Mạnh tay xử lý vi phạm hàng không

Thứ Sáu, 22/07/2016, 07:55
Mặc dù chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, song việc xe xăng dầu đi vào khu vực hạn chế trong lúc có chuyên cơ đang đỗ tại cảng hàng không Đà Nẵng cho thấy, nhiều khâu giám sát, cảnh báo về an ninh, an toàn tại đây lỏng lẻo.

Từ vụ việc này nhìn rộng ra, ta cũng có thể thấy ở một vài sân bay khác, tình trạng tương tự cũng đã diễn ra. Bên cạnh đó, một bộ phận hành khách, người dân vẫn cố tình mang theo vật sắc nhọn trong người lên máy bay, thậm chí gây rối, không tuân thủ hướng dẫn của nhân viên hàng không. Điều này đặt ra vấn đề an ninh an toàn hàng không, không thể lơ là, mà cần siết chặt các khâu kiểm tra, giám sát và tăng cường xử phạt nghiêm vi phạm.

Nhiều trường hợp khách bị cấm bay vì vi phạm an ninh hàng không

Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không trong 6 tháng qua đã triển khai cấm vận chuyển có thời hạn bằng đường hàng không 20 trường hợp là hành khách đã có các hành vi vi phạm như cố ý tung tin sai về việc đánh bom sân bay, sử dụng giấy xác nhận nhân thân mang tên người khác để đi máy bay, không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng. 

Cũng trong 6 tháng đã phối hợp với Bộ Công an, hải quan kiểm tra phát hiện 2 vụ vận chuyển ngà voi từ nước ngoài về Việt Nam, 2 trường hợp hành khách mang theo chất bị nghi là ma túy khi làm thủ tục tại cảng hàng không, 1 trường hợp vận chuyển hàng hóa nghi là tiền giả.

6 tháng đầu năm đã xảy ra 77 vụ hành khách mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vật phẩm nguy hiểm trái quy định, trong đó có 69 vụ liên quan đến vũ khí công cụ hỗ trợ; 8 vật phẩm nguy hiểm khác. 

Cũng trong thời gian này, trên toàn quốc đã xảy ra 6 vụ tung tin hoặc cung cấp thông tin sai về việc có bom, vật liệu nổ. 5 vụ xâm nhập trái phép vào khu vực hạn chế cảng hàng không; 

12 vụ gây rối trật tự, đe dọa, hành hung nhân viên hàng không trong đó có 2 vụ xảy ra trên máy bay và 10 vụ xảy ra tại cảng hàng không, cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu. Số vụ vi phạm quy định về sử dụng giấy tờ đi máy bay, thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh hàng không cũng chiếm tới 40 vụ, diễn biến phức tạp quý sau tăng hơn quý trước.

Hơn 50% số vụ mất cắp trên máy bay là do khách lấy của khách

Liên quan đến việc trộm cắp tài sản, hành lý, hàng hóa, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không đã phát hiện, xử lý 27 vụ việc trộm cắp, chiếm giữ tài sản của hành khách để quên, trong đó 15 trường hợp là hành khách đi máy bay và 12 trường hợp là người lao động làm việc tại cảng hàng không. 

Cũng thời gian này, có 105 trường hợp hành khách khai báo mất tài sản trong hành lý ký gửi. Cụ thể, tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có 62 trường hợp; Cảng hàng không Đà Nẵng là 2 trường hợp; Cảng hàng không Tân Sơn Nhất 41 trường hợp. 

Công tác soi chiếu an ninh trước khi hành khách lên máy bay.

Trong đó, có 74 trường hợp hành khách đi các chuyến bay quốc tế về Việt Nam, 31 trường hợp hành khách đi chuyến bay trong nước (64 trường hợp hành khách khi đã rời khỏi sân bay gọi điện báo mất tài sản, 41 trường hợp hành khách khai báo mất tài sản khi nhận hành lý tại sân bay). Các hãng hàng không đã tiếp nhận khiếu nại của hành khách, kiểm tra và thực hiện chính sách đền bù theo quy định với tổng số tiền hơn 115 triệu đồng. 

Những trường hợp khiếu nại mất tiền hoặc mất tài sản nhưng không hao hụt trọng lượng, dữ liệu camera giám sát thủ tục vận chuyển hành lý không có bất thường thì không được hãng hàng không đền bù. 

Có 20 trường hợp khai báo mất tài sản trong hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không. Tất cả các trường hợp này đã được các đơn vị phục vụ hàng hóa phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, truy xuất hình ảnh camera giám sát, nhưng không có ghi nhận bất thường trong quá trình phục vụ.

Đánh giá về tình hình an ninh hàng không 2 quý đầu năm, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Sơn cho rằng, vụ việc hành khách vi phạm quy định về bảo đảm an ninh hàng không quý II tăng nhẹ so với quý I. 

Nhóm vụ việc hành khách gây rối và nhóm vụ việc xâm nhập trái phép vào khu vực hạn chế trong quý II vẫn xảy ra nhưng đã có phần giảm hơn quý I. 

Vị này cho biết thêm, vụ việc nhân viên kiểm soát an ninh hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện hành khách từ Bangkok (Thái Lan) đến TP Hồ Chí Minh và nối chuyến bay đi Nagoya (Nhật Bản) mang roi điện trong hành lý xách tay cho thấy nguy cơ tiềm ẩn đe dọa an ninh hàng không cũng có thể đến từ những hành khách nối chuyến trên các chuyến bay quốc tế qua Việt Nam, đồng thời vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam về an ninh hàng không và quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ. 

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam sau đó đã thông báo cho nhà chức trách sân bay tại Bangkok yêu cầu làm rõ quá trình kiểm tra soi chiếu an ninh hàng không, rút kinh nghiệm vụ việc. 

Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không tại các cảng hàng không, sân bay cần tiếp tục rèn luyện kỹ năng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ để phát hiện, ngăn chặn mọi vi phạm có thể xảy ra, Phó Cục trưởng Cục Hàng không nhấn mạnh. 

Lãnh đạo Cục hàng không cũng cho hay, từ nay đến cuối năm, nhằm tiếp tục đảm bảo vấn đề an ninh hàng không, ngoài việc tiếp tục thực hiện hoạt động kiểm soát chất lượng an ninh hàng không tại các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành đảm bảo chất lượng, kịp thời phát hiện và khuyến cáo, khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót; 

Cục Hàng không sẽ tổ chức huấn luyện nghiệp vụ giám sát an ninh hàng không cho cán bộ giám sát của cảng vụ, cho cán bộ của doanh nghiệp; triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng, chống mất cắp hành lý, hàng hóa vận chuyển đường hàng không; phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; hoàn thiện cơ sở hạ tầng đảm bảo an ninh hàng không, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra soi chiếu…

Phạm Huyền
.
.
.