Mâu thuẫn với em, sinh chuyện để kiện chị

Thứ Ba, 25/08/2009, 16:33
Từ khi vợ chồng ông Khương mua hàng của em trai bà Mười rồi quỵt nợ thì giữa gia đình ông Khương và bà Mười phát sinh mâu thuẫn. Gia đình ông Khương cho rằng bà Mười lấn chiếm đất nhà mình và đi khiếu kiện khắp nơi.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mảnh đất Gò Nổi (Điện Bàn, Quảng Nam) đã phải hứng chịu hàng tấn bom, đạn huỷ diệt của kẻ thù; song người dân đất này vẫn trụ bám "một tấc không đi, một ly không rời", một lòng theo cách mạng, Đảng và Bác Hồ.

Gia đình bà Phạm Thị Mười (53 tuổi), trú ở thôn Hoà Giang, Điện Trung, Điện Bàn, là một trong số gia đình có công với cách mạng, bám trụ quê hương trong suốt thời kỳ chiến tranh khốc liệt; cha, mẹ, anh, em đã ngã xuống vì những trận bom B52 của giặc. Anh Phạm Viết Sự, anh trai của bà Mười, là cán bộ An ninh huyện Điện Bàn, trong một chuyến công tác cũng bị giặc sát hại, quăng mất xác.

Bà Mười kể: Ngay sau ngày giải phóng miền Nam, bà đã cùng nhiều người dân Gò Nổi khai hoang mảnh đất đã bị giặc Mỹ một thời biến thành "vành đai trắng". Công việc khai phá đất, bà cũng đã nhiều lần cuốc đụng mìn, đạn M79, nhưng may mắn thoát chết...

Nhận thấy gia đình bà Mười có nhiều công lao đóng góp cho cách mạng, bản thân bà đã bỏ công sức khai phá đất hoang nên những người lãnh đạo chính quyền xã Điện Trung ngày đó đồng ý cấp cho mảnh vườn với tổng diện tích 727m2 để dựng nhà ở. Mảnh vườn ấy, ngoài con đường trước mặt nhà, nó còn bị kẹp một bên là con đường, một bên là mảnh đất của bà Phạm Thị Ngọc Hợp. Sau đó, bà Hợp chuyển nhượng đất lại cho vợ chồng ông Lê Hữu Khương và bà Huỳnh Thị Niệm.

Ông Khương đang trình bày với HĐXX tại phiên tòa phúc thẩm.

Bà Mười lắc đầu buồn bã: "Tui sống với bà Hợp và vợ chồng ông Khương, bà Niệm trong tình làng, nghĩa xóm, thân ái chan hoà. Thế nhưng, vợ chồng ông Khương mua đồ tạp hoá và phân bón của em trai tui là Phạm Viết Tấn rồi quỵt nợ thì mâu thuẫn phát sinh. Mâu thuẫn này xuất phát từ vợ chồng ông Khương và họ đã hành hạ tui tốn nhiều công sức đi hầu kiện...".

Qua tìm hiểu được biết, bà Huỳnh Thị Niệm hiện đang là Hiệu phó của một trường mẫu giáo ở xã Điện Quang. Lẽ ra, với những hiểu biết của mình, bà Niệm khuyên chồng không nên làm những chuyện trái với đạo đức, lương tâm, gây mất tình đoàn kết bà con lối xóm. Nhưng, ngược lại, bà Niệm cùng ông Khương cố tình quỵt nợ số tiền lớn khi mua hàng hoá, phân bón của em trai bà Mười. Chính quyền và Công an xã Điện Trung xử lý, anh Phạm Viết Tấn đưa ra đầy đủ bằng chứng sổ nợ nên vợ chồng ông Khương, bà Niệm phải mang tiền trả lại.

Quỵt nợ bất thành, ông Khương bèn gửi đơn đến TAND huyện Điện Bàn khởi kiện bà Mười làm sân phơi, xây quán lấn đất vườn nhà mình. Ngày 21/5, TAND huyện Điện Bàn đưa vụ án ra xét xử, cho biết: Các cơ quan chức năng đã đo đạc thực tế, xác định, so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đã được UBND huyện Điện Bàn cấp, diện tích đất ông Khương thiếu 97,57m2, còn diện tích đất của bà Mười thiếu 89,35m2.

Việc cả hai hộ đều thiếu hụt đất vườn là do khi thực hiện theo Nghị định 64/NĐ-CP, con đường lớn phía trước lô đất chưa mở rộng, nâng cấp thành đường bê-tông. Bên cạnh đó, chính tự tay ông Khương đã đứng ra thi công hàng rào có trụ bê tông, lưới B40, ngăn cách giữa hai khu vườn nhà bà Mười và nhà ông Khương. Từ đó, bác đơn khởi kiện của ông Khương cho rằng bà Mười làm hàng rào, xây quán lấn sang vườn nhà ông ta 23,4m2.

Tuy nhiên, vợ chồng ông Khương vẫn không chịu nhận ra lẽ đúng, sai. Ông Khương kháng cáo lên TAND tỉnh Quảng Nam để xét xử phúc thẩm lại vụ án. Ngày 13/8, tại phiên xét xử phúc thẩm, ông Khương vẫn không đưa ra được bằng chứng nào chứng minh bà Mười lấn đất vườn của mình. Còn những người dự phiên toà đều xúc động khi nghe bà Mười kể lại những năm tháng chiến tranh trụ bám quê hương, gánh chịu bao hy sinh, mất mát, đau thương... Ai nấy đều thở dài, giá như vợ chồng ông Khương hiểu rằng, gia đình họ và bà Mười đều bị mất đất vườn, sai lệch diện tích so với sổ đỏ là do chính quyền địa phương làm đường lấy bớt đất, thì đâu đánh mất tình làng, nghĩa xóm; đâu phải làm cho những người từng sống trụ bám trong chiến tranh trên vùng đất Gò Nổi như bà Mười phải đau lòng.

Mặt khác, từ vụ án này cho thấy, chính quyền cấp cơ sở đã thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết sự việc mâu thuẫn, khiếu kiện giữa hộ ông Khương và bà Mười. Nếu ngay từ đầu, họ phân tích cho vợ chồng ông Khương hiểu rõ sự tình; sửa lại diện tích đất vườn ghi trong sổ đỏ của hộ ông Khương và bà Mười cho đúng diện tích đất thực tế, tính toán trả lại số tiền thuế đất mà hai hộ này đã nộp dư trong thời gian qua, thì sự việc không phải bé xé to…

Long Vân
.
.
.