‘Máu rừng’ vẫn không ngừng chảy

Chủ Nhật, 28/02/2016, 15:06
Trong những năm gần đây, liên tục những vụ phá rừng với quy mô lớn, nhiều cây gỗ thuộc hàng quý hiếm, có tuổi đời hàng trăm năm bị xẻ thịt không thương tiếc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn phá rừng hiện nay. “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, chỉ vì lợi nhuận trước mắt, nhiều cá nhân đã triệt hạ đại ngàn không thương tiếc.


Những ngày đầu năm, thông tin về số lượng gỗ quý Sa Mu vô chủ được phát hiện ven đường ở huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) đã khiến nhiều người giật mình. Cụ thể, vào ngày 14-2, tại bản Buộc Mú, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, người dân phát hiện hai đống gỗ và một đống củi được tập kết ngay ngắn, che chắn sơ sài bên vệ đường, đoạn dẫn lên đỉnh núi Pù Xai Lai Leng. 

Theo quan sát, những tấm gỗ này có khổ lớn, còn tươi mới và không có dấu búa của lực lượng chức năng. Thống kê sau đó cho thấy, số gỗ này có khoảng 30 đường hoành (dùng để làm nhà ở) được xẻ vuông vắn, hàng chục tấm ván xẻ mỏng, có chiều rộng tầm 6m và 3 tấm dong có chiều rộng gần 1m, dài khoảng 2m.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về việc xuất hiện số gỗ vô chủ này bên đường, huyện Kỳ Sơn đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm lực lượng kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ và Công an huyện phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, xác minh và xử lý thông tin. 

Cây Sa Mu dầu cổ thụ bị “xẻ thịt” sát biên giới Việt - Lào.

“Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện, tịch thu toàn bộ số gỗ này với khối lượng gần 10m³. Đây là gỗ Sa Mu, bị người dân khai thác trên các cánh rừng của đỉnh Pù Xai Lai Leng để đưa về sử dụng trong gia đình”, ông Cao Văn Quỳnh, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn cho biết. 

Cũng theo ông Quỳnh, Kỳ Sơn là huyện biên giới rẻo cao, với diện tích rừng già lớn, giáp với nước bạn Lào nên công tác bảo vệ rừng gặp không ít khó khăn. Trong những năm qua, công tác bảo vệ rừng trên địa bàn đã được các đơn vị liên quan phối hợp làm tốt, tuy nhiên, xuất phát từ tập tục của đồng bào dân tộc thiểu số, sống dựa vào rừng nên vẫn còn xảy ra hiện tượng người dân lén lút vào rừng khai thác gỗ quý để mang về sử dụng trong gia đình. 

Trong năm vừa qua, các đơn vị liên quan đã phối hợp tổ chức tuần tra, xử lý tình trạng khai thác gỗ trái phép và đã tịch thu hơn 70m³ gỗ các loại. Cây Sa Mu là loại gỗ quý hiếm thuộc nhóm 2A, nghiêm cấm khai thác dưới mọi hình thức, tuy nhiên, do giá trị sử dụng và độ bền, đẹp của nó nên thực tế, trong những năm gần đây, cùng với Pơ Mu thì đây là loại gỗ bị khai thác tương đối nhiều.

Ông Nguyễn Quốc Minh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn cho biết thêm, gỗ Sa Mu chủ yếu bị người dân địa phương lén lút khai thác để mang về làm nhà, dù đã có nhiều biện pháp, từ tuyên truyền, giải thích đến nhắc nhở, phạt hành chính nhưng công tác ngăn chặn vẫn gặp không ít khó khăn. 

Mới đây nhất, vào ngày 15-2, hai người dân ở xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) là Lỳ Bá Cả và Vừ Bá Sở lén lút chở theo một số lượng gỗ Pơ Mu, Sa Mu đã được xẻ thành tấm ngay ngắn trên hai xe ôtô, một xe mang biển số Lào và xe BKS 37V-0631 về xuôi. 

Nhóm “lâm tặc” triệt hạ 3 gốc Sa Mu dầu ở biên giới huyện Quế Phong (tháng 7-2015) lĩnh án 19 năm tù.

Khi đang chạy trên quốc lộ 7A, đoạn qua địa phận huyện Con Cuông thì bị Trạm Kiểm lâm cơ động Khe Choăng, thuộc Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng chống cháy rừng số 1 Nghệ An phát hiện, bắt giữ. Với số lượng gỗ khoảng 3m³, không có dấu búa của kiểm lâm cũng như giấy tờ chứng minh nguồn gốc nên toàn bộ tang vật, phương tiện liên quan đã bị tạm giữ để xử lý theo quy định.

Cũng không riêng gì địa bàn huyện Kỳ Sơn, trong vài năm gần đây, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An liên tục xảy ra vấn nạn khai thác rừng, đe dọa trực tiếp đến môi sinh, môi trường tự nhiên.

Tại địa bàn huyện Quế Phong, sau vụ việc phát hiện, bắt giữ 5 đối tượng khai thác trái phép hơn 200m² gỗ Sa Mu dầu ở khu vực biên giới Việt – Lào vào tháng 7-2015, hai tháng sau đó, vào ngày 27-9, tại xã Quang Phong, tổ tuần tra của Công an huyện Quế Phong đã mai phục, bắt giữ và thu được 133 tấm gỗ Pơ Mu thành phẩm, chiều dài hơn 2m, rộng 27cm, dày 9cm. Số gỗ này sau khi khai thác, được vận chuyển lén lút bằng đường sông đến bãi tập kết, khi đang chuẩn bị bốc lên xe đưa đi tiêu thụ thì bị phát hiện, bắt giữ. Đối tượng đã bỏ lại tang vật và phương tiện để thoát thân.

Trước đó, vào cuối tháng 7-2014, lực lượng Kiểm lâm huyện Tương Dương phối hợp với Bộ đội Biên phòng Tam Hợp và lực lượng bảo vệ rừng phòng hộ tuần tra kiểm tra rừng khu vực biên giới phát hiện việc khai thác gỗ trái phép tại 5 quả đồi liền kề. Qua kiểm tra, có 50 gốc chặt cưa thành 60 lóng gỗ tròn gồm Pơ Mu và gỗ Dổi cùng 46 tấm gỗ Pơ Mu đã được xẻ thành phẩm, tổng khối lượng lâm sản là 156,768m³.

Ông Hoàng Quốc Việt, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Nghệ An cho biết: Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên và diện tích rừng lớn nhất cả nước. Toàn tỉnh có hơn 874.000 ha diện tích đất có rừng, độ che phủ là 53% với số lượng xã có rừng là 359 xã. Do vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp không ít khó khăn, nhất là đối với các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. 

Trong năm 2015, các lực lượng chức năng của Nghệ An đã tuần tra, kiểm tra, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, qua đó phát hiện và bắt giữ gần 500 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu hơn 1.000m³ gỗ tròn, xẻ các loại. Riêng Phòng Cảnh sát môi trường Công an Nghệ An, từ đầu năm đến nay đã bắt giữ và xử lý 28 vụ, 35 đối tượng, thu giữ gần 230m³ gỗ cùng nhiều phương tiện và tang vật phục vụ cho việc vận chuyển và khai thác lâm sản trái phép.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Viết Đường cho rằng, để xảy ra tình trạng phá rừng tại một số địa phương trên địa bàn trước hết là do công tác quản lý, bảo vệ rừng ở một số địa phương còn lỏng lẻo; trách nhiệm và ý thức của một bộ phận cán bộ thực thi công vụ chưa cao; sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa đồng bộ, cập nhật thông tin chưa kịp thời. Nhiều vụ việc đã bắt giữ nhưng xử lý còn nhẹ, chưa có tác dụng răn đe. 

Bởi vậy, để hạn chế vấn nạn phá rừng, ngoài việc cần tăng cường tuần tra, kiểm soát và cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ban, ngành liên quan, ngành Kiểm lâm cần tập trung làm tốt công tác kiểm kê rừng, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bàn giao rừng.

Thiên Thảo
.
.
.