Miền Trung gồng mình chống mưa lũ

Thứ Tư, 29/10/2008, 09:32
Mưa lớn kéo dài suốt trong 2 ngày 27, 28 đã khiến TP Quảng Ngãi chìm trong biển nước. Đến chiều ngày 27/10, mực nước trên các sông ở Quảng Ngãi đều đã lên mức báo động 3. Tại các huyện miền núi, mưa lớn vẫn đang hoành hành đã làm cho nhiều tuyến đường bị chia cắt, xe cộ không thể lưu thông.
Trên tuyến đường tỉnh lộ 626 đi Tây Trà, tại km 51+200, một khối lượng đất đá sạt lở từ trên núi cao đã gây tắc đường, hiện vẫn chưa thể khai thông.

Theo ông Tô Cước, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây thì trên địa bàn huyện hiện đã có hai xã bị cô lập hoàn toàn do tắc nghẽn đường vì sạt lở gồm xã Sơn Lập và xã Sơn Tịnh. Ngoài ra, do mưa lớn, núi lở đè xuống làm sập hoàn toàn 2 ngôi nhà ở trung tâm huyện Sơn Tây. Rất may vụ sạt lở đã không gây thương vong về người.

TP Quảng Ngãi chìm trong biển nước. Ảnh nhỏ: Đường Hồ Chí Minh bị sạt lở đoạn đi qua tỉnh Quảng Nam.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn huyện Tây Trà, tại tổ 9, thôn Trà Ong, xã Trà Quân đang xuất hiện một vết nứt trên núi dài 100m, sâu 1m, rộng hơn 0,5m, khiến 18 hộ dân đang phải di dời. Huyện Tây Trà hiện còn 133 hộ dân với trên 800 nhân khẩu đang nằm trong vùng sạt lở cần di dời. 6/9 xã ở huyện Tây Trà mất thông tin liên lạc và bị cô lập do sạt lở đường, gây ách tắc giao thông.

Riêng huyện Trà Bồng, UBND huyện Trà Bồng đã đưa lương thực thực phẩm dự trữ đến hầu hết các xã trong huyện để kịp thời cứu đói cho dân (mỗi xã cấp phát 5 tấn gạo và các nhu yếu phẩm khác), tuy nhiên hiện còn xã Trà Hiệp vẫn chưa nhận được gạo dự trữ do tuyến đường Trà Bồng - Trà My bị  sạt lở.

Đáng lo ngại là 60 hộ dân nằm trong vùng núi nứt ở thôn Trà Lạc, xã Trà Lâm (Trà Bồng), mặc dù đã được di dời đến nơi ở mới nhưng một số hộ dân đã quay trở về chỗ ở cũ sinh sống.

Đến 16h chiều nay, nước ngập cục bộ đã xảy ra ở TP Quảng Ngãi. Các tuyến đường trong thành phố như Hùng Vương, Lê Trung Đình, Nguyễn Thụy... nước lênh láng, nhiều điểm ngập sâu gần 0,5m. 

***

Đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh miền Trung & Tây Nguyên: Nhiều vị trí bị sạt lở

Trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum… bị sạt lở ta-luy dương, ta-luy âm, hạ lưu cống…

Theo thống kê, tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Quảng Nam đất đá sạt lở ta-luy dương 10.163,27m3, trong đó đất lấp rãnh dọc 318,19 m3, tắc giao thông tại 10 vị trí; sạt lở ta-luy âm 5 vị trí, tại Km 1360+450 sạt lở hạ lưu cống dài 15m, sâu 10m hàm ếch vào dưới 3 tấm bê tông xi măng rộng 4m.

Công ty QL&XDĐB Quảng Nam - Đà Nẵng chỉ đạo các Hạt QLQL trực thuộc điều động máy móc, nhân lực hốt sụt đảm bảo giao thông bước 1 để thông xe, đồng thời đang tiến hành kè rọ đá tại các vị trí sạt lở ta-luy âm, hạ lưu cống để tránh xói lở tiếp. Đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn tỉnh Kon Tum đoạn từ Km1415+800-Km1446+500 bị sạt lở nhiều vị trí.

Tại Km1415+800 sụt lở ta-luy dương, đất đá chảy tràn mặt đường, Km1418+550 sụt lở ta-luy dương, đất bùn lấp rãnh dọc và lề đường, Cầu Đăk Chè (Km1414+810) sạt lở  nón mố M2 phía hạ lưu, Cầu Cạn 4 (Km1421+482) sạt lở bờ chài ta-luy mố M3…

Hiện tại Công ty cổ phần QL&XDĐB Kon Tum đang tích cực xử lý các vị trí sụt lở đảm bảo an toàn cho công trình giao thông và đảm bảo giao thông như xây ốp mái ta-luy nền đường 22,90m2; kè rọ thép 7 vị trí/155 rọ; hốt đất bùn 772,50m3; đất đắp 5m3; thông cống 24,00m3

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Đăk Nông do mưa lớn kéo dài ngày, gây hư hỏng cục bộ nền đường, mặt đường QL14 bị sình lún, gây mất ATGT. Theo thống kê, có 7.497,75m2 khối lượng mặt đường bị sình lún như tại Km 754-Km757 bị sình lún 811,00m2; Km742 - Km746 bị sình lún 804,00m2

Hiện tại Công ty QL&SCĐB Đắk Lắk đang khắc phục đảm bảo giao thông bước 1: Đào bỏ kết cấu móng mặt đường bị hư hỏng, chiều sâu từ 30 - 40cm, làm lớp cấp phối đá dăm dày TB10cm đảm bảo bằng phẳng, êm thuận, làm lớp móng đá ba, lu lèn chặt dày từ 25 - 35cm… đảm bảo ATGT trên tuyến

Thừa Thiên - Huế: Nhiều trường học, nhà dân bị lốc lớn cuốn phăng

Rạng sáng 28/10, liên tiếp hai đợt dông lốc dữ dội xảy ra tại địa bàn xã Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đợt lốc đã làm 4 phòng học và một phòng chức năng của trường Tiểu học Phú Đa I và 1 nhà mẫu giáo, 13 ngôi nhà dân bị cuốn bay mái; hàng trăm cây cối, cột điện bị gãy đổ. Tuy vậy, không có thiệt hại về người.

Gần 200 học sinh tiểu học và mẫu giáo tại Phú Đa đã phải nghỉ học trong ngày do hậu quả của cơn lốc.

(Công Bình)

Quảng Nam: Mưa lớn, nước đang lên, 1 người chết

Sáng 28/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tiếp tục có mưa lớn trên diện rộng. Tại các địa phương miền núi, hiện tượng sạt lở đất và lũ quét xảy ra nhiều nơi. Tại huyện Tây Giang, hầu hết các tuyến đường về các xã khu vực biên giới đều sạt lở nghiêm trọng gây ách tắc giao thông, với tổng khối lượng đất đá sạt lở vùi lấp khoảng 14.000m3.

Mưa lũ đã làm cho 1 người dân ở huyện Bắc Trà My bị thiệt mạng. Nạn nhân là bà Hồ Thị Ây (60 tuổi, trú thôn 1, xã Trà Nú - huyện Bắc Trà My). Ngay trong ngày 27/10, UBND huyện Bắc Trà My đã hỗ trợ gia đình nạn nhân 1,5 triệu đồng và 50kg gạo, đồng thời vận động người dân hỗ trợ mai táng bà Ây.

(Nguyễn Khôi)

Bình Định: Hơn 2.000 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm

Hiện TP Quy Nhơn có 1.997 hộ dân với 7.970 người nằm trong vùng xung yếu như vùng ngập trũng, vùng dân cư có nguy cơ sạt lở và nhà ở không an toàn cần phải di dời khi có lũ, lụt, gió bão xảy ra.

Được biết, UBND TP Quy Nhơn đã chi 114 triệu đồng để mua 86.000 bao cát cấp phát cho các phường, xã phục vụ cho công tác phòng chống lụt bão năm 2008.

(Đông Hải)

Tiến Công - Trấn Ánh
.
.
.