Những người bị khốn khổ vì dám nói ra sự thật

Mất ăn mất ngủ vì bị tố cáo ngược

Thứ Bảy, 28/09/2013, 13:02
Sau khi góp ý thẳng thắn với lãnh đạo cơ quan, bà Vũ Thị Hương, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp Quảng Ninh bất đắc dĩ phải giải trình nhiều vấn đề do có đơn tố cáo gửi đến Sở. Suốt một thời gian dài bà suy nghĩ mất ăn mất ngủ, nhất là khi phải giải trình những vấn đề liên quan đến cuộc sống riêng tư. Để bảo vệ mình và tìm sự công bằng, bà Hương đã gửi đơn tới Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy phản ánh dấu hiệu sai phạm trong giải quyết đơn thư cũng như một số tiêu cực khác của lãnh đạo cơ quan mình.

Tháng 5/2013, tại phiên họp Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh, sau khi nghe Đoàn kiểm tra báo cáo kết quả dấu hiệu vi phạm đối với ông Phạm Thanh Phong, Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Ninh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã có kết luận về những sai phạm của ông Phạm Thanh Phong.

Theo Thông báo số 86-TB/UBKT TU của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Phong là người đứng đầu cấp ủy đã có thiếu sót về việc bổ nhiệm cán bộ chưa đúng quy định; chưa chỉ đạo làm rõ và xử lý theo quy định đối với hoạt động của Văn phòng công chứng Uông Bí khi hoạt động chưa đúng với Giấy đăng ký cấp phép. Kết luận cho thấy, ông Phong "Thiếu trách nhiệm của người đứng đầu trong việc định hướng quan điểm phát ngôn với báo chí liên quan đến thư tố cáo tại đơn vị khi giao nhiệm vụ cho cấp phó. Thiếu trách nhiệm trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo đối với Chánh Thanh tra Sở Vũ Thị Hương không đúng quy trình quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 20 Luật Tố cáo năm 2011. Thiếu kiểm tra, đôn đốc để xảy ra việc thanh, quyết toán không đúng quy định…". Từ kết luận trên, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu huỷ bỏ quyết định bổ nhiệm cán bộ đã làm chưa đúng để thực hiện quy trình bổ nhiệm theo quy định, thu hồi số tiền thanh toán không đúng quy định về ngân sách Nhà nước…


>> Giám đốc chống tham nhũng - Doanh nghiệp chênh vênh bên bờ vực

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh là kết quả bước đầu trong quá trình chống tiêu cực của bà Vũ Thị Hương. Trước đó, bà Hương đã từng có ý kiến thẳng thắn đối với lãnh đạo của mình là ông Phạm Thanh Phong theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Bà Hương cho biết: "Nhiều góp ý không trùng với ý kiến và mong muốn của lãnh đạo đã gây sự khó chịu. Việc góp ý công khai đã khởi nguồn cho một loạt rắc rối sau này xảy ra với tôi".

Đầu tiên là sự xuất hiện của lá đơn tố cáo của bà Trần Thị Chiến gửi tới Sở Tư pháp Quảng Ninh tố cáo bà Hương có quan hệ bất chính với một ông nguyên là giám đốc của một sở. Tiếp theo là bài báo tung ra dư luận cùng có ý kiến của đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp Quảng Ninh về đời tư của bà Hương. Ngay sau khi báo đăng, bà Hương đã có ý kiến phản hồi về việc báo đưa thông tin một chiều. Và cũng sau đó một thời gian ngắn, bà Chiến đã có đơn xin rút tố cáo. Tuy nhiên, lá đơn đầu tiên của bà Chiến đã như một cái cớ để bà Hương phải giải trình cuộc sống riêng tư của mình với lãnh đạo Sở Tư pháp Quảng Ninh. Đặc biệt, bà phải báo cáo rõ việc kết hôn đối với người chồng đã ly hôn. Nghiêm trọng hơn, bà còn bị yêu cầu làm rõ các thông tin liên quan đến nội dung đơn tố cáo về "quan hệ cha - con" của con trai bà.

Bà Hương nêu quan điểm: "Cuộc điều tra về đời tư của tôi giống như một vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng nhưng không đúng quy trình, không tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật. Trong khi đó, thời gian sinh con là thời gian tôi đang có chồng hợp pháp". Theo tâm sự của bà Hương, suốt một thời gian dài bà không có tâm trạng tốt để làm việc, cuộc sống của bà và hai con nhỏ bị xáo trộn nghiêm trọng. Thậm chí, chồng cũ của bà cũng bị cơ quan Công an gọi đến lấy lời khai. Ngoài việc giải trình đời tư, bà Hương còn phải giải trình về quá trình học tập, bằng cấp của mình… Công việc tại cơ quan của bà lúc đó cũng không được suôn sẻ. "Thời điểm đó, tôi phải nhờ người thân quan tâm, chăm sóc cho hai con chứ không còn thời gian, tinh thần để lo lắng cho các cháu" - bà Hương nói. Để bảo vệ mình, bà Hương đã làm đơn tới Tỉnh uỷ Quảng Ninh kêu cứu.

Bà Vũ Thị Hương.

Trò chuyện với tư cách là một cán bộ chứ không phải bằng vai trò của một Chánh Thanh tra, bà Hương tâm sự với chúng tôi, suốt thời gian hơn một năm qua bà sống trong khổ sở. Ở cơ quan, đồng nghiệp e ngại, xì xầm bàn tán, thậm chí có những người trước đó vốn thân gần với bà thì sau vụ việc xảy ra cũng giữ khoảng cách nhất định - "Tôi có cảm giác bị cô lập, bị bỏ rơi". Niềm vui lớn nhất của bà chính là hai đứa con. Tuy vậy, bà cũng không khỏi lo lắng: "Liệu sau này các con có hiểu cho mình không, hay là chúng lại có suy nghĩ tiêu cực khi có một bà mẹ suốt ngày liên quan đến kiện tụng?".

Đúng như đánh giá của ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong đấu tranh chống tiêu cực, những người tích cực thường dễ bị người tiêu cực tìm điểm yếu để bôi nhọ, làm mất uy tín. Bà Hương đã ly hôn, một mình nuôi hai đứa con, đây chính là điểm yếu của bà mà người ta chọc vào đó nhằm làm mất uy tín, làm nhụt ý chí đấu tranh.

Dù đã có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, nhưng bà Hương vẫn chưa hài lòng và cho rằng, còn một số vấn đề bà tố cáo chưa được làm rõ. Bà tiếp tục gửi đơn kiến nghị tới Bí thư Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Lê Ngọc Thanh, Ủy viên Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, sau khi nhận được đơn tố cáo, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã thành lập Đoàn kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với ông Phạm Thanh Phong. Sau khi có kết luận, bà Hương tiếp tục gửi đơn khiếu nại, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã trình Thường trực Tỉnh ủy xem xét xử lý theo quy định của Đảng.

Dù phải trải qua quãng thời gian vô cùng khó khăn, mệt mỏi khi đấu tranh chống tiêu cực, nhưng dường như bà Hương vẫn có một tinh thần kiên quyết, không ngại khó. Nói về những điều kiện cần phải có trong hành trình đấu tranh chống tiêu cực, bà Hương cho rằng, muốn chống tiêu cực thành công thì yêu cầu đầu tiên là phải có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, đặc biệt là dám hy sinh lợi ích riêng tư, công việc, trên hết nữa là không sợ bị trù dập. Nhiều khi, việc đấu tranh chống tiêu cực còn ảnh hưởng tới chính những người thân của mình, gây rủi ro lớn cho gia đình.

Thực tế đã có rất nhiều người bị lãnh đạo cho nghỉ việc, điều chuyển công tác, không được tăng lương… Những vụ việc liên tiếp xảy ra từ Bắc đến Nam chỉ trong thời gian vài năm trở lại đây cho thấy tính chất phức tạp và khó khăn của việc chống tiêu cực ngay trong nội bộ một cơ quan, doanh nghiệp. Bởi vậy, rất cần một cơ chế khả thi bảo vệ người chống tiêu cực để khuyến khích, động viên họ vững bước trên con đường đấu tranh vì công lý.

* Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm của Bộ Công an đã thụ lý 367 vụ án, 840 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 230 vụ, 562 bị can, đã thu hồi nộp ngân sách Nhà nước trên 180 tỷ đồng.
*Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 278 vụ, 584 bị cáo về các tội danh tham nhũng. Trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,2%.

(Theo Báo cáo tóm tắt Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 của Chính phủ)

Việt Hà - Cao Hồng
.
.
.