Mưa lũ hoành hành, miền Bắc ứng phó khẩn

Chủ Nhật, 02/08/2015, 21:29
Ngoài tâm lũ ở Quảng Ninh, các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Bắc Giang, Bắc Kạn… xảy ra mưa lớn kéo dài, các biện pháp ứng cứu đã được triển khai khẩn cấp. Trong hoạn nạn, nhân lên nhiều hoạt động nghĩa tình, nhân ái.

Lũ hung dữ đang đe dọa TP Uông Bí, Quảng Ninh. Ảnh: Đăng Hùng

Ứng phó khẩn

Mưa lớn tiếp tục hoành hành tại Quảng Ninh từ đêm 1, sáng 2/8 đã khiến nhiều thành phố, huyện lỵ bị ngập nặng. Tại khu vực dân cư hồ Công Viên (giữa 2 phường Quang Trung và Thanh Sơn, TP Uông Bí), nước nhấn chìm các con phố, có chỗ ngập sâu trên 2 mét. Hàng trăm hộ dân bàng hoàng, hốt hoảng trước con nước lũ dâng nhanh bất thường. Nhiều giải pháp tình thế đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đưa ra để cứu dân, trong đó có việc phá khẩn cấp đập tràn sông Sinh.

Thành phố Uông Bí đã huy động trên 5.000 người ứng cứu, trong đó có các chiến sỹ công an, bộ đội cùng các lực lượng của phường Vàng Danh, xã Thượng Yên Công và Ban quản lý Di tích và rừng Quốc gia Yên Tử tổ chức sơ tán dân khi phá đận tràn. Tại xã Thượng Yên Công, nhiều nơi nước ngập cao tới 1,5m, lực lượng chức năng tiến hành di dời 10 hộ dân ra khỏi khu vực này.

Xe lội nước được huy động cứu dân trong lũ.

Trao đổi với PV Báo CAND, Đại tá Vũ Đức Tính, Trưởng Công an TP Uông Bí, Quảng Ninh cho biết, từ ngày 2/8, cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố đã ứng trực tại các khu vực hồ sinh thái và đập tràn nhà máy điện, phối hợp với Lữ đoàn 147 để ứng phó ngập úng. Đơn vị huy động trên 200 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ, huy động 20 xe ô tô, xuồng cao su phối hợp với các lực lượng chức năng hỗ trợ nhân dân di dời đồ đạc, tài sản, di chuyển các cháu nhỏ, người già ra khỏi khu vực ngập nước. Hiện, Công an thành phố tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, sãn sàng ứng cứu khi có tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra.

Tại Cô Tô, Trạm Biên phòng Mã Cháu, Đồn Biên phòng Thanh Lân đã tìm thấy thi thể của nạn nhân trong vụ đắm tàu làm 6 người mất tích tại khu vực biển Mã Cháu. Nạn nhân là anh Đặng Văn Toanh, thuyền trưởng tàu TH 91278-TS. UBND huyện  bàn giao thi thể anh Toanh về quê mai táng và hỗ trợ gia đình 5 triệu đồng. Các lực lượng chức năng đang tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân còn lại. Tại thị xã Đông Triều, do mưa lớn đã gây ngập tại QL18 đoạn qua Mạo Khê, xã Hoàng Quế.

Lũ dâng cao ở trung tâm TP Uông Bí, Quảng Ninh. Ảnh: Đăng Hùng

Lũ ống, sạt lở tại các tỉnh miền núi phía Bắc

Trong khi đó, mực nước trên các sông, suối nhỏ tại các tỉnh Tây Bắc đang lên nhanh, nguy cơ về sạt lở đất cao khiến công tác ứng phó với mưa lũ càng trở lên cấp bách. Tại tỉnh Lai Châu, mưa lớn gây sạt lở đất trên tuyến đường 127 Nậm Nhùn - Mường Tè, làm chết 2 người tại bản Huổi Đanh, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn là mẹ con chị Mùa Thị Khua, sinh năm 1996 và cháu Mùa A Dũng mới 1 tuổi. Tỉnh Lai Châu, huyện Nậm Nhùn và đơn vị thi công tuyến đường 127 đã hỗ trợ cho gia đình 30 triệu đồng để mai táng cho mẹ con chị Khua.

Công an Uông Bí, Quảng Ninh kiểm tra điểm sơ tán dân.

Mưa lũ tại Sơn La cũng làm chết một người tại xã Mường Bú, huyện Mường La khi đi làm nương về qua suối. Ngay trong sáng 2/8, huyện Mường La đã thành lập đoàn công tác xuống kiểm tra tình hình mưa lũ tại xã Mường Bú và thăm hỏi, động viên, hỗ trợ 4,5 triệu đồng cho gia đình có người chết. 

Tại tỉnh Lào Cai, trước tình hình mưa lớn liên tục xảy ra trên địa bàn, 36 hộ dân trên địa bàn tỉnh đã được di dời cấp bách ra khỏi vùng nguy hiểm. Tại Cao Bằng, mưa đã làm 7 nhà dân ở xã Đa Thông (Thông Nông) bị ngập nước, nhiều điểm giao thông nông thôn bị ngập cục bộ. Tại Bắc Giang, tỉnh đã phát lệnh báo động số I trên sông Thương, yêu cầu hạt quản lý đê TP Bắc Giang, huyện Lạng Giang, Yên Dũng, Tân Yên cử lực lượng thường xuyên tuần tra, canh gác trên các tuyến đê, kịp thời phát hiện sự cố và sẵn sàng phương án xử lý ngay.

Tại Bắc Kạn, lực lượng công an, quân đội, đội thanh niên xung kích huyện Pắc Nặm ứng trực đủ quân số sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xấu do mưa lũ gây ra. Các lực lượng chuẩn bị phương tiện sẵn sàng ứng cứu; kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống, có phương án xử lý những điểm phát sinh nguy cơ gây thiệt hại… Mưa lớn kéo dài đã khiến mực nước lòng hồ tại 2 nhà máy thủy điện Thuận Hòa và Sông Miện 5 (Hà Giang) đang có xu hướng dâng cao. Tại Tuyên Quang, mưa lũ đã làm ngập úng gần 400 ha lúa và hoa màu, 15 công trình thủy lợi bị sạt lở, hư hại, trong đó, có một số công trình bị hư hỏng nặng như thủy lợi Nà Ổi (huyện Na Hang), toàn bộ thân đập bằng rọ thép bị lũ cuốn trôi hoàn toàn.

Nhiều địa phương ở Quảng Ninh đang bị lũ cô lập, đe dọa. Ảnh: Đăng Hùng.

Cho đến thời điểm này, các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, TP Hải Phòng… đã chủ động phương án tiêu nước, huy động lực lượng thực hiện giải tỏa vật cản dòng chảy, kiểm tra đồng ruộng, rút nước mặt ruộng và hệ thống sông cấp 3, kiểm tra và sẵn sàng vận hành các công trình chống úng để tiêu bằng động lực. Đối với một số vùng trũng, các địa phương đã phối hợp với đơn vị khai thác công trình thủy lợi có biện pháp khoanh vùng chống úng để có phương án xử lý nhanh, tiêu úng kịp thời. 

Gia cố đập 790 chống tràn ở Quảng Ninh.

Nghĩa tình trong hoạn nạn

Trước thiệt hại lớn, tỉnh Quảng Ninh đã họp khẩn cấp để thống nhất phương án hỗ trợ, sớm ổn định sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân bị mất nhà cửa. Theo đó, những nhà bị sập hoàn toàn phải xây mới sẽ được hỗ trợ 50 triệu/nhà; sửa chữa nhà hư hỏng nặng hỗ trợ 20 triệu/nhà; đối với các nhà ngập từ 1m nước trở lên sẽ được hỗ trợ 5 triệu/nhà. Với những người phải đi thuê nhà sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng, hỗ trợ trong 3 tháng. 

Tỉnh ủy Quảng Ninh giao cho các chính quyền cơ sở tự thống kê, kiểm đếm đúng đối tượng báo cáo chi tiết nhận tiền hỗ trợ cho người dân. Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cũng đã tới thăm hỏi và động viên anh Cao Tiến Vỹ, người duy nhất sống sót trong vụ sạt lở làm chết 8 người khác trong gia đình anh. Trước những mất mát quá lớn với gia đình anh Vỹ, Bí thư Nguyễn Văn Đọc chỉ đạo, “bố trí giao cho anh Vỹ một mảnh đất không thu tiền, vận động tài trợ thi công toàn bộ luôn để đảm bảo xong trong 1 tháng, khi anh Vỹ khỏi bệnh là phải có nhà ở ngay. Làm sao bù đắp cho mất mát quá lớn của gia đình”.

Thăm hỏi, động viên những hộ dân bị thiệt hại ở Cẩm Phả, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Quảng Ninh cho biết, trước mắt tỉnh động viên các hộ dân đi thuê nhà và nhà nước sẽ có hỗ trợ bằng tiền trong thời gian thuê nhà hàng tháng. Còn đối với hơn 4.000 công nhân mỏ của tập đoàn Than, khoáng sản phải tạm nghỉ việc trong nhiều tháng tới do hầm lò khai thác than bị ngập khi đời sống của họ đang còn gặp nhiều khó khăn, lãnh đạo Tập đoàn Than khoáng sản tìm các biện pháp sớm ổn định cuộc sống.

Ông Ngô Hoàng Ngân, Bí Thư Đảng ủy than Quảng Ninh cho biết, tập đoàn xác định trong thời gian khôi phục mỏ, một bộ phận lao động sẽ tâp trung vào công tác cứu hộ, khôi phục để đưa mỏ nhanh chóng trở lại sản xuất. Còn lại một bộ phận công nhân sẽ huy động các đơn vị xung quanh tạo điều kiện việc làm, đưa lao động sang các đơn vị làm việc tạm thời. Khi mỏ trở lại sản xuất thì sẽ rút lao động về sản xuất bình thường.

Nhiều tuyến phố Hà Nội cũng ngập như sông.

Những ngày qua, người dân bày tỏ xúc động trước nhiều nghĩa cử của các cá nhân, tổ chức trên cả nước. Điển hình như ông Đào Hồng Tuyển sau khi đấu giá tặng siêu xe Rolls Royce Phantom trị giá cả chục tỉ đồng cùng 2 tỉ tiền mặt ủng hộ Quảng Ninh, ông cũng tiếp tục hỗ trợ 10.000 người dân bị mắc kẹt do lũ tới ăn ở miễn phí trong những ngày này.

Lực lượng công an ứng phó khẩn với mưa lũ

Để ứng phó mưa lũ diện rộng, trước đó, Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an đã có điện chỉ đạo Công an các địa phương từ Hà Tĩnh trở ra và Công an các đơn vị liên quan.

Đồng chí Thứ trưởng yêu cầu Công an, Cảnh sát PC&CC tỉnh Quảng Ninh và các địa phương xảy ra mưa lũ lớn phải duy trì lực lượng, phương tiện tiếp tục tham gia cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn giao thông và giúp dân khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, kiên quyết di dời dân ở những vùng có nguy cơ cao, xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các lán trại công nhân ven sườn núi, vùng ven sông suối.

Lực lượng CSGT có biện pháp cảnh báo và hướng dẫn giao thông, bố trí lực lượng thường trực điều tiết giao thông tại các đoạn đường có nguy cơ ngập lụt, tràn, ngầm qua suối, bến đò ngang. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy sẵn sàng phương tiện cứu nạn, cứu hộ để ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra. Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện, kịp thời hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu.

Công an các đơn vị, địa phương chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm thiết yếu, đặc biệt tại những nơi khả năng bị lũ chia cắt cô lập, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.

Ban Chỉ đạo ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai Bộ Công an đã triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ, thành lập đoàn công tác do Trung tướng Phạm Quang Cử, Phó Tổng cục trưởng làm Trưởng đoàn. Trung tướng Phạm Quang Cử đã trao tặng số tiền  5 tỷ đồng cho tỉnh Quảng Ninh nhằm hỗ trợ tỉnh khắc phục những khó khăn trong đợt mưa lũ. Đây là số tiền được trích từ Quỹ Nghĩa tình đồng đội của Bộ Công an.

Đ.Minh (tổng hợp)
.
.
.