Miễn một nửa phí học nghề cho HS tốt nghiệp THCS

Thứ Ba, 15/09/2009, 14:55
Nâng cao chất lượng chương trình đào tạo nghề nghiệp, xác định nguyên tắc đào tạo theo nhu cầu và hướng tới đào tạo có địa chỉ; thực hiện chính sách ưu đãi tối đa cho học sinh học nghề, học TCCN. Học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN được miễn một nửa học phí.

Mỗi năm có khoảng 400.000 học sinh tốt nghiệp THPT chưa tiếp tục học, học sinh bỏ học và trượt tốt nghiệp chưa được đào tạo nghề, tạo ra sự lãng phí lớn cho xã hội. Đó là con số được Bộ GD&ĐT công bố tại Hội thảo trực tuyến về các giải pháp phân luồng và hướng nghiệp học sinh sau THCS và THPT vừa được tổ chức tại 6 điểm.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, trong 2 năm học 2006-2007 và 2007- 2008, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT tương ứng là 69% và 70,7%. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp vào học trong các cơ sở dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) rất thấp.

Năm 2007- 2008, tỷ lệ vào học nghề chỉ chiếm 2,5%, học TCCN chiếm 1,8%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS không tiếp tục học trong 2 năm học trên tương ứng là 19,1% và 17,5%. Thực tế cho thấy, học sinh tốt nghiệp THPT thường tham dự thi ĐH, CĐ, nếu không đỗ những trường này mới chuyển sang học nghề, học TCCN.

Năm học 2006 - 2007, cả nước có khoảng 129.000 học sinh tốt nghiệp THPT nhưng không vào học trong các cơ sở đào tạo nghề; năm học 2007 - 2008 là 156.000 em. Cộng cả số học sinh tốt nghiệp THPT chưa tiếp tục học với số học sinh bỏ học và trượt tốt nghiệp, con số lên tới gần 400.000 học sinh hàng năm. Nếu những học sinh này được học nghề từ sớm thì sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, tiền của.

Sẽ tiết kiệm được cho xã hội rất lớn khi học sinh được phân luồng và định hướng nghề nghiệp từ sớm.

Một thực tế đáng báo động là hiện có 18% học sinh tốt nghiệp THCS không học gì tiếp theo. Con số này ở cấp THPT là 17%. Cá biệt, một số tỉnh có tỷ lệ học sinh học xong THCS không tiếp tục học khá cao như Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Bình có tỷ lệ năm sau cao hơn năm trước. Như vậy, cơ cấu lao động trong độ tuổi 20 của nước ta hiện nay có 31% vào học ĐH, CĐ, 32% học nghề, phần còn lại hơn 34% là không học gì.

Ngay như đợt tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua, Hà Nội là địa phương có phổ điểm cao nhất nhưng vẫn có một nửa học sinh dự thi có điểm dưới trung bình. Nếu được phân luồng tốt sẽ tiết kiệm được cho xã hội rất lớn.

Bà Trần Thị Cúc, Phó trưởng Phòng GDTX-GDCN Sở GD&ĐT Lai Châu cho biết: Việc phân luồng học sinh sau THCS và THPT là việc làm tương đối khó và không mấy hiệu quả. Học sinh và phụ huynh còn rất thờ ơ, không coi trọng giáo dục nghề nghiệp, tư vấn hướng nghiệp từ trong nhà trường phổ thông. Điều quan trọng là học sinh tốt nghiệp trường nghề rất khó xin được việc làm. Tỷ lệ phân luồng học sinh THCS vào học TCCN trong tỉnh rất thấp chính là do công tác phân luồng học sinh chưa được quan tâm, thiếu cơ chế thu hút học sinh vào học các cấp học này.

Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh An Giang cho rằng học sinh tốt nghiệp THCS được tuyển vào trường phổ thông là 70%, số còn lại vào học tại trung tâm GDTX không nhiều do học phí cao, học chương trình này không được miễn nghĩa vụ quân sự. Tỷ lệ học sinh vào các trường TCCN cầm bằng xin việc làm chỉ được công nhận bằng nghề nhưng trình độ văn hóa không được xem tương đương như bằng tốt nghiệp THPT. Hướng nghiệp tại các trường phổ thông rất hạn chế: chương trình giảng dạy chưa phù hợp với điều kiện vùng, miền; số tiết thực hành quá ít.

Tại hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Bộ GD&ĐT đã đưa ra các phương hướng, giải pháp để đạt được mục tiêu phải thu hút được 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN và học nghề từ năm 2010 đến 2020. Để đạt được mục tiêu này thì toàn xã hội phải chăm lo cho công tác hướng nghiệp.

Đặc biệt, doanh nghiệp phải cùng vào cuộc, mỗi doanh nghiệp là một đơn vị hướng nghiệp. Sắp tới sẽ rà soát lại chương trình hướng nghiệp phù hợp với địa phương. Các cơ sở đào tạo phải công bố tỷ lệ tốt nghiệp có việc làm. Nếu đạt tỷ lệ trên 30% là đào tạo theo nhu cầu, đơn đặt hàng thì Nhà nước mới chấp nhận đầu tư kinh phí.

Nâng cao chất lượng chương trình đào tạo nghề nghiệp, xác định nguyên tắc đào tạo theo nhu cầu và hướng tới đào tạo có địa chỉ, tăng cường đào tạo theo đặt hàng; tạo cơ hội việc làm cho người học; thực hiện chính sách ưu đãi tối đa cho học sinh học nghề, học TCCN. Học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN được miễn một nửa học phí. Có dự báo về nhu cầu xã hội trong đào tạo nghề từ đó tăng quy mô và có cơ cấu hợp lý

Thu Uyên
.
.
.