Một chàng trai có ý chí và lòng hiếu nghĩa

Thứ Ba, 19/09/2006, 13:20

Không được học ĐH Sư phạm vì bị khuyết tật, Nhã trở thành một người thợ thủ công tài hoa. Thương cha mẹ vất vả lâu nay nên Nhã làm được bao nhiêu tiền là gửi về hết đỡ đần cho gia đình, để mẹ có tiền thuốc thang cho cha.

Hiền lành, rắn rỏi và khá điển trai là những điểm dễ nhận ra nhất khi tiếp xúc với cậu thanh niên khuyết tật Nguyễn Hoàng Nhã. Hiện Nhã đang là thành viên của CLB người khuyết tật thành phố Cần Thơ, một giọng ca vọng cổ mượt mà và cũng là người khéo tay nhất trong số những bạn khuyết tật đang làm việc tại cơ sở Nhịp Cầu - Cần Thơ. Những khiếm khuyết của bản thân và hoàn cảnh gia đình chính là những động lực thúc đẩy em vươn lên, khiến em có thể làm được những điều tưởng chừng như không thể làm được.

Nhã là con út trong số 7 anh chị em. Gia đình Nhã là một gia đình nông dân nghèo, tại xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Ngay từ khi sinh ra, Nhã đã bị khuyết tật đôi chân do ảnh hưởng của chất độc da cam từ cha.

Cha Nhã trước đây là cán bộ dân y, làm việc trong vùng kháng chiến. Sau ngày giải phóng, ông mắc bệnh tim mạch và huyết áp cao nên không còn đủ sức lao động. Vừa phải nuôi con, vừa phải lo thuốc thang chữa bệnh cho chồng nên dù có xoay xở đủ mọi đường thì một mình mẹ Nhã vẫn không thể lo nổi cho các con đủ cơm ăn áo mặc, nói chi đến việc cắp sách tới trường.

Kinh tế túng quẫn, các anh chị của Nhã đành phải bỏ học để tìm việc làm phụ giúp cho mẹ. Thương đứa con út duy nhất bị tật nguyền, yếu ớt, cha mẹ Nhã đã cố gắng tạo điều kiện cho Nhã được học hành tới nơi tới chốn, mong sao sau này cậu có thể tìm được một việc làm nhẹ nhàng phù hợp với sức khỏe của mình.

Không phụ lòng cha mẹ, Nhã chăm chỉ học hành và luôn là học sinh giỏi, nhất là môn văn. Nhã ước mơ sau này trở thành một thầy giáo dạy văn. Học xong cấp II, thấy kinh tế gia đình quá khó khăn, các anh chị lao động cật lực cũng không đủ tiền thuốc thang cho cha hàng ngày, Nhã đành xin chuyển sang học hệ bổ túc, vừa đỡ tốn tiền học phí lại vừa rút ngắn thời gian học. Sau khi hoàn thành xong chương trình THPT, Nhã nộp hồ sơ xin thi vào Trường Đại học Sư phạm, Khoa Ngữ văn.

Cách mấy tuần trước khi thi đại học, người anh trai kế của Nhã đã khăn gói đưa em lên TP Cần Thơ, thuê nhà trọ và đi làm thợ hồ, kiếm mỗi ngày 20 ngàn đồng để lo cho em luyện thi. Không phụ lòng cha mẹ và các anh chị, Nhã đã thi đậu đại học. Nhưng vì khuyết tật, Nhã không được nhận vào học ngành Sư phạm. Các thầy cô ở Phòng Đào tạo đã ân cần, an ủi rằng em không đủ sức khỏe để theo học ngành này và thực tế ngành Sư phạm cũng không nhận đào tạo người khuyết tật.

Nhã lặng lẽ quay về quê mang theo nỗi buồn nặng trĩu. Cảnh nhà nghèo khó, không có tiền thuốc thang cho cha, cả một gánh nặng gia đình đang đè trên đôi vai gầy của mẹ… tất cả đã khiến cho Nhã hiểu ra rằng, mẹ không còn đủ sức để lo cho mình được nữa. Quẳng nỗi buồn đang đè nặng trong tâm hồn, Nhã tìm cách học nghề với hy vọng sẽ xin được việc làm để có thể tự lo cho mình.

Thế rồi cơ hội đã mỉm cười với Nhã. Trong một lần đến Hội chợ việc làm Cần Thơ vào năm 2003, thấy cơ sở Nhịp Cầu tuyển học viên khuyết tật vào học nghề thủ công mỹ nghệ, Nhã liền đăng ký ngay và trở thành hội viên của Nhịp Cầu từ đó.

Nhã là học viên khóa đầu tiên của chương trình dạy nghề thủ công mỹ nghệ chế biến từ gáo dừa. Khóa học này được một tổ chức phi chính phủ tài trợ nên các học viên học nghề được ăn ở miễn phí. Khi Nhã bắt đầu vào học thì khóa học này đã triển khai được một tháng và các học viên đã làm ra được sản phẩm. Nhìn thấy những miếng gáo dừa bình thường, nay được các bạn tạo ra đủ các kiểu dáng đẹp đẽ, bóng loáng, Nhã thấy thích thú vô cùng.

Có lẽ do lòng ham mê học hỏi và cũng là sự yêu nghề nên chẳng bao lâu sau, không những Nhã đã đuổi kịp các bạn trong cơ sở mà còn là một trong những bàn tay vàng ở đây. Thế nhưng, nghề chính của Nhã bây giờ lại là nghề cưa lọng chữ.

Nhã đến với nghề cưa lọng chữ thật tình cờ. Một lần em đi dự hội chợ cùng cơ sở Nhịp Cầu, thấy gian hàng bên cạnh có một người đàn ông cưa lọng chữ rất đẹp mà không cần phải vẽ mẫu trước. Vốn tính ham học hỏi, mỗi khi rảnh rỗi là Nhã lại lân la sang bên đó để học lỏm. Nhanh ý và thông minh nên khi hết một tuần hội chợ, Nhã cũng đã biết được chút ít.

Về nhà, Nhã lượm lặt những mẩu mê ca và gỗ vụn ở mọi nơi rồi tập cưa. "Có công mài sắt có ngày nên kim", sau nhiều ngày thực hành, cuối cùng Nhã cũng đã cưa lọng chữ một cách thành thạo và rất đẹp. Thấy mình đã có thể làm được, Nhã mua thêm đồ để hành nghề, kiếm thêm thu nhập mỗi lần tham gia hội chợ cùng cơ sở Nhịp Cầu.

Nhìn chiếc cưa nhỏ trong đôi bàn tay của Nhã cứ thoăn thoắt đưa đi đưa lại, để rồi chỉ sau vài phút, những miếng gỗ và mê ca to, nhỏ đã biến thành những nét chữ mềm mại, bay bổng… đủ mọi kiểu dáng, theo yêu cầu của khách. Thương cha mẹ vất vả lâu nay nên Nhã làm được bao nhiêu tiền là gửi về hết đỡ đần cho gia đình, để mẹ có tiền thuốc thang cho cha.

Mỗi tuần, cha Nhã phải lên thành phố để tiêm thuốc một lần. Tiền đi lại, ăn uống cộng với thuốc thang tốn kém rất nhiều. Chính vì lo cho gia đình mà ban ngày, làm nghề thủ công, tối đến rảnh rỗi, Nhã lại nhận dạy kèm cho một số em học sinh cấp I, II môn văn và môn toán để có thêm thu nhập và cũng là để phần nào thực hiện ước mơ làm thầy trước kia của mình.

Những năm gần đây, phong trào thể thao của người khuyết tật (NKT) phát triển mạnh. Địa phương nào cũng tổ chức cho NKT luyện tập để tham gia những giải thể thao toàn quốc và quốc tế dành cho NKT. CLB NKT Cần Thơ cũng tổ chức cho hội viên luyện tập và Nhã đăng ký tham gia thi đấu môn bơi lội ngay từ khi bắt đầu vào CLB.

Năm 2004, Nhã đã đoạt một HCV ở cự ly 50m, hai HCB ở cự ly 200m và 400m tại giải Thể thao NKT toàn quốc. Năm sau, cũng ở giải Thể thao NKT toàn quốc, Nhã đoạt liền 3 HCV ở các cự ly 50m, 100m và 200m. Được bao nhiêu tiền thưởng, Nhã lại đem hết về cho cha mẹ.

Hiện nay, công việc đã đem lại cho Nhã không chỉ niềm vui mà còn là cả cuộc sống mưu sinh ổn định. Nhã đã có thể tự lo cho mình và giúp đỡ gia đình. Hơn thế nữa, Nhã đã có thêm niềm hạnh phúc lứa đôi với người bạn gái đồng cảnh như mình cũng trong cơ sở Nhịp Cầu. Họ dự định sẽ tổ chức đám cưới vào một ngày gần đây.

Thế nhưng, bên cạnh mọi việc có vẻ tạm ổn đó, Nhã vẫn canh cánh trong lòng một ước mơ cháy bỏng: Khi cha hết bệnh, Nhã sẽ cố gắng làm kinh tế để dành tiền, thi tiếp vào ĐH KHXH&NV, Khoa Xã hội học. Thật là một chàng trai đầy nghị lực và giàu lòng hiếu nghĩa

Hải Yến
.
.
.