Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương về đạo đức và tự học để học sinh noi theo

Thứ Tư, 05/09/2007, 08:17

Ngày 4/9, trong niềm vui chung của gần 22 triệu học sinh và sinh viên trong cả nước, thầy và trò Trường THCS Lê Quý Đôn (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã vinh dự được đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến dự lễ khai giảng năm học 2007-2008.

Đây là một trong bốn trường THCS có nhiều thành tích xuất sắc toàn diện, 3 năm liên tiếp được UBND TP Hà Nội tặng Cờ thi đua xuất sắc. Năm học vừa qua, hưởng ứng cuộc vận động "Hai không" của Bộ GD & ĐT, Trường THCS Lê Quý Đôn đã có những cải tiến mạnh mẽ về phương pháp giảng dạy và học tập, đẩy mạnh phong trào thi đua "Dạy thực chất, học thực chất" và đã đạt được những kết quả thực chất: 97,7% hạnh kiểm tốt và khá, 85,1% học sinh xếp loại văn hóa khá, giỏi, 96,3% học sinh lên lớp thẳng.

Tại lễ khai giảng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã biểu dương những cố gắng nỗ lực của thầy và trò Trường THCS Lê Quý Đôn, đồng thời Chủ tịch nhắn nhủ tới các thầy giáo, cô giáo, học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn nói riêng và học sinh cả nước nói chung: "Đất nước Việt Nam đang đứng trước thời cơ mới với nhiều điều kiện phát triển và khó khăn thách thức không nhỏ, vị thế của Việt Nam không ngừng nâng cao. Thế hệ trẻ Việt Nam đã và đang từng bước thể hiện vai trò của mình trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh chung ấy, ngành Giáo dục có vai trò hết sức quan trọng, cần phải nỗ lực mạnh mẽ, đổi mới toàn diện, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế".

Chủ tịch nước khẳng định, năm học mới này, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ chống tiêu cực và chống bệnh thành tích trong giáo dục. Các thầy giáo, cô giáo và cán bộ quản lý trong giáo dục cần nâng cao trình độ, bồi dưỡng lòng yêu nghề, tận tụy và sáng tạo trong công việc.

Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương về đạo đức và tự học để học sinh noi theo. Với các em học sinh, Chủ tịch nước mong muốn các em cố gắng chăm chỉ, siêng năng học tập và rèn luyện, có phương pháp học tập tích cực, kết hợp chặt chẽ giữa học với hành để kiến thức của mình thực sự có ích cho bản thân các em và đất nước…

* Hôm nay, 5/9, gần 22 triệu học sinh và sinh viên sẽ bước vào ngày khai giảng năm học mới 2007-2008. Năm học này, quy mô học sinh ngày càng tăng, trong đó giáo dục mầm non dự báo là 3.284.000 học sinh, giáo dục phổ thông là 16.279.000 (cấp tiểu học - 6.995.000, THCS - 6.100.000 và cấp THPT - 3.184.000).

Hệ trung cấp chuyên nghiệp có 710.000 học viên, hệ ĐH, CĐ là 1.694.000 sinh viên. Mỗi cấp học bước vào ngày tựu trường với những thành tích đáng khích lệ. Toàn quốc đã thanh toán hết xã trắng về mầm non. Có khoảng 65% số tỉnh thực hiện chi 10% tổng kinh phí giáo dục cho hệ mầm non và hiện đã có 252 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 250 trường so với năm học trước, trong đó chương trình kiên cố hoá trường học đã góp phần đáng kể tăng số phòng học (Thanh Hóa tăng 389 phòng, Phú Thọ tăng 335 phòng, Hòa Bình tăng 200 phòng, Đồng Nai tăng 197 phòng, Gia Lai tăng 165 phòng…).

Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm liên tục, đến nay chỉ còn 10% diện đại trà, các cơ sở mầm non về cơ bản đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ. Giáo dục tiểu học đã triển khai rà soát điều chỉnh chương trình nhằm đảm bảo liên thông giữa các cấp học, đồng thời ban hành bộ chuẩn kiến thức, kỹ năng cho từng môn học ở từng lớp.

Đặc biệt, kết quả đào tạo ở từng cấp học trong năm học vừa rồi đã cho thấy một không khí thi cử, học tập, giảng dạy thực chất hơn nhiều. Chỉ riêng cấp THCS theo thông tin của Bộ GD & ĐT thì về hạnh kiểm, xếp loại tốt đạt 63,92% (giảm 0,42% so với năm trước), loại trung bình, yếu đều tăng; về học lực thì loại giỏi chỉ đạt 10,4% (giảm 1,48%) và loại yếu đạt 13% (tăng 5,61%)…

Ngày khai trường, mỗi cấp học xác định cách riêng hưởng ứng và thực hiện cuộc vận động "Hai không". Cấp tiểu học sẽ đẩy mạnh tiến độ phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia một cách thực chất; các đơn vị đã đạt chuẩn phải rà soát để công nhận lại đảm bảo phản ánh đúng tình hình thực tế ở thời điểm đã kiểm tra.

Cấp THPT cần phân tích kỹ kết quả thi tốt nghiệp vừa qua, xác định nguyên nhân tỷ lệ đạt thấp hoặc chưa cao, đề xuất các biện pháp đồng bộ đối với cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Việc đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra, đánh giá giáo viên; việc dạy thêm, học thêm theo quy định của UBND các tỉnh, thành phố phải hướng vào mục tiêu khắc phục việc học sinh "ngồi nhầm lớp" và khuyến khích học sinh vươn lên khá, giỏi

Thu Phương
.
.
.