Mùa khô trên biển Tây: Chắt chiu từng giọt nước

Thứ Hai, 16/04/2012, 14:16
Cả người dân và lực lượng vũ trang (gồm Bộ đội Vùng 5 Hải quân, Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ đội Biên phòng và Công an) đều phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt, nhất là vào những tháng đỉnh điểm của mùa khô.

Chứng kiến chuyện sử dụng nước tại biển đảo xa xôi mà tôi tự cảm thấy sống ở đất liền, sướng hơn trăm nghìn lần. Và từ chuyện người dân, bộ đội biển đảo Tây Nam chắt chiu, chia sẻ nhau từng giọt nước, tôi càng quý hơn sự chịu đựng hy sinh và tinh thần “một miếng khi đói…” của những người con của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió…

Giữa mùa khô, tôi ngồi trên chiếc xe Jeep cũ kỹ của Hải quân đảo Thổ Chu theo một lối mòn xuyên rừng có khá nhiều tảng đá nằm lộ thiên giữa đường, để lên vị trí được xem là cao nhất Thổ Chu – quần đảo xa xôi nhất trên biển Tây của Tổ quốc.

Thiếu úy Lê Sỹ Linh - Trạm phó Trạm rađa 610 cho biết: “Khi bắt đầu vào mùa khô là anh em thực hiện chế độ tiết kiệm tối đa nước sinh hoạt. Dù Trạm được quan tâm xây bồn chứa nhưng chỉ khoảng 120m3 so với nhu cầu của cả đơn vị, chẳng thấm vào đâu”.

Linh kể, vào thời điểm thích hợp nhất trong ngày, anh em phân công nhau để làm sao ai cũng được tắm. Số anh em xuống chân núi, phải di chuyển chặng đường đèo dốc khoảng 1,5km mới tới được nơi có nước ngọt. Với anh em ở lại trực Trạm, phải kiêm luôn nhiệm vụ tưới cả chục gốc hoa kiểng, mấy liếp rau bằng cách… tựa lưng vào chúng rồi khéo léo chế nước.

Ở Trạm rađa 595 nằm trên đỉnh Hòn Khoai (cách mũi Cà Mau 14,6km, cao gần 320m so với mặt nước biển - cao nhất so với tất cả các hòn còn lại trên biển Tây Nam) hay như Trạm rađa 600 nằm trên điểm cao nhất của quần đảo Nam Du, điều kiện khó khăn về nước sinh hoạt của bộ đội rađa cũng chẳng khác gì.

Ở Hòn Chuối – đảo duy nhất trên biển Tây có dân sinh sống (gần 40 hộ) nhưng không có nguồn nước ngọt tại chỗ, cả bộ đội và người dân đều khá vất vả mỗi khi mùa khô đến. “Khó khăn quá nên vào đỉnh điểm của mùa khô, anh em phải chắt chiu từng giọt nước mỗi khi sử dụng; thậm chí có khi vài ba ngày mới tắm một lần…” – nghe lời bộc bạch của Thiếu tá Lê Hoàng Phong – Đồn Biên phòng 704 mà tôi không khỏi xốn xang.

Người dân xã đảo Nam Du phải chi tiền mua nước sinh hoạt vào mùa khô.

Hôm nán lại xã đảo An Sơn, nằm trên Hòn Lớn thuộc quần đảo Nam Du cách đất liền đến 65 hải lý, chúng tôi cũng được nghe chính quyền và người dân kể chuyện về hồ nước. Đó là trong chuyến ra thăm quần đảo Nam Du sau cơn bão số 5 (cuối 1997), Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã chỉ đạo các ngành chức năng xây cho người dân trên đảo một hồ chứa nước mưa và giao cho Bộ NN&PTNT chỉ đạo thực hiện.

Hồ chứa nước Nam Du có sức chứa 30.000m3 với vốn đầu tư 5 tỷ đồng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào đầu năm 2002. Tuy nhiên, niềm vui của gần chục ngàn dân trên đảo chợt tắt khi hồ vừa đưa vào khai thác đã xuất hiện sự cố. Vào mùa mưa, hồ chỉ trữ được 50% lượng nước rồi nhanh chóng trơ đáy ngay khi mùa khô đến. Nguyên nhân được xác định là do công tác khảo sát thiết kế chưa sát với điều kiện địa chất và dòng chảy trong lòng núi ở khu vực này...

Công tác khắc phục sự cố sau đó gây mất nhiều thời gian; đặc biệt kinh phí sửa chữa đã đội lên gần 3 lần so với kinh phí đầu tư ban đầu. Và mãi đúng 10 năm sau kể từ khi Chủ tịch nước tặng cái hồ, người dân mới thở phào – hồ đã chứa được nước. Thế nhưng, chuyện hồ chứa được nước không đồng nghĩa với chuyện người dân trên đảo đã có nước xài.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Hồng – Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Kiên Hải cho biết: “Đường ống dẫn nước từ hồ đến nhà dân vẫn chưa ổn. Những hộ nào nằm ở gần đầu nguồn thì có nước, còn xa chút xíu – tức khu vực cuối nguồn, đành chịu cảnh chờ hứng từng giọt. Người dân các ấp Củ Tron, Bãi Ngự và An Cư lại phải nháo nhác đi tìm ghe nước để đổi với giá 130.000 – 150.000 đồng/m3”.

Bí thư Đảng ủy xã An Sơn - Nguyễn Văn Đượm cho biết, địa phương cũng đã có văn bản kiến nghị gửi đến UBND huyện Kiên Hải và UBND tỉnh xem xét đầu tư tiếp hệ thống ống dẫn mới từ hồ tới nhà dân.

Nghịch lý ngay cạnh hồ nước là vậy, ở bên xã đảo Nam Du (nằm trên hòn Ngang – cách Hòn Lớn khoảng 30 phút đò ngang - PV), trao đổi với PV Báo CAND, ông Trần Quốc Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, cả xã chỉ có 4 giếng nước và hiện nay đều sắp cạn trơ đáy. Nhiều bà con đã phải đổi từ ghe của dân lấy nước giếng bên Hòn Lớn qua, với giá 150.000 đồng/m3.

Trung tá Hồ Văn Chơ – Đồn trưởng Đồn Biên phòng 742 (đóng trên Hòn Lớn, thuộc địa bàn xã An Sơn) cho biết: “Thấy bà con gặp khó về nước sinh hoạt, ngoài việc vận động cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tiết kiệm nước, chúng tôi cũng đã dành hẳn 1 giếng có nguồn nước mạnh, sạch để bà con sử dụng. Ở vùng biển đảo này, không riêng gì ai, nước ngọt sử dụng đôi khi quý hơn vàng…”

Thái Bình
.
.
.