Mạo hiểm mạng sống khi đi... du lịch

Thứ Tư, 26/02/2014, 15:31
Vấn đề không an toàn cho du khách tại các khu du lịch có trò chơi mạo hiểm đang thật sự báo động.

Bước ra khỏi cửa nhà để đi du lịch, dù là nội địa hay nước ngoài, bất kỳ người nào, gia đình nào cũng đều mong muốn được an toàn, thoải mái, thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh và thưởng thức những món ăn ngon lạ và tham gia vào những trò chơi giải trí mang lại sảng khoái tinh thần. Thế nhưng, tất cả những điều ấy có thể được như mong muốn hay không hoàn toàn phụ thuộc vào những đơn vị kinh doanh du lịch, lữ hành, dịch vụ ẩm thực, giải trí. Tại các khu du lịch sinh thái, tự nhiên, dã ngoại cả nước trong vài năm gần đây, đã xảy ra không ít những vụ tai nạn chết người rất thương tâm do công tác cứu hộ không bảo đảm và nhiều bất cẩn, đã khiến cho nhiều du khách rất lo ngại khi đi du lịch.

Không chỉ trẻ em mà người lớn đều háo hức với những chuyến du lịch, nghỉ lễ. Để chuyến đi trọn vẹn cần chú ý, phòng tránh những tai nạn thương tích có thể xảy ra như: Tai nạn sinh hoạt, phòng đuối nước, ngộ độc thực phẩm và phương tiện, thiết bị trang bị không an toàn. Có tai nạn xảy ra do khách quan và thiên tai, nhưng đa số tai nạn đối với du khách thường do chủ quan con người gây ra. Khi đã xảy ra chết người thì bắt đầu các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ, các cơ quan chức năng và người quản lý đổ lỗi cho nhau thành một điệp khúc dường như không bao giờ dứt.

Vài câu chuyện đã gây dư luận gần đây: Khoảng 14h ngày 22/02, chị Trần Thị Phượng, 24 tuổi, quê quán Bình Định là nhân viên một công ty tại TP Hồ Chí Minh, cùng nhóm bạn du lịch dã ngoại tại Khu du lịch dã ngoại sinh thái Bò Cạp Vàng (Nhơn Trạch, Đồng Nai), tham gia trò chơi “đu dây nhảy sông”. Khi cách bờ khoảng 40m, áo phao trên người rớt xuống, chị Phượng không biết bơi nên chết đuối nước. Có mặt tại hiện trường, nhiều du khách cho biết, sau khoảng 5 phút, một nhân viên cứu hộ nhảy xuống cứu nhưng được vài mét do nước sâu nên quay vào. Các nhân viên trên bờ nhảy xuống canô cứu hộ nhưng không nổ máy được. Phải hơn 20 phút sau, các nhân viên cứu hộ mới chạy được canô ra và cứu nữ du khách vào bờ sơ cấp cứu, nhưng nạn nhân đã tử vong.

Còn ông Nguyễn Việt Tiến (quản lý khu du lịch sinh thái Bò Cạp Vàng) trả lời báo chí rằng, sự cố xảy ra do sơ suất của nạn nhân do đu dây cáp ra sông đã quên cài áo phao và lúc nhảy áo phao đã rơi khỏi người. Giải thích việc cứu hộ bằng canô chậm chạp, ông Tiến cho biết nhân viên phụ trách có việc gấp nên xin về và khu du lịch chưa kịp bố trí người thay thế. “Khi hay tin, tôi điều động thêm nhân viên ra cứu nhưng nạn nhân đã không qua khỏi”?.

Liên tiếp trong thời gian qua, nhiều tai nạn làm chết người đã từng xảy ra tại Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương). Đầu tiên là vụ nữ du khách Nguyễn Thị Nến, 48 tuổi ngã từ xe lửa tham quan miễn phí chạy quanh khu du lịch do chen lấn đông người dịp Tết năm 2011 khiến nạn nhân tử vong. Tiếp đến là voi quật huấn luyện viên Đoàn Hữu Tài khi sơn chuồng khiến anh chết do chấn thương sọ não.

Trước đó, cũng xảy ra vụ 3 công nhân trồng cây gần chuồng nuôi hổ, bất ngờ một con hổ nhảy ra vồ chết anh Nguyễn Công Danh 47 tuổi và làm bị thương nặng anh Nguyễn Thanh Giàu. Đã có rất nhiều vụ tử nạn khách du lịch từ phương tiện cũ kỹ, bất cẩn gây ra cháy nổ, chìm tàu (Dìn Ký, Hạ Long, Hòn Chông, Cần Giờ), nhiều vụ khách tử nạn, mất tích vì các trò chơi mạo hiểm (lặn ngắm san hô, lướt ván, đu dây, vượt thác, trượt nước, nhảy dù, mô tô nước…) và đa số các vụ tai nạn nhiều nhất thuộc về đuối nước và các lực lượng cứu hộ không kịp thời, không trực sẵn, không trang bị đầy đủ, không đúng qui cách và thiếu các phao cứu sinh… đang thật sự là mối đe dọa an toàn đối với du khách.

Vấn đề không an toàn cho du khách tại các khu du lịch có trò chơi mạo hiểm đang thật sự báo động. Các cơ quan chức năng cần khẩn trương có những biện pháp kiểm tra, kiểm soát an toàn về cứu hộ, y tế, điều kiện thiết yếu để khách thật sự an tâm khi vui chơi giải trí và không còn tai nạn thương tâm xảy ra

Hoàng Châu
.
.
.