Lúng túng trước báo động đỏ ở đê Hải Phòng

Thứ Tư, 26/08/2009, 11:25
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, tình trạng xâm hại hành lang đê điều ở Hải Phòng đã đến hồi báo động đỏ. Bởi, có khá nhiều tuyến đê sông, biển của địa phương đang có nguy cơ bị sạt, trượt, mất ổn định do hành vi vi phạm Luật Đê điều của một số tổ chức và cá nhân…

Mặc dù TP Hải Phòng thời gian qua đã chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm minh, lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực này, nhưng xem ra, vẫn còn rất lúng túng, chưa có được biện pháp khả thi để mang lại hiệu quả lâu dài cho việc khắc phục những vi phạm này.

Dẹp trước, "bung" sau

Từ năm 2001-2006, các cơ quan chức năng ở Hải Phòng đã xử lý được 810/1.119 trường hợp vi phạm. Kế đó, 2 năm 2007-2008 xử lý 54/188 trường hợp và từ đầu năm 2009 đến nay, xử lý 16/53 trường hợp. Mặc dù vậy, vi phạm vẫn gia tăng. Tính đến hết tháng 6/2009, toàn thành phố vẫn còn 1.615 trường hợp vi phạm chưa được xử lý. Trong đó, nhiều trường hợp vi phạm ảnh hưởng lớn tới an toàn đê điều và hành lang thoát lũ.

Địa phương có nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng nhất là huyện Thủy Nguyên (14 trường hợp), kế đến huyện An Dương (10 trường hợp), quận Kiến An (9 trường hợp)…

Bờ sông Lạch Tray (Hải Phòng) bị sạt trượt nghiêm trọng do hành vi xâm hại, để chất tải quá nặng trên bãi sông.

Tại huyện Thủy Nguyên, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2009, trên địa bàn đã xảy ra hơn 20 vụ vi phạm Pháp lệnh Đê điều và Pháp lệnh Phòng chống lụt bão, chủ yếu là việc lấn chiếm trái phép hành lang an toàn đê, làm bãi chứa vật liệu như ở xã Lại Xuân; sử dụng bãi ven sông để làm cơ sở sản xuất, sửa chữa, đóng tàu như ở 2 xã Hợp Thành và Phù Ninh. Huyện này cũng đã tổ chức kiểm tra, xử lý, nhưng vẫn còn tới hơn 10 vụ chưa "hạ hồi phân giải"(!?).

Tương tự, tại huyện An Lão, ông Chủ tịch UBND huyện cho biết, địa phương mới đây đã lập tổ công tác đặc biệt, xử phạt 13 trường hợp vi phạm, thu nộp ngân sách 200 triệu đồng. Các hành vi vi phạm trên địa bàn chủ yếu là bơm hút cát trái phép, ảnh hưởng tới độ an toàn của đê. Theo ông, số vụ mới phát sinh còn lại sẽ tiếp tục được xử lý trong quý 3/2009.

Được biết, không chỉ chính quyền các địa phương, lực lượng Cảnh sát môi trường - Công an Hải Phòng vừa qua cũng đã phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm.

Điển hình là trường hợp Công ty TNHH Cường Thịnh Phát chất cát xung quanh 2 cột mốc biển báo đường thuỷ nội địa, che khuất tấm nhìn báo hiệu giao thông; xây kè đá sát bờ sông, lập bãi tập kết cát, sỏi, đá trên bãi bồi ven sông Cấm…

Có thể nói, hầu hết các trường hợp vi phạm đều do thiếu ý thức của các tổ chức, cá nhân. Họ coi thường kỷ cương luật pháp, đặt mục đích lợi nhuận kinh tế lên trên để đạt được bằng mọi giá. Trong khi đó, việc xử lý lại chỉ là phạt hành chính đơn thuần, thiếu kiên quyết. Vì thế, đã không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

Giải pháp nào kiểm soát, phòng ngừa hiệu quả?

Trao đổi với lãnh đạo chủ chốt và ngành chức năng một số quận, huyện có nhiều vụ vi phạm Pháp lệnh Đê điều, chúng tôi được bày tỏ quan điểm hết sức đồng tình với sự chỉ đạo của UBND thành phố, đó là phải tăng cường kỷ cương, lập lại trật tự quản lý trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, họ rất mông lung, thậm chí tỏ ra lúng túng không biết nên kiểm soát, phòng ngừa ra sao cho hiệu quả lâu dài, bền vững?

Theo chúng tôi, cần phải nhìn nhận một cách thực tế ở chỗ, Hải Phòng là thành phố đang tấp nập với hàng loạt những công trình xây dựng lớn, nhu cầu về vật liệu xây dựng là rất nhiều. Vì thế, việc cấm hoàn toàn mở các bến bãi ở ven sông, biển để khai thác và tập kết vật liệu là khó khả thi. Nên chăng, có thể mở một số bến bãi ở mỗi địa phương trên cơ sở quy hoạch và quản lý theo quy hoạch đó một cách chặt chẽ.

Việc quy hoạch này phải được khảo sát hết sức kỹ lưỡng về độ an toàn, để không gây nguy hiểm cho công trình đê, kè. Việc này, thành phố phải chủ trì, với sự tham kiến của các nhà khoa học, các cơ quan chức năng, thậm chí cần thiết lấy ý kiến đóng góp của người dân.

Về phía đơn vị, cá nhân được cấp phép khai thác, xây dựng bến bãi tập kết vật liệu, phải đảm bảo được các tiêu chí, trong đó có đầu tư lớn cho bảo vệ công trình đê, kè trong khu vực, đồng thời cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để sự cố xảy ra.

Làm được như vậy, không những chính quyền và các cơ quan chức năng quản lý, giám sát được, mà còn kéo được cả những tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh ở khu vực ven sông cùng vào cuộc để bảo vệ đê điều theo quy định pháp luật hiện hành

Lệ Thu
.
.
.