Mỗi năm hơn 6.000 người bị nạn do tai nạn lao động

Chủ Nhật, 09/12/2012, 15:08
Ngày 8/12, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức hội nghị Tổng kết 18 năm thi hành pháp luật về An toàn, vệ sinh lao động và định hướng triển khai đến năm 2020.

Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có cố gắng trong chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), bảo vệ sức khoẻ người lao động, nhưng việc vi phạm pháp luật về ATVSLĐ vẫn còn khá phổ biến, dẫn đến tình trạng tai nạn lao động nghiêm trọng và diễn biến phức tạp.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tai nạn lao động có xu thế tăng nhanh, từ 840 trường hợp năm 1995 lên đến 3.405 trường hợp năm 2000 và lên tới 6.337 trường hợp năm 2007.

Năm 2011 đã xảy ra 5.896 vụ tai nạn lao động làm 6.154 người bị nạn, trong đó có 574 người chết. Số liệu thống kê báo cáo này chủ yếu được thu thập từ các doanh nghiệp lớn. Vì vậy, còn rất nhiều trường hợp tai nạn và tử vong chưa được thống kê tại nơi làm việc của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Giai đoạn 2001–2012, bình quân hằng năm xảy ra 6.000 vụ tai nạn lao động, làm hơn 6.000 người bị nạn, trong đó có khoảng 500 vụ tai nạn chết người, làm gần 600 người chết. Tai nạn lao động nghiêm trọng, tập trung nhiều trong lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản. Điển hình là các vụ tai nạn sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ năm 2008 làm 53 người chết; vụ nổ khí mê tan tại Mỏ than Mạo Khê làm 19 người chết, 12 người bị thương; vụ sập mỏ đá D3 công trình thuỷ điện Bản Vẽ (Nghệ An) năm 2007 làm 18 người chết và mới đây nhất, ngày 5/12 là vụ nổ xe bồn chứa gas tại Khu Công nghiệp Bắc Ninh làm 32 người bị thương.

Gần đây còn xuất hiện các vụ tai nạn lao động trong nông nghiệp, do người nông dân sử dụng ngày càng nhiều các loại hoá chất độc hại. Cứ 1.000.000 lao động nông thôn thì có 799 người bị tai nạn về điện, 856 người bị tai nạn do sử dụng máy móc, 1.700 người bị ảnh hưởng sức khỏe do thuốc bảo vệ thực vật. Đây là con số đáng báo động.

Theo kết quả điều tra của Cục An toàn lao động và một số ngành liên quan, số liệu thống kê tại các bệnh viện, cơ sở y tế thường nhiều gấp ba lần số liệu báo cáo về Bộ LĐ-TB&XH. Còn theo một số nhà chuyên môn thì số người chết do tai nạn lao động trên thực tế phải gấp 10 lần số liệu báo cáo.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cắt nghĩa, số vụ tai nạn lao động ngày càng nghiêm trọng là do số lượng doanh nghiệp tăng nhanh trong giai đoạn gần đây; công nghệ sản xuất ở nhiều ngành còn lạc hậu, nhất là các ngành có nhiều nguy cơ tai nạn và bệnh nghề nghiệp như sản xuất hoá chất, chế tạo, lắp ráp cơ khí hạng nặng. Bên cạnh đó, một bộ phận người sử dụng lao động chưa quan tâm đầu tư đúng mức đối với công tác ATVSLĐ, một bộ phận lao động chưa có ý thức tự bảo vệ mình, chế tài xử phạt còn nhẹ, có rất ít vụ tai nạn lao động nghiêm trọng bị khởi tố và truy cứu trách nhiệm hình sự nên tính răn đe còn hạn chế. Hệ thống luật pháp về ATVSLĐ tuy nhiều nhưng phân tán, chồng chéo, khó khăn trong việc thực thi.

Dự báo, giai đoạn 2013–2020 mỗi năm sẽ có khoảng 170.000 người bị tai nạn lao động với 2.000 người chết, gây thiệt hại trên 2.000 tỷ đồng mỗi năm.

Từ thực trạng trên, Bộ LĐ-TB&XH và các ngành chức năng đã đặt ra các vấn đề cấp bách cần giải quyết mạnh mẽ trong giai đoạn 2013–2020, đó là: Ngăn chặn sự gia tăng tai nạn lao động, đặc biệt là các vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết nhiều người trong lĩnh vực xây dựng, khai khoáng; tăng cường giám sát ô nhiễm môi trường lao động, từng bước cải thiện điều kiện lao động, xây dựng văn hoá ATVSLĐ, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu; đồng thời nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động, đặc biệt là khu vực làng nghề, nông nghiệp…

Thu Phương
.
.
.