Mô hình cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả

Thứ Hai, 20/01/2014, 14:14
Mô hình câu lạc bộ (CLB) “Bạn giúp bạn” và “S-A” của Ðoàn thanh niên phường Gia Viên, quận Ngô Quyền, Hải Phòng đã giúp đỡ hàng chục người cai nghiện sạch (không còn tái nghiện, thời gian cai nghiện thành công tương đương với thời gian nghiện). Đến nay, đã có trên 30 người nghiện cắt cơn thành công, có việc làm, tránh xa tệ nạn ma túy.

Bí thư Đoàn phường Gia Viên Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, phường Gia Viên là địa bàn đông dân cư, có nhiều ngõ thông lộ, dân cư hầu hết là lao động phổ thông. Gần đây không ít thanh niên trong độ tuổi lao động không có công việc ổn định nên đã mắc các loại tệ nạn xã hội gây mất ANTT. Trước tình hình trên, năm 2003, CLB "Bạn giúp bạn” - với mục đích giúp người nghiện cắt cơn tại cộng đồng. Ban chủ nhiệm CLB là các đoàn viên, thanh niên trong phường đã xuống từng gia đình có người nghiện động viên, thăm hỏi.

Ban đầu, những người nghiện tỏ ra không hợp tác, lẩn tránh. Sau nhiều lần kiên trì thuyết phục, những người nghiện đã đồng ý nói chuyện. Ban chủ nhiệm câu lạc bộ đã tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt phong phú như: tại các buổi sinh hoạt, các thành viên đã cởi mở nói về việc vấp vào tệ nạn này và quyết tâm cai nghiện để tạo sự tự tin và đồng cảm giữa các thành viên. Để các thành viên của CLB không mặc cảm, Ban chủ nhiệm CLB đều đưa các thành viên tham dự các hoạt động của phường như: diễn văn nghệ, cắt băng rôn chào mừng các ngày lễ lớn... Khi các bạn giúp nhau tự cai tại gia đình, Ban chủ nhiệm CLB thay nhau đến hỗ trợ. Hình thức cai nghiện của CLB là “cai bo” (không sử dụng thuốc cắt cơn). Thời gian cai dao động từ 3 - 7 ngày, thậm chí từ 15 - 20 ngày. Người nghiện sẽ phải chịu những cơn vật vã, đau đớn của cơ thể. Trong những ngày này, các thành viên CLB thay nhau giúp các bạn. Những ai từng trải qua cảm giác vật vã do cắt cơn mới thấy được quá trình cai nghiện gian nan thế nào. Do thiếu nghị lực và sự kiên trì nên nhiều người cắt cơn không thành công.

Một buổi sinh hoạt của CLB.

Đến năm 2006, đoàn phường thành lập thêm CLB S-A (viết tắt của Save Aids - hỗ trợ những người có HIV/AIDS) giúp đỡ những người sau cai hoà nhập cộng đồng và hạn chế tái nghiện. Hai câu lạc bộ này hoạt động song hành hỗ trợ lẫn nhau. Định kỳ 2 lần/tháng, gần 100 thành viên của CLB cùng tham gia sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm cai nghiện, kiến thức về phòng chống HIV/AIDS và những tâm tư, nguyện vọng. Sau một thời gian hoạt động, các thành viên trong CLB coi nhau như người thân trong gia đình, hỗ trợ nhau cai nghiện thành công. Ngoài các buổi sinh hoạt định kỳ, các thành viên CLB sử dụng nhà riêng của các thành viên làm nơi cắt cơn. Được sự hỗ trợ, động viên của các lực lượng chức năng, một số thành viên đã mở quán bún riêu, mua xe máy chạy xe ôm, mở quán nước... Nhận thấy hiệu quả hoạt động của những mô hình này, nhiều gia đình ở Hà Nội, Ninh Bình... đã đăng ký cho người thân đến sinh hoạt.

Sau một thời gian sinh hoạt, nhiều thanh niên đã vượt lên chính mình, đoạn tuyệt với ma túy, trở thành người có ích cho xã hội. Điển hình, anh Phạm Ngọc Tân, 47 tuổi, người mắc nghiện nhiều năm đã đoạn tuyệt với ma túy chia sẻ: trước đây, do ham chơi, bạn bè rủ rê nên tôi đã mắc nghiện. Tôi từng nhiều lần tự cai ở nhà nhưng đều không thành công. Do không vượt lên được hoàn cảnh, tôi bị người thân, bạn bè xa lánh, kỳ thị nên càng lún sâu vào ma túy. Năm 2003, tôi được chính quyền địa phương, Công an, đoàn thanh niên phường hỗ trợ cai nghiện tại gia đình. Ban đầu, khi đoàn viên phường Gia Viên tìm đến nhà, mình lẩn tránh. Cảm động trước sự nhiệt tình vận động, thuyết phục của các bạn nên tôi đã thay đổi thái độ và tham gia CLB. Tôi nhận thấy giá trị đích thực của cuộc sống nên quyết tâm cai nghiện, làm việc có ích để chuộc lại lỗi lầm gây ra. Sau khi cai nghiện thành công tôi được Công an phường, chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ vợ tôi có chỗ bán hàng ổn định, các con có điều kiện đến trường học. Đồng thời, đoàn thanh niên phường khuyến khích tôi tham gia chăm sóc hỗ trợ những người cai nghiện tại địa phương. Anh Tân dùng chính ngôi nhà của mình làm nơi để các bạn cắt cơn...

Năm 2006, Tân được tín nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hội LHTN phường kiêm Phó chủ nhiệm CLB “S-A”. “Lúc đầu tôi bỡ ngỡ, chưa biết thế nào là công tác xã hội. Được sự động viên của Công an phường, tôi tham gia các lớp tập huấn và được Đoàn thanh niên phường tặng một chiếc xe đạp để đi làm. Là người từng sử dụng ma túy, tôi hiểu những mất mát to lớn về kinh tế, về hạnh phúc gia đình và tác động đến ANTT. Vì vậy, chúng tôi đã dành nhiều thời gian tiếp cận, giúp đỡ các bạn đã có thời gian sử dụng ma túy”. Theo anh Tân, từ bỏ ma tuý là quá trình rất khó khăn, nhưng nếu có sự động viên, tin tưởng của gia đình, những người xung quanh và sự quyết tâm của người nghiện thì khó khăn nào cũng vượt qua được

Đăng Hùng
.
.
.