Một đoạn đê dài ở thị xã Sơn Tây đang bị "xẻ thịt"

Thứ Năm, 16/06/2005, 07:02
Dòng chủ lưu sông Hồng dữ dằn ngày đêm xói vào bờ. Vở kè Hồng Hậu (thị xã Sơn Tây, Hà Tây) đã lở thâm vào phía chân thêm 15m nữa và đang tiếp tục bị "xẻ thịt". Nhưng cũng tại đó, cả một công trường gồm hàng chục tàu, cẩu đang hối hả chuyển hàng trăm, hàng ngàn tấn cát, sỏi, than chất lên vở kè như không có chuyện gì xảy ra.

Chúng tôi cùng cán bộ Đội quản lý đê Phúc Thọ - Sơn Tây lần lượt đến từng điểm xảy ra sạt lở khu vực kè đất Hồng Hậu. Cảm giác lo lắng tăng dần theo độ dài của các cung sạt lở: 40m rồi 60m, với độ sâu từ 6-7m. Phía dưới dòng nước cuồn cuộn chảy, sát mép nước trở lên khoảng 50m kéo dài theo chiều sông 300-400m đã xuất hiện hàng chục vết bạt xới tạo mặt bằng cho việc đặt cẩu, băng chuyền vận chuyển đá, cát, sỏi. Cả chục chiếc tàu vận tải cỡ trên 100 tấn cùng ngần ấy cẩu, băng chuyền hối hả xối đá, cát, sỏi lên vở kè tạo thành từng đống cao chất ngất nối dài như dãy đồi nhân tạo.

Ngay sát mạn tàu, nhiều vết nứt đã há miệng sẵn sàng đổ ụp xuống sông bất cứ lúc nào. Một chị đang coi băng tải cát cho chúng tôi biết: 13-14 hộ kinh doanh bến bãi kiểu này đã có từ lâu, nhưng trước kia thì chỉ là phương tiện thủ công. Nay lũ lượt tàu lớn tàu bé ra vào. Mỗi khi hàng về, nào tàu, nào cuốc, cẩu dây bốc xếp va đập làm rung chuyển cả một vùng ven sông. Chị cũng khẳng định, trước đây bờ sông không phải là chỗ này, mà tít đằng kia (cách đó chừng 15m), nhưng với sức tàn phá của dòng chảy cùng với sự vô tâm của con người nên giờ bãi đã tan hoang.

Chị cho biết thêm, trông thế nhưng không phải dễ mà vào làm chủ được bến bãi đâu. Bằng chứng là nhiều người đã phải bỏ cuộc, thay vào đó là những chủ có tới 2 - 3 bãi kinh doanh. Nhiều trường hợp hoạt động trong nhiều năm mà không có bất kỳ một giấy phép hợp pháp nào. Bà Nguyễn Thị Minh Thanh - Đội trưởng Đội quản lý đê Sơn Tây - Phúc Thọ, cho biết: Kè mềm Hồng Hậu được xây dựng từ năm 1966, đến nay đã hư hỏng nhiều. Khoảng 5-6 năm gần đây, do ảnh hưởng của dòng chủ lưu áp sát mái kè nên tình hình sạt lở ngày càng diễn biến phức tạp. Đặc biệt, từ năm 2000 đến nay, trên toàn tuyến đã hình thành 4 cung sạt lở liên tiếp với mức độ lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Trên thực tế, hầu hết các hộ kinh doanh cát, đá, sỏi cũng như các hoạt động khác xâm hại trực tiếp vành đai an toàn của đê, kè đã diễn ra từ lâu, bị xử lý nhiều lần nhưng chưa chấm dứt. Còn ông Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ đê điều và phòng chống lụt bão Hà Tây Đỗ Đức Thịnh thì thẳng thắn nói: Vi phạm đã rõ, xử lý đã nhiều nhưng không hiệu quả. Nếu tuyến đê, kè này mà xảy ra sự cố thì chắc chắn không chỉ thành phố Hà Nội mà cả vùng rộng lớn như Hà Tây, Hà Nam, Nam Định... đều rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Quá trình điều tra tìm hiểu sự việc, điều mà nhóm phóng viên chúng tôi dễ dàng nhận thấy từ bà Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thịnh (nơi có vi phạm) đến cán bộ chức năng của UBND thị xã Sơn Tây đều rất tâm huyết với việc mở cảng, bến bốc xếp nội địa mà không mấy quan tâm tới an toàn của tuyến đê, kè. Xuất xứ của vấn đề là từ năm 1999, UBND tỉnh Hà Tây có Quyết định số 63/QĐ-UB duyệt quy hoạch cảng, bến bốc xếp, đò ngang trong đó có các bến Hồng Hậu 1, 2, 3, 4 và 5 thuộc xã Viên Sơn trước đây nay thuộc phường Phú Thịnh. Sau quyết định đó, dường như mọi chuyện không còn gì phải bàn nữa nên ào ạt các bến bãi mở ra và hậu quả như chúng ta đã thấy.

Thực tế một số hộ kinh doanh có xin được giấy phép của UBND thị xã và sự chấp thuận của Đoạn quản lý đường sông số 6, nhưng theo bà Minh Thanh - Đội trưởng quản lý đê, thì đến nay chưa có văn bản nào từ phía cơ quan quản lý đê điều đồng ý cho các hộ kinh doanh mà xâm hại kè như hiện nay. Đi sâu vào sự việc, mười mấy bản hợp đồng cho thuê giữa UBND phường với cá nhân coi đất của công trình quan trọng về an ninh quốc gia chỉ đơn giản như đất ở, để nhận lấy một khoản kinh phí rẻ mạt (trên 10 triệu đồng/4 năm) về cho tập thể. Vì thế mà ngay sau đó, các cá nhân tự ý san lấp, đào bới, sang nhượng bừa bãi. Rất đáng tiếc, cho đến nay, biện pháp chủ yếu mà chính quyền địa phương đã làm vẫn là một "xêri" quyết định xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi: Bán đất trái phép, vi phạm Khoản 4, Điều 12 Pháp lệnh đê điều... rồi kết thúc như viết xong một đoạn văn.

Điều mà dư luận mong chờ là đầu tư quy hoạch, xây dựng cảng theo đúng quy định trước khi đi vào khai thác thì không hiểu sao mãi vẫn nằm trong im lặng. Phát triển cảng, bến bốc xếp... để thúc đẩy kinh tế phát triển là cần thiết nếu điều kiện cho phép. Nhưng không thể đẩy công trình quan trọng về an ninh quốc gia như đê, kè Hồng Hậu vào thế mất an toàn vì một lợi ích nhỏ hơn được

Thanh Phong - Nguyễn Hưng
.
.
.