Phạm nhân Trại giam Thanh Lâm trước ngày đặc xá:

Mong mỏi được sớm làm lại cuộc đời

Thứ Hai, 10/08/2015, 08:15
Từ khi có Quyết định của Chủ tịch nước và hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2015, kế hoạch triển khai thực hiện công tác đặc xá của Bộ Công an, Giám thị Trại giam Thanh Lâm đã giao trách nhiệm cụ thể cho từng ủy viên trong Hội đồng đặc xá của trại, niêm yết công khai Quyết định của Chủ tịch nước, tiêu chuẩn, điều kiện được đặc xá năm 2015 của Hội đồng tư vấn đặc xá tại các hội trường học tập và các nhà giam, buồng giam của phạm nhân.

Hằng ngày, vào thời gian từ 18h đến 19h30 cán bộ giáo dục các phân trại, khu sản xuất đọc trên loa truyền thanh nội bộ của trại về đối tượng, điều kiện được xét đề nghị đặc xá, chính sách đặc biệt được ưu tiên, trường hợp không đề nghị đặc xá theo Quyết định của Chủ tịch nước và hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2015 để phạm nhân biết và liên lạc với gia đình gửi các thủ tục cần thiết cho việc xét duyệt.

Cán bộ Trại giam Thanh Lâm hướng dẫn phạm nhân tìm hiểu tiêu chí đặc xá năm 2015.

Đặc biệt, đối với các phạm nhân có đủ điều kiện trong hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá, nhưng chưa thực hiện xong hình phạt bổ sung, trại sẽ tạo điều kiện cho tiếp tục thực hiện, sau đó trại sẽ lập danh sách đề nghị Hội đồng đặc xá xét duyệt.

Tiếp đó, đơn vị tổ chức cho từng đội phạm nhân họp, cán bộ quản giáo phụ trách đội duy trì thảo luận kỹ các điều kiện, tiêu chuẩn được hưởng đặc xá để phạm nhân tự liên hệ với bản thân, sau đó giới thiệu những phạm nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn được xét đặc xá, tiến hành cho đội phạm nhân bỏ phiếu kín. Kết quả bình bầu này kèm theo biên bản họp đội và có ý kiến đồng ý đề nghị đặc xá của cán bộ quản giáo phụ trách đội. Kết quả, trong đợt này, Trại giam Thanh Lâm có 350 phạm nhân đủ điều kiện đề nghị đặc xá.

Đại tá Phan Ngọc Việt, Giám thị Trại giam Thanh Lâm cho  biết: “Đặc xá là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội đang chấp hành án tại các Trại giam, không những mang tính nhân đạo, khoan hồng mà còn là tính nhân văn đối với người phạm tội. Từ đó Trại giam Thanh Lâm quán triệt và tổ chức thực hiện hết sức nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan, minh bạch trong toàn thể cán bộ chiến sỹ và phạm nhân để nhận thức đầy đủ, đúng với chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về đặc xá tha tù trước thời hạn. Kiên quyết không để sót lọt, tiêu cực xảy ra trong tổ chức thực hiện”.           

Trong những người vui nhất trong đợt đề nghị đặc xá lần này là 3 bố con anh Nguyễn Văn Phong, 44 tuổi trú ở thôn Chiều, xã Minh Tân, huyện Vụ Bản, Nam Định và hai con là Nguyễn Văn Thạch, 23 tuổi và Nguyễn Văn Đào, 24 tuổi. Cả 3 bố con đều lớn lên dưới lũy tre làng, chỉ biết làm ruộng, trồng rau kiếm sống, chưa va chạm với ai bao giờ. Thế nhưng, trong một cơn nóng giận vào đêm 30 Tết, cả 3 bố con vướng phải vòng lao lí vì tội giết người. Anh Phong có vai trò đồng phạm nên mức án nhẹ nhất là 6 năm, Thạch bị kết án 7 năm, còn Đào là người trực tiếp gây ra cái chết của nạn nhân bị tuyên phạt 11 năm tù.

Thấm thoát đã hơn 4 năm từ đêm 30 Tết định mệnh đó, đêm 2/2/2011, cái đêm mà cả đời này không bao giờ bố con Phong quên được. Hôm đó, trong lúc đang đứng chơi chờ đón giao thừa thì Thạch và một số bạn khác bị hai thanh niên điều khiển xe máy chạy gần rồi rồ ga. Thấy thế, Thạch chửi đổng liền bị 2 thanh niên trên quay xe lại tát 1 cái. Thế là, gây gổ với nhau, hẹn đánh nhau. 2 thanh niên trên chạy về gọi đồng bọn, Thạch gọi thêm bố, anh trai và một số người nữa ra ứng cứu. Trong “cuộc chiến” giữa đêm giao thừa, Đào đã đâm chết anh Lê Thế Tùng, anh Phong và Thạch cùng một số đối tượng khác tham gia vụ án đều bị xử lí. Thế là nhà tan cửa nát, 3 bố con đón giao thừa ở trại tạm giam. Sau phiên xử phúc thẩm, 3 bố con được thi hành án ở Trại giam Thanh Lâm, được học tập, cải tạo để thấy rõ tội lỗi của mình.

Phạm nhân Nguyễn Văn Phong cho biết: “Đến trại, tôi được học tập về chủ trương, chính sách, nội quy và kỹ năng sống, sau đó được phân công về lao động, cải tạo ở Khu sản xuất số 1. Tôi được Ban Giám thị cùng cán bộ động viên yên tâm cải tạo, được tạo điều kiện cho gặp gia đình nên tôi không lo lắng, buồn chán nữa, quyết tâm cải tạo thật tốt để sớm được trở về. Khi biết tin cả ba bố con đều được xét đề nghị đặc xá theo quyết định của Chủ tịch nước, tôi cảm động lắm. Không ngờ, những người lầm lỗi như chúng tôi đã được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho sớm hoàn lương. Lần này, cả ba bố con đều may mắn được hưởng chính sách khoan hồng, tôi hứa khi trở về địa phương sẽ chấp hành tốt pháp luật, tôi sẽ phấn đấu làm việc để trở thành người cha tốt, làm tấm gương cho các con học tập, dạy bảo các con trở thành người có ích…”.

Ngày công bố đang đến rất gần, các phạm nhân ở Trại giam Thanh Lâm  lại có thêm một dịp để “ngộ” ra rằng, trở về không có nghĩa là “thoát” khỏi bức tường trại giam lạnh lẽo mà còn phải biết phấn đấu vượt qua lỗi lầm, mặc cảm của quá khứ để sống tốt. Ít hôm nữa thôi, họ được trở về lại là chính mình, được cầm trên tay tấm giấy Chứng minh nhân dân, công nhận quyền làm người thiêng liêng sau chuỗi ngày dài tu tâm cải tạo. Mong rằng, sau khi trở về các anh các chị sẽ không phụ  niềm tin và công sức ấy, sống xứng đáng và vươn lên làm lại cuộc đời.

Phương Thủy
.
.
.