Một số giải pháp chống ngập nước, kẹt xe tại TP HCM

Thứ Ba, 11/09/2007, 09:30
Kẹt xe, ngập nước là hai mối nguy ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng triệu người dân và làm thiệt hại đến kinh tế ở TP HCM. Để giải quyết hai vấn đề lớn liên quan đến nhau này, xin nêu một số giải pháp.

Giảm bớt lượng lớn dân số nhập cư trong các quận nội thành

Từ các cơ sở sản xuất nhỏ có từ 5-10  công nhân trở lên cho đến các xưởng sản xuất lớn và đặc biệt các trường ĐH, CĐ, THCN, DN, các cơ sở đào tạo hàng năm thu nhận hàng ngàn, hàng vạn người từ các địa phương  trên khắp cả nước đến đều đưa vào nội thành.

Đối với các cơ sở sản xuất quy mô lớn, TP đã có chủ trương di dời theo Quyết định 80, 81, nhưng tiến triển rất chậm chạp, nhiều xí nghiệp may mặc, cơ sở sản xuất vẫn chưa ra khỏi các  cơ sở của họ, chưa có quy định cụ thể về thành lập các khu công nghiệp phục vụ các cơ sở sản xuất nhỏ để hạn chế nhân công nhập cư mà lượng nhân công thu hút vào khu vực này cũng rất đông.

Hàng loạt  trường ĐH, CĐ, dạy nghề cần di dời ra các quận vùng ven với các ký túc xá kèm theo để hạn chế số lượng lớn sinh viên hàng năm nhập vào nội thành. Ngừng ngay các dự án mở rộng, nâng cấp, xây mới các trường lớp đào tạo, dạy nghề các loại trong khu vực nội thành.

Đặc biệt cần rà soát cho ngừng ngay các cơ sở đào tạo, học nghề đặt tại các giao lộ, trục đường thường xuyên kẹt xe.

Xử lý nghiêm lỗi vi phạm đậu xe lấn tuyến tại các giao lộ

Tại các giao lộ, khi có tín hiệu dừng của đèn đỏ hoặc CSGT là một lượng lớn người điều khiển xe gắn máy chạy lên lấn tuyến chiếm hết mặc đường theo chiều ngang làm cho các phương tiện giao thông từ các tuyến rẽ vào không lưu thông được. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây tắc nghẽn giao thông kéo dài tại các giao lộ trong giờ cao điểm.

Cây cũng làm mất an toàn giao thông

Tại rất nhiều vị trí trên các tuyến đường, các cây xanh trồng quá sát lề hoặc do quá trình nâng cấp mở rộng đường, do cây mọc cong nghiêng ra mặt đường, gây ảnh hưởng rất lớn đến an toàn giao thông.

Bảo tồn cây xanh cho TP là điều nên làm, nhưng cũng nên mạnh dạn rà soát chặt bỏ những cây có khả năng gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông.

Cần có quy định về cự ly tối thiểu khi trồng cây mới để khi cây lớn lên không lấn ra đường như trường hợp cây mới trồng tại 161 Pasteur, quận 3 trồng quá sát lề đường. Cần quy định khoảng cách từ cành, thân cây tối thiểu theo chiều thẳng đứng từ lề đường để tránh đụng vào thùng xe, thân xe.

Phân chia khoảng cách các vạch sơn phân luồng cho hợp lý

Thực tế lượng xe gắn máy gấp nhiều lần xe ôtô, nhưng việc kẻ vạch sơn chia đều  mặt đường cho các loại xe, thậm chí đa số các tuyến đường đều kẻ vạch sơn dành riêng cho ôtô quá rộng rãi dư thừa để cho ôtô chạy vượt ẩu, chạy quá tốc độ, trong khi đó tuyến dành cho xe gắn máy thì nhỏ hơn tuyến dành cho ôtô rất nhiều, rồi lực lượng CSGT lập các chốt chặn đột xuất vào các giờ cao điểm bắt phạt xe gắn máy chạy lấn tuyến làm cho các xe chen chúc nhau va quẹt, gây tai nạn, tắc nghẽn giao thông.

Tất cả các tuyến đường đều vạch sơn theo kiểu “Đường làm cho ta nhưng sử dụng theo Tây”, hãy xem đường Trường Chinh, Điện Biên Phủ, xuyên Á là những con đường mới làm, xe gắn máy thậm chí không có chỗ để chạy vì tuyến dành riêng cho xe quá hẹp lại bị xe buýt chiếm mất.

Vạch phân tuyến kẻ quá sát giao lộ làm cho xe gắn máy khi xả đèn đỏ phải ép vào luồng cũng là nguyên nhân gây tắc đường. Bề rộng dành riêng cho làn xe ôtô chỉ nên = bề rộng thân xe (tính từ mép ngoài 2 kính chiếu hậu) + 0.5m.

Đèn thông tin tại các giao lộ

Mỗi đèn thông tin tín hiệu tại các giao lộ ở về phía đối diện nên có một ô lệnh dừng hoặc được lưu thông phía sau lưng của đèn để phía đối diện quan sát dễ hơn. Nếu không có loại đèn đó thì tốt nhất nên gắn đèn báo lưu thông cho phía bên này nhưng đặt về phía bên kia sẽ có tầm quan sát tốt hơn.

Nên giảm lượng xe buýt trên các tuyến đường chính

Với hình dáng đồ sộ,  những loại xe này được thiết kế để chạy trên xa lộ thì lại cho chạy trong đường nội thành là loại đường có bề rộng nhỏ, người đông, chỉ cần kẹt xe một chút là hàng chục chiếc xe buýt dồn lại làm cho tắc nghẽn giao thông càng trầm trọng thêm. Vì vậy cần giảm lượng xe buýt trên các tuyến đường chính trong nội thành.--PageBreak--

Cần trả lương cao cho CSGT

Cần coi nghề CSGT là nghề quan trọng đặc biệt liên quan đến vấn đề an toàn tính mạng con người. Nếu ta cứ coi họ cũng như mọi đối tượng lao động khác và trả lương cho họ theo mặt bằng chung thì cho dù có đề ra biện pháp gì cũng hạn chế tác dụng.

Nên trả cho những người trực tiếp làm nhiệm vụ trên đường mức lương cao, phù hợp sức lao động họ bỏ ra và không phải đóng thuế thu nhập. Kinh phí trả lương được trích từ nguồn xử phạt vi phạm. Khi được nhận lương cao, CSGT sẽ đề cao trách nhiệm, làm việc tận tình hơn, sẽ góp phần hạn chế nạn kẹt xe.

Về ngập nước

Về kinh tế, mỗi cơn mưa lớn gây ngập đã gây ra thiệt hại tiền triệu cho người dân do phải thay nhớt, sửa xe, hư hỏng đồ đạc, kẹt xe nên làm lỡ, làm hỏng các giao dịch kinh tế v.v... Lỗi do ngành thoát nước của TP yếu kém trong tổ chức, lạc hậu trong công nghệ, kỹ thuật.

Để xử lý việc này, cần tiêu chuẩn hóa các hầm ga theo quy định, đặt các thùng chứa rác, cặn lắng tại các đáy hố ga và dùng xe ôtô chuyên dùng có gắn cần cẩu để nâng hạ các thùng chứa này.

Về nạo vét, vệ sinh lòng cống nên thay các máng nạo bằng kim loại đang dùng vừa nặng nề vừa dễ phá hủy lòng cống do kim loại có độ cứng lớn, chuyển qua dùng loại làm bằng sợi PVC vừa dễ chế tạo, thay thế, nhẹ nên dễ tháo lắp, mang vác, vận chuyển, sử dụng không phức tạp mà không phá hủy lòng cống.

Các nhà sản xuất ống cống ly tâm rất quan tâm đến độ bóng nhẵn bên ngoài của cống nhưng để đảm bảo thoát nước tốt là độ nhẵn của lòng cống lại chưa quan tâm đúng mực, do vậy lòng cống rất gồ ghề làm tăng sự đóng bám của các loại cặn vào lòng cống.

Việc thiết kế và lắp đặt một hầm ga tại điểm thu nước mưa như hiện nay vừa làm chậm khả năng thu nước do miệng thu nhỏ dễ bị đất cát, rác, lá cây làm nghẹt và làm cho các loại rác đều chảy trực tiếp vào lòng cống gây tắc nghẽn dòng chảy.

Thậm chí các điểm buôn bán VLXD, các cơ sở gia công đá ốp lát, các điểm kinh doanh ăn uống... tất cả đều thoải mái cho phế liệu, đất cát, đồ thừa đổ vào hố ga.

Để khắc phục các nhược điểm trên, TP nên cho làm hố ga đôi tại các điểm thu nước, hố ga trước có nhiệm vụ thu nước và chất thải, rác, hố ga thứ hai chuyển nước đi vào lòng cống.

Giữa hai hố ga được gắn tấm ngăn mùi bằng nhựa PVC, sẽ tự động đóng lại khi không có nước chảy qua và tự mở khi có nước mưa. Hai hố ga được liên kết bằng máng thu khẩu độ lớn, làm tăng khả năng thu nước  so với miệng hố ga hiện nay.

Nhiều năm qua TP HCM đã đầu tư rất nhiều tiền cho các dự án thoát nước và chống ngập. Nhưng việc sử dụng nguồn vốn này không sát thực tế yêu cầu làm cho hiệu quả không như mong đợi của xã hội.

Có nhiều dự án thoát nước rất bất hợp lý, ví dụ như đường Hai Bà Trưng không bao giờ bị ngập thì cho triển khai trước, trong khi đường Phan Đình Phùng (đoạn qua chợ Phú Nhuận) mưa là ngập, triều cường cũng ngập thì hàng chục năm nay không thấy triển khai.

Lĩnh vực thoát nước của TP ảnh hưởng rất nhiều đến người dân. Tại sao TP không cho tuyển chọn người cho vị trí quản lý hệ thống thoát nước theo hướng công khai qua thi tuyển và thi phương án đề ra giải pháp thoát nước chống ngập để giúp tạo ra bước đột phá trong lãnh vực này?

Nhân Việt
.
.
.