Bảo tàng hoạt động dịch vụ hỗ trợ:

Luật cho phép nhưng cần có quy định cụ thể

Thứ Hai, 12/07/2010, 12:45
Theo khoản 7, điều 48, Luật Di sản văn hóa sửa đổi và bổ sung năm 2009, bảo tàng có quyền tổ chức hoạt động dịch vụ phục vụ khách tham quan phù hợp với nhiệm vụ của mình, nhưng thực tế các bảo tàng vẫn vừa làm vừa… dè chừng cơ quan quản lý.

Tại buổi tọa đàm "Bảo tàng và các dịch vụ hỗ trợ" do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh và Cục Di sản văn hóa đồng chủ trì vào ngày 29/6 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh, đại diện khoảng 50 bảo tàng khu vực phía Nam đồng loạt lên tiếng khẳng định: Theo luật, họ có quyền được làm dịch vụ, trong đó có cả việc bán quà lưu niệm, cho thuê mặt bằng, phục vụ đám cưới…

Đây cũng là quy định vừa giúp bảo tàng thêm doanh thu, cải thiện đời sống cán bộ công nhân viên, vừa đáp ứng nhu cầu của khách tham quan bảo tàng như mua sắm, giải trí, ăn uống… Điều không bình thường là ở chỗ không riêng cơ quan quản lý, công chúng và ngay cả báo chí đều chưa ủng hộ hoạt động dịch vụ. Vì vậy, nhiều bảo tàng vừa hoạt động dịch vụ vừa dè chừng cấp trên thổi còi".

Bảo tàng chứng tích chiến tranh tại TP Hồ Chí Minh hấp dẫn nhiều khách tham quan một phần nhờ phát triển dịch vụ phù hợp. Ảnh: Khổng Hà.

Ông Phạm Chí Thân, Giám đốc Bảo tàng Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ rằng, khi quyết định cho dọn dẹp bãi rác, cỏ dại trong tán rừng trước biển thuộc di tích Bạch Dinh rộng 7ha cho tư nhân thuê mở quán cà phê, đơn vị thường xuyên bị cả Sở Tài chính lẫn Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thanh tra.

Thực tế, việc mở hoạt động dịch vụ tại bảo tàng thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả khả quan.

Tại TP Hồ Chí Minh, với 11 bảo tàng, cùng với việc bán vé vào cổng (trừ Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và Bảo tàng Tôn Đức Thắng không bán vé), việc tổ chức các hoạt động dịch vụ như bán sách, sản phẩm văn hóa, đồ lưu niệm, cho thuê địa điểm tổ chức hội thảo, hội nghị, làm nhà hàng, tổ chức đám cưới, phục vụ ăn uống, làm gallery, chụp ảnh, chỗ đỗ xe ôtô đã góp phần đáng kể vào việc tăng nguồn thu, đáp ứng một phần thu ngân sách, đồng thời hỗ trợ về nhiều vấn đề: hoạt động chuyên môn, chăm lo đời sống cán bộ, công nhân viên… Trong 3 năm trở lại đây, các bảo tàng tại thành phố đã thu hơn 48 tỷ đồng.

Đại diện Cục Di sản văn hóa, bà Lê Minh Lý, Phó Cục trưởng đã tiếp thu ý kiến và hứa sẽ sớm tham mưu với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để có các văn bản hướng dẫn cụ thể.

Tuy nhiên, cũng theo bà Lý thì bảo tàng là thiết chế văn hóa, khoa học và giáo dục phục vụ công chúng. Mọi hoạt động phải lấy công chúng làm trung tâm. Hoạt động kinh doanh cũng là để phục vụ công chúng, nhưng việc phát triển khả năng kinh doanh phải trên cơ sở phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của bảo tàng, phù hợp với tổng thể chung…

N.Nguyễn - A.Lê
.
.
.