Mất niềm tin là mất tất cả

Thứ Bảy, 14/02/2009, 12:47
Hơn một tuần sau Tết Kỷ Sửu, có một câu chuyện thời sự nóng bỏng và đau xót là ở nhiều địa phương, người ta phát hiện một việc làm vô cùng xấu hổ: bớt xén tiền của Chính phủ hỗ trợ người nghèo ăn Tết. Bây giờ phải nhắc lại sự kiện này, dẫu với tư cách là một công chức hay một nhà báo, lòng chúng tôi không thể không thấy đau đớn và xấu hổ.

Không xấu hổ sao được, khi mà ai cũng biết, ăn chặn, bớt xén tiền của người nghèo là những cán bộ, những "quan xã", những cán bộ thôn - những người lâu nay nói dẻo mồm hơn ai hết những từ "công bộc", những cụm từ "vì dân" và "do dân"…

Không xấu hổ sao được, khi Tết vừa qua, biết bao gia đình lâm vào cảnh túng quẫn, nồi cơm thiếu gạo, bàn thờ tổ tiên thiếu cả đến nải chuối xanh thờ phụng, nhiều đứa trẻ chỉ mong một bữa no, chưa nói đến "thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ", vậy mà một số "công bộc" của dân ở sát nhà dân mà vẫn nhắm mắt làm ngơ để tìm mọi cách "xà xẻo", bớt xén tiền của Chính phủ cho dân.

Dân gian có câu "một miếng khi đói bằng gói khi no", nhưng hành vi ăn chặn cả khi dân đói, ăn chặn của nhà nghèo thì phải gọi đó là tội ác không thể tha thứ.

Hỗ trợ tiền cho người nghèo ăn Tết là một chủ trương vô cùng nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Trong lúc kinh tế đất nước hiện tại đang gặp muôn vàn khó khăn giữa một thế giới đang trên đà khủng khoảng trầm trọng, vì thấu hiểu gia cảnh ngày Tết của hàng vạn nhà nghèo trong cả nước, Đảng và Chính phủ ta đã trích hơn 2.100 tỉ đồng giúp bà con đón Tết.

Mong muốn của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta là để tất cả những con dân nước Việt ai ai cũng được phút giây mỉm cười đón xuân sang, ai ai cũng có thể mua thẻ hương, nải quả thắp cho linh hồn ông bà, tổ tiên theo nghi thức truyền thống Tết Nguyên đán, để không ai bị tủi thân, lạnh lẽo trong phút giao thừa.

Vậy mà, đáng xấu hổ làm sao, người ta đã tìm cách ăn chặn, "ách" số tiền tình nghĩa ấy. Lại càng đáng xấu hổ hơn khi những hành vi ăn chặn tiền của người nghèo lại diễn ra trên địa bàn nhiều tỉnh, cả những tỉnh có truyền thống từng chia ngọt sẻ bùi như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Nam, Gia Lai, Trà Vinh…Và, rất có thể danh sách những hành vi táng tận lương tâm ấy còn dài nữa nếu tới đây, các cơ quan thanh tra phát hiện ra theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ.

Hẳn mọi người còn nhớ câu chuyện Bác Hồ bí mật đi thăm một gia đình nghèo ở Hà Nội đêm giao thừa năm 1960. Hôm đó, theo lời Bác dặn chuyến đi phải bất ngờ, không được báo trước cho Thành ủy Hà Nội, các chiến sĩ cảnh vệ đã bí mật đưa Bác đến thăm gia đình chị Tín ở phố Hàng Chĩnh.

Lúc Bác cải trang đến, bàn thờ chồng của chị Tín không có gì ngoài nải chuối xanh, chỉ còn mấy phút nữa là đến giao thừa mà chị vẫn còn đi gánh nước thuê. Thấy Bác tới, chị Tín quẳng vội gánh nước chạy đến cầm tay Bác mà khóc: "Bác cũng đến thăm gia đình chúng cháu ư?". Bác Hồ đã nghẹn ngào nói một câu nói giản dị thể hiện tầm cao chân lý và tấm lòng thương dân của Bác, của Đảng ta, của Nhà nước ta: "Bác không đến thăm cô thì thăm ai!".

"Bác không đến thăm cô thì thăm ai!" Câu nói của Bác đến năm 2009 này đã gần 50 năm. Và Tết Kỷ Sửu này, hơn 2.100 tỷ đồng mà Đảng và Nhà nước hỗ trợ người nghèo trong cả nước đón Tết là sự tiếp nối tự nhiên tấm lòng thương dân, vì dân của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cả nước từng có ngày "Vì người nghèo" do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khởi xướng, cả nước đã có hàng ngàn địa chỉ từ thiện của báo chí và doanh nghiệp, hàng vạn nhà hảo tâm, hàng triệu tấm lòng vàng…Tất cả đồng tâm, chung tay góp nhặt từng đồng bạc một để cùng Nhà nước lo cho người nghèo. Tất cả đều thắp sáng lên ngọn lửa truyền thống của dân tộc "Bầu ơi thương lấy bí cùng"; "Lá lành đùm lá rách"; "Thương người như thể thương thân"…

Vậy mà có địa phương, có cán bộ cấp cơ sở đã đi ngược lại truyền thống dân tộc và chỉ đạo nhân văn của Chính phủ. Họ táng tận lương tâm ăn chặn tiền Tết của người nghèo. Hành vi ấy là "ăn cướp" của dân, là phá hoại chủ trương của Đảng, Nhà nước, làm suy giảm lòng tin của người dân với chế độ. Vì thế, hành vi ấy phải được trừng phạt kịp thời và nghiêm minh để người dân càng tin Đảng, xã hội càng trong sạch. Bởi như một hiền triết từng nói mất tiền bạc là mất ít, mất danh dự là mất nhiều, mất niềm tin là mất tất cả…

Hồng Thái
.
.
.