Một nông dân chế hàng loạt máy phục vụ nông nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài

Thứ Sáu, 19/01/2018, 09:08
Thật khó tin, anh nông dân Trần Đình Lai (43 tuổi, trú xã Quảng An, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) đã tự mày mò, chế tạo, sản xuất ra hàng trăm loại máy móc phục vụ nông nghiệp, trong đó có nhiều loại máy được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Anh đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” trong năm 2017.

Những ngày cuối năm, tại xưởng cơ khí của gia đình anh Lai, ở thôn An Xuân Tây, xã Quảng An, hàng chục công nhân đang cố chạy đua với thời gian để kịp hoàn thành các đơn đặt hàng mua máy móc phục vụ cho vụ gieo trồng Đông-Xuân. Dù rất bận việc nhưng khi nghe hỏi, anh Lai vẫn cởi mở chia sẻ về “cái duyên” anh đến với nghề cơ khí. 

Anh kể, sinh ra trong gia đình đông anh em, cuộc sống hết sức khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THPT, thay vì thi đại học thì anh quyết định chọn học một trường trung cấp cơ khí ở TP Huế với mục đích rút ngắn thời gian học để có thể sớm đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. 

“Nhớ lại những ngày theo chân bố mẹ lội bì bõm giữa đồng ruộng để cấy lúa và hình ảnh chiếc máy bơm nước bị hỏng không thể tiêu úng khiến ruộng lúa gia đình ngập sâu đã thôi thúc tôi cố gắng theo đuổi nghề cơ khí. Lúc ấy, tôi đã tự đặt ra mục tiêu là không những sửa được máy bơm nước mà còn có thể sửa chữa được nhiều máy móc khác...”, anh Lai hồi tưởng.

Tốt nghiệp trường nghề loại giỏi, anh Lai xin vào làm việc tại một xưởng cơ khí ở Huế để rèn thêm tay nghề. Sau 4 năm cần mẫn làm việc, với ít vốn tích cóp được, anh khăn gói về quê mở xưởng cơ khí sửa chữa các loại máy móc cho người dân trong vùng. 

Lúc này, anh Lai nhận thấy rằng, nếu xưởng cơ khí chỉ tập trung sửa máy mà không có hướng đi mới thì chắc chắn sẽ phải sớm đóng cửa. Nghĩ vậy nên anh bắt đầu tìm tòi, học hỏi để nghĩ cách chế tạo nên các loại máy nông nghiệp. 

“Trong lúc còn chưa biết bắt đầu từ đâu, sáng chế loại máy gì cho thích hợp để có đầu ra thì tôi nhận thấy sau mỗi vụ thu hoạch mùa lúa, vỏ trấu được người dân địa phương vứt bỏ dọc các tuyến đường, cánh đồng... gây nên tình trạng ô nhiễm. Trước tình hình này, tôi nghĩ ngay đến việc chế tạo loại máy ép vỏ trấu để lấy củi”, anh Lai nói. 

Anh Lai bên chiếc máy sấy lúa đa năng do anh chế tạo.

Dám nghĩ dám làm, kiên nhẫn vượt qua nhiều lần thất bại, đến năm 2008, anh chế tạo thành công chiếc máy ép củi trấu và cho ra sản phẩm đạt chất lượng cao. 

Tiếng lành đồn xa nên sau đó không lâu, xưởng cơ khí của anh nhận được nhiều đơn đặt hàng mua loại máy này từ các nông dân khác. Tính bình quân từ năm 2009 đến nay, mỗi năm anh Lai xuất xưởng hàng chục chiếc máy ép củi trấu và hiện sản phẩm này đã có mặt ở 50 tỉnh, thành trong nước. 

Đặc biệt, với tính ứng dụng cao, góp phần làm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường từ phế thải nông nghiệp nên sản phẩm này còn được xuất khẩu sang Lào và Campuchia…

Nhưng không dừng lại ở chiếc máy ép củi trấu, mong muốn giúp bà con nông dân giảm bớt sức lao động, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, anh Lai còn sáng chế nhiều loại máy móc khác như máy ép củ lạc, máy thái rau, máy ép viên thức ăn chăn nuôi, máy sấy mùn cưa, máy cắt nước đá liên hoàn... 

Đặc biệt trong đó phải kể đến sản phẩm máy sấy lúa đa năng với công suất sấy từ 5-8 tấn lúa/mẻ do anh chế tạo với nhiều tính năng ưu việt đã trở thành sản phẩm gắn bó thân thiết với nông dân ở khu vực miền Trung. 

Với sự nỗ lực làm việc không mệt mỏi, nhiều năm qua, xưởng cơ khí của anh Lai đã sản xuất, cung ứng ra thị trường hàng trăm máy móc các loại, trong đó có nhiều loại máy được xuất khẩu ra nước ngoài và được thị trường nước bạn đánh giá rất cao về sự hữu ích, tiện dụng, qua đó đem lại doanh thu từ 3-3,5 tỷ đồng/năm.

Với những thành tích trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất máy nông nghiệp, anh Lai đã được trao giải thưởng Lương Định Của cho nhà nông trẻ xuất sắc. Vào giữa tháng 10-2017, anh còn được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. 

Ngoài ra, anh còn được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao bằng khen và kỷ niệm chương về đề tài giải pháp ý tưởng sáng tạo tiêu biểu trong năm 2011; giấy chứng nhận bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung-Tây Nguyên cùng nhiều giải thưởng cao quý khác của các cấp. 

Ông Lê Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Quảng An còn cho hay: “Chính sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm của anh Lai đã giúp người nông dân giảm bớt sức lao động khi được máy móc hỗ trợ. Đặc biệt hơn, hiện xưởng cơ khí của anh Lai còn tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động địa phương với mức thu nhập mỗi tháng gần 6 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh còn tích cực tham gia phong trào xã hội từ thiện, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh vượt qua khó khăn trong cuộc sống và được địa phương chúng tôi hết sức ghi nhận”.

Anh Khoa
.
.
.