Một người tù hoàn lương vươn lên làm giàu

Chủ Nhật, 14/04/2013, 15:38
Trong cuộc đời của mỗi con người, ai cũng có lúc mắc phải sai lầm, nhưng biết nhận lỗi để sửa chữa trở thành người có ích cho gia đình và xã hội đó là điều đáng trân trọng hơn cả. Trường hợp anh Lê Văn Chiến, ở xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, bước qua vũng bùn tội lỗi bằng chính nghị lực vươn lên của bản thân là một ví dụ điển hình...

Lãnh án chung thân về tội giết người, song nhờ nhận ra lỗi lầm, cải tạo tốt, nên 15 năm sau, Lê Văn Chiến được trở về địa phương. Song, ngày trở về bắt đầu cuộc sống tái hòa nhập cộng đồng đối với Chiến quả không dễ dàng chút nào. Lúc đó, bản thân anh luôn tự ti, mặc cảm và sợ những ánh mắt kỳ thị của bà con lối xóm. “Khi mới về cũng không dám ra đường, sợ người ta ngại mình gặp phải thằng tù, thằng giết người. Còn bạn bè cũ cũng ngại gặp, vì thấy cuộc sống của mình đã thua kém họ quá nhiều nên có một khoảng cách vô hình. May mắn cho tôi lúc đó còn có gia đình, rồi cả sự quan tâm của chính quyền địa phương, động viên tôi vượt qua sự mặc cảm, kỳ thị của bản thân. Rồi mọi chuyện cũng không phải như mình nghĩ, mọi người đều sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ để tôi có được cơ hội hoàn lương, trở thành người có ích”, Chiến tâm sự.

Ông Lê Hải Vân (bố của Chiến) nhớ lại “Nó (Chiến-NV) trót dại đã phải trả giá bằng những năm tháng đằng đẵng ở trại giam, ngỡ là cuộc đời nó đã bỏ đi. Nhưng, nhờ chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, nó mới được trở về với xã hội. Vui cũng có, nhưng lo cũng không kém phần, bởi sợ nó mặc cảm, rồi bị bạn bè xấu lôi kéo... Vì thế, tôi luôn an ủi, động viên, thuyết phục nó kiếm cái nghề ổn định cuộc sống, còn khó khăn đến đâu gia đình sẽ gắng giúp đỡ, hỗ trợ thêm.

Cũng khoảng thời gian đó, bằng chính tình yêu thương chân thành của mình, chị Nguyễn Thị Nguyệt đã vượt qua mọi rào cản và ánh mắt nghi ngại của mọi người để đến với Chiến. “Tình cảm giữa anh ấy và tôi khá bất ngờ, biết anh ấy mới ra tù nhưng vì hoàn cảnh anh ấy lúc đó cũng thương tâm lắm. Vẫn biết là cực, sẽ thiệt thòi nhưng em nếu chối bỏ tình cảm của anh lúc đó thì đến giờ này hẳn không biết anh ấy sẽ như thế nào”, chị Nguyệt kể lại. Điều đó như nhân thêm động lực cho Chiến quyết tâm hướng thiện, thôi thúc anh trở về với nẻo sáng hoàn lương, trở thành người có ích cho xã hội...

Anh Lê Văn Chiến đang điêu khắc đồ mỹ nghệ cho khách hàng.

Cần có cái nghề để lập nghiệp, dẫu muộn nhưng vẫn hơn không. Chiến mạnh dạn vay vốn và sự giúp đỡ từ gia đình để đầu tư máy móc, đồ nghề để mở cơ sở mộc mỹ nghệ. Cái nghề mà Chiến được học trong thời gian cải tạo ở trại giam Gia Trung (Bộ Công an). Ban đầu cơ sở mộc mỹ nghệ của Chiến chỉ làm giúp không công cho mọi người để vừa giới thiệu sản phẩm. Vừa làm, Chiến cũng tranh thủ đi học thêm ở nhiều cơ sở mộc mỹ nghệ khác trên địa bàn để nâng cao tay nghề. Với bàn tay khéo léo, tỷ mẫn và sự sáng tạo trong mỗi sản phẩm gỗ nên mặt hàng do anh làm ra được giới đam mê các sản phẩm mộc mỹ nghệ ưu chuộng, cơ sở của anh cũng bắt đầu được mọi người biết đến.

Những sản phẩm điêu khắc mỹ nghệ do Chiến làm ra không chỉ mang tính kinh tế mà anh đã biết thổi được cái hồn vào những thớ gỗ tưởng chừng như vô tri, vô giác trở thành những sản phẩm có giá trị về nghệ thuật cao nên được khách hàng ưa chuộng. Từ đó, nguồn thu nhập hàng tháng từ cơ sở mộc do Chiến làm chủ lên đến hàng chục triệu đồng. Và, cũng tại đây Chiến đã tạo việc làm cho 3 công nhân khác. Điều đặc biệt là một trong số những người công nhân này lại chính là những bạn tù của anh trước kia. Người thì đến học việc, người thì được Chiến tạo công ăn việc làm. Từ chỗ bàn tay trắng, đến hôm nay, sau gần 4 năm lập gia đình và ở riêng vợ chồng Chiến có được là căn nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi.

Ông Lê Văn Chiến – Trưởng Công an xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình cho biết “Ngoài gương sáng người hoàn lương vươn lên làm giàu tại quê hương, Chiến còn là gương thanh niên xung kích tiêu biểu trong công tác đảm bảo ANTT địa phương. Từ cá nhân anh Chiến chúng tôi đang tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng đối với nhiều người lầm lỗi sau khi ra tù trở về địa phương, để họ có ý chí, động lực và tấm gương hoàn lương trở về cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội”

Trần Tuấn
.
.
.