Lý giải tội ác dưới lát cắt đạo đức xã hội

Chủ Nhật, 12/01/2014, 10:28
Với những vụ giết người, đằng sau bản án kết tội của tòa án, đằng sau sự đền tội của kẻ thủ ác là bản án lương tâm khó hàn gắn. Dưới lát cắt đạo đức xã hội, trọng án giết người không đơn thuần chỉ là việc cắt nghĩa nguyên nhân phạm tội một cách thuần túy, riêng rẽ giữa thủ phạm và nạn nhân. Nó đặt ra những vấn đề lớn hơn, sâu hơn về mối quan hệ giữa con người với con người trong môi trường, cộng đồng vốn được bao bọc bởi các lớp quan hệ xã hội, văn hóa, giữa yếu tố truyền thống và hiện đại.

Tại sao một bác sĩ vốn lấy nguyên tắc “lương y như từ mẫu” làm lẽ sống lại có thể hành động kiểu vô thức vứt xác phi tang? Tại sao tình phụ tử, mẫu tử vốn thiêng liêng, cao quý nhất lại có thể bị xóa sạch chỉ vì hành động khó lý giải từ đứa con dứt ruột sinh thành?

Theo Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, mỗi năm có khoảng 90% số vụ án giết người do các nguyên nhân xã hội (mâu thuẫn ái tình, mâu thuẫn tiền bạc, phân chia tài sản, các hiềm khích, trả thù cá nhân…), đặc biệt trong số các vụ giết người thì có 18-20% người thân trong gia đình giết nhau. Một số vụ giết người có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hành vi dã man, tàn bạo, gây xôn xao dư luận xã hội như giết nhiều người, giết đốt xác hoặc kèm theo các hành vi phạm tội khác như hiếp dâm, cướp tài sản…

Nguyên nhân xã hội rất đa dạng, nhưng đáng chú ý là nhiều vụ xuất phát từ mâu thuẫn thù tức, chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số các vụ án đã xảy ra. Đây là những mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt, cuộc sống trong nội bộ nhân dân, trong gia đình, giữa các băng nhóm tội phạm có tổ chức hoặc lưu manh côn đồ, đặc biệt không ít vụ chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt như va chạm giao thông, chỉ vì “cái nhìn đểu” hay sự trớ trêu như “chạm rượu mà không được đáp lại”…

Từ góc nhìn đạo đức xã hội, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Ủy viên thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, mỗi vụ trọng án như vậy cho dù có các nguyên nhân xã hội khác nhau nhưng xét tận cùng thì đều do sự xuống cấp của cái đức – vốn là điểm tựa để con người sống và hành động một cách có ý thức.

Thượng tọa nói: Ở nơi này hay nơi khác, những đổ vỡ của cái đức có thể từ một người bị hư hỏng từ tấm bé, nhưng cũng có khi bị tác động bởi tính bột phát, trong những tình huống cụ thể đã để lại hậu quả nghiêm trọng… 

- Thưa Thượng tọa, trước những vụ án gây rúng động dư luận gần đây như bác sĩ phi tang xác bệnh nhân xuống sông, rồi những vụ giết người, cướp của có tính chất man rợ, ca sĩ phòng trà hạ sát bạn gái trong phòng trọ… dư luận nói nhiều đến đạo đức con người. Trong một số phát biểu gần đây, Thượng tọa cũng có đề cập vấn đề đạo làm người trong xã hội hiện đại, vậy chúng ta cần giác ngộ điều này như thế nào?     

+ Làm cái gì, vị trí gì, trước hết phải làm người mà để làm người, xưa nay cha ông ta thường dạy phải có đức trung, đức hiếu, đức nghĩa. Đức trung với nước, đức hiếu với cha mẹ và đức nghĩa với nhân dân. Đó là đức mà cha ông thường dạy, khi con người ta thấm được những đức ấy thì trở thành những người tốt. Còn nếu bỏ những đức ấy tất mất gốc. Trước kia, các cụ nhà ta dạy ba, bốn đức, thậm chí con trẻ mới hơi biết nói đã đọc những câu ấy lên rồi, cho nên thấm từ bé những tư tưởng rất đạo đức, rất triết học của dân tộc. Cái đấy, nằm ở đạo, gọi là làm người, đạo của dân tộc.

- Nhìn từ góc độ đạo đức xã hội, Thượng tọa cắt nghĩa như thế nào về nguyên nhân phạm tội trong các vụ trọng án gần đây?

Hiện nay trong xã hội, và thảo luận tại Quốc hội, nhiều ý kiến đại biểu cũng rất bức xúc, truy nguyên nguồn gốc nẩy sinh những hành vi, nào là ngành y tế, nào ngành giáo dục, rồi văn hóa, kinh tế... Tức ngành nào cũng có chuyện này, chuyện kia mà thực ra là động đâu bung đấy. Thế thì gốc ở đâu, phải truy tìm nguyên cái gốc, còn nếu như chúng ta xử lý như thời gian trước thì gần như là đau đâu chữa đấy, rách đâu vá đấy thì rất khó có cái nhìn hoàn thiện. Cho nên bây giờ chúng ta phải tìm nguồn, kiểm tra lại tổng thể đạo đức của con người để ta biết được đang cần gì, ta bắt đầu bước đi từ đâu, xử lý đến từng giai đoạn nào, lúc ấy mới giải quyết được căn nguyên, cái mà các đại biểu nói là đạo đức xã hội xuống cấp. Tôi nhìn nhận góc độ xã hội và tâm tư của nhân dân, tâm tư các đại biểu, thấy rất trăn trở điều này.

- Những hành vi tội phạm khiến dư luận lo lắng gần đây liệu có phải do hệ quả của sự phát triển không cân đối giữa kinh tế và văn hóa, một biểu hiện của đạo đức xã hội hay là hệ quả khó tránh của sự phát triển, hội nhập?

+ Bất cứ sự phát triển nào, xã hội nào cũng có mặt trái của nó, kể cả nay mai chúng ta phát triển cao hơn bây giờ nhiều lần, mặt tư tưởng tinh thần và mặt vật chất kinh tế thì nó cũng có những mặt trái xảy ra. Nhưng tính chất nó sẽ khác, số lượng sẽ khác. Xưa, ta thường đổ cho một số tội phạm, một số hành vi là nhận thức kém hay không có học nhưng bây giờ ta thấy, nó xảy ra ở mức độ khác.

- Như vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, thủ phạm là người có học thức, lại được học tập, làm việc trong môi trường có tính giáo dục, kỷ cương nhưng khi để xảy ra hậu quả làm chết bệnh nhân lại hành xử bị xã hội lên án… 

+ Đúng như vậy. Vụ thẩm mỹ viện vừa rồi, bác sĩ đó giỏi, học vấn cao, đạo đức trước khi xảy ra đều được đánh giá tốt. Hay chuyện bệnh viện đưa ra các phiếu nhân bản xét nghiệm, rồi có vụ từ việc rất nhỏ mà cầm dao giết chết hai cháu bé. Rồi hiện nay, các vấn đề tham nhũng, đối tượng tham nhũng đâu phải nông dân, đâu phải những người ít học? Những việc như vậy giờ phức tạp, mức độ nghiêm trọng, chứ còn xã hội thì thời nào cũng có chuyện này, chuyện kia. Nhiều người băn khoăn về đạo đức xã hội là vì vậy và việc này cũng nằm trong đạo đức làm người. Nếu như vì nhỡ chân nhỡ tay, hay vì chuyên môn còn những hạn chế thì người ta cũng chia sẻ phần nào, chứ như vụ Cát Tường thì nó đã vượt qua ngưỡng suy nghĩ của mỗi người.

Hòa giải cơ sở có ý nghĩa quan trọng, ngăn chặn những mâu thuẫn có thể gây trọng án.

- Vậy theo Thượng tọa, chúng ta cần trở lại việc giáo dục đạo đức làm người từ đâu? Ở góc độ luật pháp, việc nghiêm trị bằng các bản án nghiêm khắc có ý nghĩa cảnh tỉnh, răn đe như thế nào?

+ Đây cũng là mặt trái của sự phát triển, vì không có sự phát triển nào chỉ mang lại tích cực mà không phát sinh những hậu quả. Có điều là chúng ta biết phòng ngừa, tạo ra môi trường tốt thì sẽ hạn chế được mặt trái. Cũng không thể coi nhẹ biện pháp nào.Với kẻ phạm tội, khi đã gây tội ác thì luật pháp phải nghiêm trị, điều đó cũng có ý nghĩa giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung. Để những kẻ khác nếu còn ý nghĩ đó biết nhìn vào phòng tránh. Nhưng như tôi nói, cái chính vẫn là trở lại sự giáo dục mang tính gốc rễ về đạo làm người. Chúng ta bắt đầu bằng sự giáo dục từ gia đình, nhà trường, rồi tới môi trường xã hội, để thấm từ bé những tư tưởng rất đạo đức, rất triết học của dân tộc ta. Phải biết trọng chính mình, rồi trọng người thì mới không có tư tưởng hại người được. Yếu tố môi trường quan trọng lắm, nếu một người mẹ luôn có lối sống, hành vi sai trái thì làm sao con cái của họ có thể phát triển một cách lành mạnh?

- Xin cảm ơn Thượng tọa!

Tôi cho rằng nguyên nhân của tình hình tội phạm phức tạp là do kinh tế còn nhiều khó khăn, số lượng người thất nghiệp tăng làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội, tác động tiêu cực từ văn hóa phẩm độc hại, trò chơi bạo lực, công tác quản lý mạng Internet chưa chặt chẽ, thiếu sự phối hợp trong công tác giáo dục giữa gia đình và nhà trường. Đặc biệt tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống trong xã hội đang là vấn đề đáng báo động. Công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn nhiều sơ hở, thiếu sót, làm phát sinh tội phạm…

Tôi đề nghị cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm…

(ĐB Bạch Thị Hương Thủy, Hòa Bình)

Tôi đề nghị tăng cường vai trò của chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội trong công tác nắm tình hình, tổ chức giáo dục thuyết phục số đối tượng như người có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy để họ có thái độ chấp hành pháp luật, nâng cao trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục thanh thiếu niên, nhất là đối với các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đua đòi ăn chơi... Hoàn thiện hệ thống pháp luật, như Luật sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự… Ví dụ như vấn đề xác định độ tuổi vị thành niên, ví dụ trách nhiệm của người vị thành niên phạm tội trong tình hình mới hay xử lý vấn đề tội phạm có tổ chức… Đồng thời phải tăng cường cho công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, phát hiện xử lý các vụ buôn lậu, tàng trữ các loại vũ khí mà tạo cơ hội cho gây án.

(ĐB Nguyễn Hữu Hùng, Tiền Giang)

M.Đăng
.
.
.