Một nông dân khuyết tật với giải pháp tiết kiệm xăng

Thứ Ba, 05/01/2010, 10:26
Chưa học hết phổ thông, lại bị tật nguyền (mất 1 tay và hỏng 1 mắt) nhưng anh Tạ Tuấn Minh (ở ấp Hưng Chiến, thị trấn An Lộc, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước) đã làm nên kì tích khiến nhiều người phải nể phục: Hơn chục năm trời mày mò tự nghiên cứu, anh đã chế tạo thành công bộ phận giúp tiết kiệm xăng cho các loại xe gắn máy.

Với bộ phận này, lượng xăng tiêu thụ trên xe máy giảm được hơn 50%, đồng thời công suất máy cũng tăng lên 7-9%. Anh Minh gọi đây là "giải pháp tiết kiệm xăng" vì bộ phận này có tác dụng khắc phục các nhược điểm do nguyên lý hoạt động của động cơ, từ đó, giúp buồng đốt có đủ tỷ số nén và làm nhiên liệu được đốt cháy một cách triệt để.

Sau khi chế tạo thành công, anh đã tiến hành thử nghiệm nhiều lần (bằng cách chạy trên đường trường) trên 10 xe gắn máy có dung tích xi lanh từ 50 đến 110cc, kết quả: với xe hộp số tự động, trước khi lắp bộ phận tiết kiệm có mức tiêu thụ 36km/lít xăng và tốc độ tối đa 85km/h, sau khi lắp đã tăng lên 58km/lít xăng và tốc độ tăng lên 92km/h; với xe hộp số cơ có dung tích xi lanh từ 90-100cc thì mức tiêu hao nhiên liệu sau lắp bộ phận tiết kiệm nhiên liệu là 90-102km/lít xăng và xe trên 110cc là 85-90km/lít xăng.

Anh Tạ Tuấn Minh (trái), người cầm sản phẩm do mình chế tạo ra.

Ông Nguyễn Văn Năm, vốn là giáo viên vật lý tại thị trấn An Lộc, là người thử nghiệm sản phẩm này trên xe Dream 100cc của mình, cho biết: "Tôi thật sự bất ngờ trước kết quả này và cũng không thể tin nổi nếu như không được chính tay thử nghiệm. Trước đây xe tôi chạy 100km mất hết 2 lít xăng, nhưng sau khí lắp bộ phận này thì chạy trên 100km mới hết hơn 1 lít xăng, xe lại chạy "khỏe" và "bốc" hơn trước rất nhiều". Không chỉ có ông Năm, những người tham gia thử nghiệm, trong đó có một số cán bộ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước cũng đều cho biết như vậy.

"Để có được kết quả như thế thì tôi phải mất rất nhiều công sức và tiền của cho công tác nghiên cứu. Thậm chí, tôi đã liên hệ với các sinh viên Trường Đại học Bách Khoa - TP HCM để nhờ họ hỗ trợ những phần kĩ thuật mà tôi không thể sản xuất được. Hiện tôi đang gửi toàn bộ hồ sơ sản phẩm lên các cơ quan chức năng như: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước, Cục Sở hữu trí tuệ để đăng ký bản quyền. Tôi cũng đã liên hệ các cơ quan kiểm định kỹ thuật để tiến hành giám định sản phẩm" -  anh Minh cho biết.

Bộ phận tiết kiệm này theo anh Minh nếu được sản xuất theo dây chuyền công nghệ thì giá thành khoảng 100.000 đồng và gọn nhẹ hơn so với sản xuất thủ công. Nếu sản phẩm này được đưa vào sản xuất hàng loạt, đây sẽ là tin vui cho người đi xe máy trong thời buổi giá xăng cao như hiện nay

Đức Trí
.
.
.