minh Hóa, Quảng Bình.
Mưa lũ gây sạt lở đe dọa an toàn tuyến đường sắt qua Quảng Bình.

Đến sáng ngày 15-10, cơ quan chức năng liên quan ở Quảng Bình cho biết, lũ lụt đã làm 3 người chết, 2 người mất tích và 9 người bị thương. Ba người bị chết thương tâm do mưa lũ gồm: Lê Văn Thân (48 tuổi), thôn 7, xã Lý Trạch, Bố Trạch bị sét đánh. Một người chưa rõ danh tính (70 tuổi), xã Quảng Long, thị xã Ba Đồn bị chết do khi sửa mái nhà và chị Nguyễn Thị Lài (47 tuổi), trú xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh. 

Lực lượng Công an Quảng Bình chốt chặn ở các khu vực nguy hiểm để giúp đỡ, hướng dẫn người dân tránh lũ an toàn.
Công an Quảng Bình được chia thành nhiều tổ về các vùng lũ lụt giúp đỡ người dân đi tránh lũ trong đêm 14-10.
Ngay trong đêm, lực lượng Công an Quảng Bình đến các vùng lũ để giúp dân vận chuyển đồ dùng sinh hoạt, lương thực đi tránh lũ.

Được biết, lúc 14h ngày 14-10, chị Lài cùng với chồng là anh Trần Công Tuần (50 tuổi) chèo thuyền đi thả lưới ở sông Nhật Lệ đoạn qua xã Võ Ninh thì bị sóng cuốn lật chìm. 

Hai người mất tích là ông Thái Xuân Năng (62 tuổi), ở thôn 3 Yên Thọ, xã Tân Hóa và một thanh niên chưa rõ tên tuổi bị nước cuốn trôi tại ngầm Cà Ai xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa. 

Bị thiệt hại nặng nề nhất do lũ là huyện Minh Hóa, lũ lụt đã làm ngập 928 nhà dân, nhiều nơi bị ngập sâu từ 2-4m. Bên cạnh lũ lụt, lốc xoáy cũng đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân ở Quảng Bình. 

Lốc xoáy làm 26 nhà bị tốc mái tại huyện Lệ Thủy, 4 phòng của trường mầm non Võ Ninh, Quảng Ninh và 30 nhà ở xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch.

Tại Hà Tĩnh:

Do lượng mưa quá lớn nên chiều tối ngày 14-10, hồ thủy điện Hố Hô nằm giáp ranh giữa huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) và Hương Khê (Hà Tĩnh) xả lũ. Việc xả lũ từ thượng nguồn, lại bất ngờ nên làm hàng trăm hộ dân ở huyện miền núi Hương Khê trở tay không kịp. 

Những thùng mì cứu trợ được đưa đến với người dân vùng lũ.

Tại huyện Hương Khê, đến sáng nay có 11 xã ngập sâu từ 2-3m, gồm: Phương Mỹ, Phương Điền, Hà Linh, Hòa Hải, Phúc Đồng, Hương Thủy, Hương Giang, Gia Phố, Hương Xuân, Phú Phong, Hương Đô.

Huyện Kỳ Anh có 2 xã bị cô lập (Kỳ Thượng, Kỳ Lạc) và 29 hộ dân tại 3 xã Kỳ Lâm, Kỳ Sơn, Kỳ Tây bị ngập sâu, chính quyền địa phương đã di dời người dân lên vùng cao an toàn.

Huyện Cẩm Xuyên có 6 xã bị ngập, nước vào nhà dân gồm Cẩm Thạch, Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Quan, Cẩm Lĩnh, Cẩm Vịnh. Nhiều nhà dân ở TP. Hà Tĩnh cũng bị ngập nước, giao thông đi lại hết sức khó khăn.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh có gần 60.000 học sinh tại hơn 80 trường ở bậc THCS và THPT trên địa bàn phải nghỉ học do mưa lũ chia cắt không thể đến trường.

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh đã đi kiểm tra tình hình lũ lụt 

Trong đợt lũ này, Hà Tĩnh đã có 2 người chết, nạn nhân là anh Thân Văn Thuần (26 tuổi, trú tại thôn Chi Lệ, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc) và anh Trần Văn Trung (34 tuổi, ở thôn 6 xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên).

Sáng nay 15/10, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh,  đồng chí Thượng tá Nguyễn Thanh Liêm, Phó Giám đốc Công an tỉnh cùng lãnh đạo một số ban ngành Hà Tĩnh đã trực tiếp kiếm tra tình hình tại trình công thủy điện Hố Hô và một số địa điểm ngập nặng.

Những thùng mì cứu trợ được đưa đến với người dân vùng lũ.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu nhà máy điều tiết xả ở mức tối thiểu cho phép, tránh ngập lụt cho vùng hạ du, nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho hồ. 

Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh đã đi kiểm tra tình hình lũ lụt tại xã Lộc Yên, Gia Phố; thăm hỏi, trao mì tôm, nước uống cho người dân vùng bị ngập.

Kiểm tra công tác chống lũ.

Tại những xã này, nhiều nhà dân đã ngập sâu trong nước, có nơi nước ngập đến mái nhà. Chủ tịch UBND tỉnh động viên bà con vượt qua khó khăn; yêu cầu địa phương, ngành chức năng lập tức sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Tại các địa phương, Công an Hà Tĩnh đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện giúp đỡ nhân dân.

Hủy hàng loạt chuyến tàu Bắc - Nam, nhiều hành khách mắc kẹt

Tổng Công ty đường sắt Việt Nam vừa cho biết, do ảnh hưởng của mưa lũ hàng loạt tuyến tàu chạy Bắc-Nam đã bị huỷ.

Cụ thể, tính đến đêm  ngày 14/10, đã có 11 điểm sạt lở trong khu gian từ ga La Khê đến ga Ngọc Lâm. Tại Ga La Khê nước ngập trên mặt ray 10cm, đường ga số 1,3 phải phong tỏa; đường số 2 (chính tuyến) nước ngập 5cm phải dẫn đường với vận tốc 5km/h. 

Tại Km 396+625 đến km 396+650, nước trôi đã nền đường dưới đáy tà vẹt phải phong tỏa lúc 16h45’… Tại các ga Đồng Hới, Lệ Kỳ đã bị ngập hoàn toàn.  

Ngành đường sắt đã dừng 23 đoàn tàu khách và 20 tàu hàng. Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông Quảng Bình, yêu cầu đơn vị chức năng tập trung giúp đỡ tàu SE19 mắc kẹt ở ga Lệ Sơn với 132 hành khách, trong đó 96 khách quốc tế.

Hiện Bộ GTVT  vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến để chỉ đạo thực hiện xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Sông Lam - Thanh Huyền - Xuân Lý - Văn Hùng
.
.
.