Một nông dân xây nhà dưỡng lão từ thiện

Thứ Ba, 24/06/2008, 15:47

Ở ấp Mỹ Phước 2, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp có một nhà dưỡng lão rất khang trang. Người bỏ ra hàng trăm triệu đồng để xây dựng khu nhà dưỡng lão từ thiện giúp những người già cả neo đơn không nơi nương tựa, là một nông dân giàu lòng nhân ái: bà Chín Nga!

Tên đầy đủ của bà Chín là Bùi Thị Tuyết Nga, 60 tuổi, là người nông dân sống lâu đời tại ấp Mỹ Phước 2. Trong một dịp tình cờ, cuối tháng 6 năm 2008, chúng tôi đến thăm khu nhà dưỡng lão của nông dân này.

Bà Nga cho biết đã xây khu nhà dưỡng lão từ thiện cách đây hơn 2 năm, trên diện tích 870m2 (gồm cả nhà và khu vườn) với tổng kinh phí trên 150 triệu đồng. Căn nhà tường khang trang thoáng mát, ngăn ra thành nhiều phòng. Mỗi phòng là nơi sinh sống của một cụ ông hoặc một cụ bà. Tất cả đều là những người già không nơi nương tựa, lang thang cơ nhỡ được bà Nga mời về chung sống dưới một mái nhà.

Dẫn chúng tôi đi tham quan khu nhà dưỡng lão, bà Nga bộc bạch: "Trước khi qua đời cách đây 10 năm, cha tôi dặn dò phải cố gắng gầy dựng một mái nhà khang trang để cưu mang giúp đỡ người già yếu neo đơn, xem như một cách bày tỏ lòng từ thiện. Nhưng lúc đó chưa đủ tiền, tôi và các anh chị em phải dành dụm tích lũy lâu ngày từ hoa lợi của phần đất ruộng do ông bà để lại mới xây được".

Hiện nay, 20 công đất ruộng của gia đình được bà Nga cho thuê với giá 300 giạ lúa/năm (vì trên thực tế bà Nga cũng không còn sức khỏe để canh tác) lấy tiền lo chi phí ăn uống phục vụ ở nhà dưỡng lão (trên 100 giạ/năm), phần còn lại sử dụng mua sắm đồ đạc, lo thuốc men, chữa bệnh cho các cụ già.

Ở nhà dưỡng lão, mỗi ngày các cụ được bà Nga lo tươm tất 3 bữa ăn, tất cả đều là thức ăn chay. Ngoài các loại cây trái, rau củ có sẵn như: đu đủ, rau muống, mồng tơi... hàng ngày bà Nga phải chi thêm tiền để bổ sung thêm dinh dưỡng. Ngoài bà Nga, những người thân, con cháu của bà cũng thường xuyên thay phiên nhau chăm sóc các cụ già, dọn dẹp nhà cửa mỗi ngày.

Tấm lòng từ thiện của bà Nga đã được nhiều người dân địa phương hưởng ứng, góp tay phụ giúp việc chăm sóc các cụ già ở khu nhà dưỡng lão này. "Mỗi khi tôi ra chợ mua thức ăn, nhiều tiểu thương có lòng từ thiện thường ủng hộ trái cà, mớ đậu, cảm động lắm", bà Nga tâm sự.

Ngoài tấm lòng của người địa phương, những ông cụ, bà cụ ở khu nhà dưỡng lão còn nhận được sự giúp đỡ thường xuyên của sư cô Thích Nữ Huệ Cúc ở chùa Hội Khánh (Cao Lãnh), là người thường mang thức ăn chay đến biếu. Việc chăm sóc sức khỏe của các cụ cũng thường xuyên được y sĩ Phạm Thị Thanh Xuân (Trạm Y tế xã Mỹ Quý) đến khám chữa bệnh, tiêm thuốc và phát thuốc miễn phí giúp các cụ giữ gìn sức khỏe.

Bà Nga còn cho biết thêm: Sau một năm hoạt động, khu nhà dưỡng lão đã bắt đầu nhận đựơc sự quan tâm của chính quyền địa phương; Hội Chữ thập đỏ, Hội Từ thiện của tỉnh cũng nhiều lần đến thăm hỏi, tặng thuốc men cho các cụ. Sau hơn 2 năm hoạt động, khu nhà nuôi dưỡng người già của bà Chín Nga đã bảo bọc hơn 20 cụ.

"Khách" đầu tiên đến với nhà dưỡng lão của bà Nga là một người bị bệnh lãng trí, không hề biết tên tuổi của mình, ngày ngày đi lang thang ở đầu đường xó chợ… Những người có lòng từ thiện đã giới thiệu vào khu nhà dưỡng lão của bà Bùi Thị Tuyết Nga mới vừa khai trương. Đến nay người bệnh này đã thuyên giảm nhưng vẫn không thể nhớ được quê quán, tên họ.

Bà Hai, quê ở huyện Lai Vung (73 tuổi), chồng chết, không con cháu nuôi dưỡng phải đi ăn xin trên khắp các nẻo đường ở tỉnh Đồng Tháp nay đã ấm chỗ trong ngôi nhà này.

Nhắc đến Nhà dưỡng lão của bà Chín Nga, anh Bùi Văn Hoạch, cán bộ văn hóa - xã hội UBND xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, nói: "Chúng tôi rất cảm phục khi một nông dân bỏ tiền túi ra làm từ thiện. Tuy nhiên nơi đây còn thiếu thốn nhiều về điều kiện y tế, rất cần sự chung tay giúp sức của nhiều người để khu nhà dưỡng lão thực sự là mái ấm tình thương của người già lang thang, cơ nhỡ"

Nam Giao
.
.
.