Mất nhà cửa vì tin cò lao động

Thứ Hai, 25/05/2009, 11:32

Sau nhiều ngày phải lánh nạn để tránh bị "xiết nợ", nhóm người lao động quê tại Bắc Giang đại diện cho 37 lao động bị lừa đảo xuất khẩu lao động (XKLD) đi Hàn Quốc đã tìm đến Tòa soạn Báo CAND để tố cáo.

Uất ức, phẫn nộ và tuyệt vọng đó là tâm trạng chung của những lao động đã nộp gần 15.000 USD (khoảng 200 triệu đồng) cho các đối tượng trung gian, môi giới. Cầm cố nhà cửa, vườn tược ở quê, sau gần 2 năm vay nợ, giờ đây những lao động này đã phải trốn tránh không dám về quê vì sợ người thân, chủ nợ tìm tới đòi nợ...

Theo lời trình bày của những lao động này thì khoảng đầu năm 2008, họ đã được bà Vũ Hồng Đ., ở Trung Hòa - Cầu Giấy - Hà Nội giới thiệu xuống Trường Trung cấp nghề An Dương - Hải Phòng để XKLĐ đi Hàn Quốc.

Theo lời bà Đ. thì với những lao động trường này do ông H - một lãnh đạo của Cục Quản lý lao động ngoài nước tổ chức. Chính vì vậy những lao động này rất yên tâm tin tưởng đặt vấn đề nhờ bà Đ. giúp đỡ.

Tiếp theo, bà Đ. yêu cầu mỗi người lao động phải nộp trước một bộ hồ sơ và đặt cọc từ 1.000-2.000 USD để làm thủ tục, đồng thời tiền học nghề là 3.500.000 đồng/người. Đầu tháng 2/2008, những lao động này được bà Đ. dẫn xuống Trường Trung cấp nghề An Dương để ký hợp đồng và được đi khám sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn - Hà Nội.

Đến khoảng giữa tháng 2/2008, những lao động này lại tiếp tục được bà Đ. dẫn xuống Trường Trung cấp nghề An Dương để tập trung. Tại đây, những lao động này đã gặp nhiều lao động ở các đoàn khác và vợ chồng ông bà Nguyễn Thị Oanh - Nguyễn Quán Khải (người tự nhận là ông H. - lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước). Những người lao động được yêu cầu phải đóng tiếp 1.000 USD/người gọi là tiền "chống trốn" và tiền học định hướng 3 ngày tại trường. Tiền đặt cọc này do kế toán của ông bà Oanh, Khải trực tiếp thu.

Một số lao động bị lừa đang trình bày sự việc tại báo CAND.
Cũng thời gian này, bà Đ. lại tiếp tục thu của mỗi lao động từ 13.500 USD - 14.500 USD/người. Theo những lao động này cho biết thì tổng số người lao động có mặt tại đây thời điểm đó là 37 người. Sau khi ở đây ít ngày thì người lao động được hứa hẹn sẽ được đi theo chỉ tiêu của Công ty Thép POSSCO tại Vũng Tàu. Họ còn được ông Khải tuyên bố là vào đến Vũng Tàu chỉ 3-4 ngày sau là lao động sẽ có visa xuất cảnh, nếu không đi được vợ chồng ông sẽ hoàn trả lại tiền.

Cuối tháng 4/2008, những lao động này được đưa vào Vũng Tàu. Mỗi người được phát cho một chứng chỉ học nghề mặc dù chẳng được học ngày nào. Tự thuê chỗ ăn ở vật vờ tại Vũng Tàu nửa tháng, người lao động được một người tự xưng là làm việc tại Công ty Thép POSSCO đến đón đưa đi học nghề cơ khí. Trong vòng hai tháng ăn, ở tại TP Vũng Tàu, người lao động được đưa đi học ở rất nhiều nơi và liên tục thay đổi chỗ ăn ở.

Sau nhiều tháng lay lắt tại Vũng Tàu tiêu tốn thêm khá nhiều tiền chi phí sinh hoạt nhưng không được xuất cảnh, phát hiện mình đã bị lừa nên những lao động này đã quay về Hà Nội tìm tới bà Vũ Hồng Đ. để đòi tiền. Tuy nhiên, khi người lao động tìm đến đòi tiền, bà Đ. cho biết đã nộp hết số tiền trên cho Trường Trung cấp nghề An Dương và vợ chồng ông bà Oanh - Khải (?!) Sau khi đòi mãi, đến nay bà Đ. mới trả cho một số lao động với số tiền khoảng 1.000 - 3.000 USD/người.

Những lao động này cho biết: Hiện tại, toàn bộ giấy tờ, hộ chiếu, hồ sơ, bằng cấp họ đã nộp hiện đang được bà Đ. giữ… Cùng với đơn tố cáo những người lao động này cũng đã gửi kèm theo những giấy tờ có liên quan như: Giấy ủy quyền, biên nhận… có đầy đủ số tiền, chữ ký của người lao động cũng như chữ ký của bà Đ.

Cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc

Sau khi tiếp nhận những tố cáo trên, phóng viên Báo CAND đã làm việc với Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV - Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội).  Lãnh đạo đơn vị này cho biết: Cách đây ít lâu, Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV cũng nhận được đơn tố cáo của một người dân đối với bà Đ. liên quan đến việc nhận tiền để lo thủ tục đi xuất khẩu lao động, sau đó không trả lại.

Cuối năm 2008, tại cơ quan Công an, bà Đ. thừa nhận việc đã giữ số tiền trên đồng thời xin bồi hoàn lại cho nguyên đơn - người viết đơn tố cáo bà Đ. Kế đó, chính người đứng đơn tố cáo này đã có đơn bãi nại gửi đến Công an quận Cầu Giấy… Lãnh đạo đơn vị này cho biết, theo như bà Đ. trình bày thì bà cũng là nạn nhân bị các đối tượng khác trong vụ việc này và hiện bà đã có đơn gửi đến Công an TP Hải Phòng và Cục CSĐT tội phạm về TTXH (Bộ Công an). Riêng những trường hợp tìm đến Báo CAND kêu cứu thì hiện Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV vẫn chưa nhận được đơn tố cáo, phản ánh.

Tìm hiểu thêm về hành vi lừa đảo xuất khẩu lao động này, chúng tôi được biết: Trên thực tế số đối tượng có liên quan đến đường dây này khá nhiều hiện trú tại Hà Nội, Hải Phòng... Đây là một vụ lừa đảo XKLĐ có số tiền lớn, rất mong các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để điều tra, làm rõ

Xuân Luận - Trần Huy
.
.
.