Một lương y lặng lẽ giúp người

Thứ Sáu, 18/02/2011, 13:25
Bác sĩ Trần Hữu Ngoạn là người đầu tiên và duy nhất trên thế giới đã tự tiêm vi khuẩn bệnh phong vào người mình để chứng minh cho mọi người biết rằng, bệnh rất khó lây và có thể chữa khỏi. Nửa thế kỷ bên cạnh và cứu chữa người bệnh phong, từng là Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Quy Hòa (Bình Định); Bệnh viện Phong - Da liễu Quỳnh Lập (Nghệ An), thế nhưng ông không nhận bất cứ một tặng thưởng, hay một bằng khen nào...

Vì những người bệnh khổ nhất

Bác sĩ Trần Hữu Ngoạn là người gốc làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Học hết phổ thông, Hữu Ngoạn nộp đơn xin vào Đại học Y Hà Nội với hy vọng sẽ làm bác sĩ cứu chữa cho người nghèo.

Năm 1961, ông lập gia đình với cô giáo Phạm Thị Yến, người gốc Hà Nội. Cưới nhau chưa đầy hai tháng thì ông Ngoạn khoác ba lô vào trại phong Quỳnh Lập (huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An) trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Quỳnh Lập là một trại phong lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ, với hơn 2.600 bệnh nhân và bị xã hội xa lánh.

Bác sĩ Ngoạn đọc được nỗi thống khổ của người bệnh nên ông đã tận tình tìm cách cứu chữa họ. Làm việc ở trại phong Quỳnh Lập từ năm 1962 đến 1968, Trần Hữu Ngoạn vẫn chỉ là một bác sĩ bình thường, chưa đảm nhiệm chức vụ gì. Nhưng điều làm bác sĩ trẻ bứt rứt nhất vẫn là nỗi sợ hãi, đề phòng vô lý của chính những nhân viên có trách nhiệm chăm sóc người bệnh. Khu làm việc ở cách bệnh nhân hơn 2,5km. Đi thăm bệnh phải mặc quần áo hấp. Thư từ của bệnh nhân gửi ra ngoài phải đóng dấu "đã hấp chín".

Vợ chồng bác sĩ Ngoạn.

Trong khi sách vở ngành Y thì từ lâu đã khẳng định: bệnh phong rất khó lây và tỉ lệ lây do tiếp xúc vợ chồng suốt đời cũng chỉ là 2%. Các thứ thuốc đặc trị cho bệnh phong cũng đã chứng tỏ hiệu nghiệm từ lâu. không đồng tình trước thái độ ấy, bác sĩ Ngoạn lấy lý do vì yếu mệt không đi xa được, đã chuyển phòng ở vào khu bệnh nhân. Ở đó, bác sĩ Ngoạn không mặc quần áo cách ly, không đi găng tay và thản nhiên làm việc.

Từ năm 1968 đến năm tháng 4/1974, bác sĩ Ngoạn về Hà Nội, công tác tại Khoa Phong - Da liễu (Bệnh viện Bạch Mai). Thời gian này, ông có điều kiện nghiên cứu sách vở, tìm hiểu thêm về bệnh phong. Tháng 5/1974, ông lại được cử vào trại phong Quỳnh Lập (sau này đổi tên thành Bệnh viện Phong - Da liễu Quỳnh Lập) làm Giám đốc.

Trở lại chốn cũ, tất cả chỉ còn là những đống đổ nát tan hoang vì bom đạn Mỹ tàn phá. Tất cả phải làm lại từ đầu. Vừa xây nhà, ông vừa phải đi đến từng hang núi tìm và đưa bệnh nhân về điều trị.

Khi đó, ông quyết định làm một cuộc cách mạng trong trại, cũng là cuộc đột phá trong toàn ngành: rời khu làm việc vào sát khu bệnh, sử dụng tất cả những bệnh nhân đã điều trị có kết quả ở lại làm việc. Tại trại phong Quỳnh Lập, điều này vẫn được áp dụng cho đến ngày này.

Bác sĩ Trần Thiện Hợp, người có gần 30 năm gắn bó với trại phong Quỳnh Lập cho biết: "Độ đó, có người không ưa, họ đã tố lên Bộ Y tế và lên Huyện ủy rằng ông Ngoạn "làm sai đường lối của Đảng". Rất may, ông được Bộ Y tế và tất cả bệnh nhân bênh vực.

Tháng 10/1984, bác sĩ Ngoạn có dịp ghé thăm Bệnh viện Da liễu Nha Trang, trong đó có vài giường chứa bệnh phong. Nhân viên y tế có thái độ kiêng kỵ, phân biệt rõ rệt với bệnh nhân, ông giải thích nhưng nhân viên không tin, ông nói: "Các cô cậu có muốn tôi tiêm trực tiếp trực khuẩn Hansen vào mình tôi không?". Họ nói: "Được vậy thì thuyết phục chúng em ngàn lần hơn các tài liệu y khoa".

Cuộc thí nghiệm được bắt đầu với sự chứng kiến của Giám đốc Viện Pasteur Nha Trang, Tiến sĩ vi trùng học Nguyễn Thị Thế Trâm và nhiều bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện. Bác sĩ Ngoạn đã đưa vào cơ thể mình hàng tỷ trực khuẩn bằng nhiều đường: nhỏ vào mũi, uống và tiêm vào hai khuỷu tay và hai dái tai là những nơi trực khuẩn này dễ phát triển. Với sự kiện này, bác sĩ Ngoạn đã chiếm lòng mọi người, đặc biệt các bệnh nhân. Ông cũng thể hiện mình là người lần đầu tiên dũng cảm đưa vi khuẩn bệnh phong vào người mình.

Yêu nghệ thuật

Năm 1984, bác sĩ Ngoạn được điều vào Quy Nhơn, làm Giám đốc trại phong Quy Hòa (sau này là Bệnh viện Phong - Da liễu Quy Hòa). Tại đây, ông cũng rất đau lòng khi chứng kiến nhiều bệnh nhân đau đớn, từng phần da thịt cứ bị rụng dần khỏi cơ thể. Ông đã tận tình cứu chữa và luôn ở gần động viên, an ủi, tạo mọi điều kiện để người bệnh sống tốt, an tâm điều trị.

Vốn là người lãng mạn, rất yêu nghệ thuật, nên bác sĩ Ngoạn đã nảy ra ý tưởng xây dựng khu vườn tượng với khoảng 40 bức tượng ghi lại chân dung các danh nhân y học trên thế giới. Ở nhiều công trình của trại phong bên bờ biển, ông Ngoạn cũng cho thiết kế rất nhiều hình đàn violon. Đặc biệt, ông còn tiến hành xây dựng một sân khấu để thúc đẩy hoạt động văn nghệ cho cán bộ trại và người bệnh.

Ông bảo: "Tôi không phải là kiến trúc sư, nhưng tôi là một người yêu nghệ thuật. Ngày trẻ tôi có chơi violon và guitar, sau này bận nhiều việc quá nên tôi phải tạm gác niềm đam mê của đó của mình. Với tôi, y học không những là khoa học, mà còn là cả một nghệ thuật".

Cảm xúc trước cuộc đời bác sĩ Trần Hữu Ngoạn, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã viết một vở kịch "Loài hoa bất tử", lấy ông là nguyên mẫu nhân vật chính. Vở kịch ca ngợi tinh thần dũng cảm, kiên cường của một bác sĩ, đã tuyên chiến với vi khuẩn Hansen và cách mà ông đã sống với bệnh nhân phong như thế nào. Ông đã sống, đã cống hiến như một bông hoa tỏa hương thơm ngát, và ngoài biển khơi là những con sóng quặn đau. Sau này, càng nghĩ, ông càng thương người bệnh và muốn làm được nhiều việc có ích cho họ hơn. Đó cũng là lý do để sau này, khi nghỉ hưu (năm 1999), bác sĩ Ngoạn đã cùng vợ tiếp tục hành trình làm từ thiện, giúp đỡ những người bệnh phong.

Một đời thanh bạch

Bác sĩ Ngoạn được người đời "phong" cho rất nhiều biệt hiệu, cả kính nể lẫn khinh miệt. Nào là "Bác sĩ điên khùng", "Bác sĩ thích dây dưa với hủi", "Người của người bất hạnh", "Người của lòng nhân ái", "Người "xúc cảm với bệnh nhân phong"... Hơn 30 năm sống với bệnh nhân phong, hầu như xa gia đình, bác sĩ Ngoạn cứ lặng lẽ, lặng lẽ và tỏa hương cho đời. Nhiều bạn bè khoa học có tầm cỡ cũng khuyên ông nên xin về với vợ con để họ bớt bị thiệt thòi, nhưng ông không nỡ bỏ bệnh nhân. Ông là người thanh bạch, không màng danh lợi. Ông bảo vợ: "Anh cống hiến cho y học, cho bệnh nhân, chẳng phải vì những bổng lộc mà làm".

Tháng 8/1995, Liên hiệp Bệnh viện phong quốc tế (International Leprosy Union) của Ấn Độ bầu chọn bác sĩ Ngoạn để trao giải thưởng quốc tế Ghandi. Nhưng ông cũng một mực chối từ. Đó là điều đặc biệt của một bác sĩ như ông.

Bác sĩ Ngoạn là người tin vào y đức, vào lòng bao dung độ lượng của con người. Ông là đảng viên, là tín đồ của đạo Phật nhưng cũng tôn sùng thánh Phanxico, một người từ thời trung cổ đã hết mình đứng về phía bệnh nhân phong. Noi gương thánh Phanxico, ông luôn sống mẫu mực, làm việc hết mình.

Bao nhiêu năm, ông chữa cho không biết bao nhiêu người bị bệnh phong. Nhưng chỉ có duy nhất một người sau khi khỏi bệnh là quay lại và dám nhận mình là bệnh nhân phong. Đó là ông Nguyễn Đức Thìn, Anh hùng Lao động ở Đền Đô, Bắc Ninh. Không ít người sau khi được ông chữa khỏi, dù rất biết ơn cũng không dám đến thăm. Lại có người sau khi được ông điều trị, khỏi bệnh còn nói do ông chẩn đoán nhầm. chứ không có bệnh. Nhưng có sao đâu, ông vẫn vui vì biết họ đã sống khoẻ mạnh

Diên Khánh
.
.
.