Luẩn quẩn vòng xoáy “chạy trường”

Thứ Ba, 21/06/2011, 12:41
Cầm trên tay xấp hồ sơ của cậu con trai 26 tháng tuổi với giấy chứng sinh, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu phôtô có công chứng… chị T.Minh “canh” liên tục từ hồi tháng 5 tới giờ. Nhưng vẫn không tìm ra “cửa” nào để cho con vào trường. “Nhà ngay gần trường, có tới 17 lớp trên 2 tầng lầu thế mà con mình không có nổi 1 chỗ”, chị Minh nói.

Tới thời điểm này, tại TP Hồ Chí Minh, Phòng Giáo dục các quận bắt đầu công bố kế hoạch tuyển sinh vào các lớp đầu cấp. Vậy nên vấn đề được bàn bạc nhiều nhất trong mỗi gia đình có con trong độ tuổi này đang diễn ra hằng ngày, nhất là những gia đình có con vào lớp mầm non, tiểu học. Trọng trách nặng nề giao phó cho các bậc ông bà, bố mẹ. Làm sao phải nắm thông tin nhanh nhất về việc bán đơn, phát đơn tại các trường mà gia đình mong cho con cháu vào. Phát hiện thấy “đường vào” trường khó khăn, ngay lập tức phải có kế hoạch… “chạy”. Và thế mà chuyện chạy trường vào dịp đầu mỗi năm học lại rộ lên.

“Phát sốt” tìm trường mầm non

Đã  hơn 1 tháng nay tại khu vực quận Gò Vấp, phụ huynh có con trong độ tuổi 18 tháng tới 24 tháng tuổi như ngồi trên đống lửa vì không biết gửi con đi đâu để đi làm. Do chủ trương phổ cập trẻ 5 tuổi ra lớp hết nên chỗ học cho trẻ lứa tuổi “nhỡ cỡ” đều giảm lại. Trường Mầm non (MN) Anh Đào nằm trên mặt tiền đường Phan Văn Trị mới được đưa vào hoạt động đầu năm 2011, cơ sở khang trang tiện đường đi lại là niềm mơ ước của không ít phụ huynh có con nhỏ. Nhưng cả tháng nay, trước cổng trường vào các buổi sáng, nhiều phụ huynh tới rồi lại buồn bã ra về vì trường thông báo chỉ nhận đúng 28 cháu trong độ tuổi này. Còn lại ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi.

Cầm trên tay xấp hồ sơ của cậu con trai 26 tháng tuổi với giấy chứng sinh, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu phôtô có công chứng… chị T.Minh (ngụ tại Gò Vấp) cho biết chị được bà nội giao cho nhiệm vụ xin bằng được cho cháu cưng của bà vào được trường Anh Đào. Chị “canh” liên tục từ hồi tháng 5 tới giờ. Nhưng vẫn không tìm ra “cửa” nào để cho con vào trường vì không phải diện CNVC cũng chẳng quen ai “có thần có thế”. “Nhà ngay gần trường, có tới 17 lớp trên 2 tầng lầu thế mà con mình không có nổi 1 chỗ”, chị Minh nói.

Áp lực tuyển sinh đầu cấp lớp mầm non, tiểu học vẫn chưa có hồi kết.

Theo số liệu điều tra mới nhất của quận Gò Vấp, năm học 2011-2012 khối Mầm non tổng số trẻ ra lớp là 18.156 cháu. Trong đó nhóm nhà trẻ (18-24 tháng tuổi) là 2.924 cháu, khối Mẫu giáo (từ 3 tới 5 tuổi) là 15.232 cháu. Nhóm 5 tuổi là 5.700 cháu. Thế nhưng theo Phòng GD quận do dân số Gò Vấp mỗi năm luôn tăng vì nhiều người dân nơi khác đổ về, số trẻ mỗi năm theo đó cũng tăng nên một lớp MN khối mẫu giáo tại Gò Vấp hiện nay đã có từ 45 tới 50 cháu/lớp.

Đã quá tải so với quy định là 35 cháu/lớp nên quận không biết làm sao. Cả quận chỉ có 17 trường công MN nên riêng số trẻ 5 tuổi quận cũng chưa nhận được hết. Trong “nhóm nhà trẻ” dành cho các cháu trong độ tuổi 18- 24 tháng tuổi mỗi trường công chỉ nhận được 1 lớp và chỉ có 2 trường là Anh Đào và Hồng Nhung được phép tuyển. Như vậy trong số 2.924 cháu thuộc nhóm nhà trẻ năm nay sẽ có rất nhiều phụ huynh không có chỗ cho con vào trường công lập.

Trao đổi với chúng tôi vào chiều 14/6, bà Bùi Thị Minh Nguyệt - Trưởng phòng GD Mầm non - Phòng GD Gò Vấp cho biết: “Biết là phụ huynh rất bức xúc nhưng trường lớp trong quận mới đáp ứng được như vậy. Phòng đành phải vận động đưa trẻ tới học tại trường tư thục, dân lập”. Được biết, Gò Vấp có 24 trường tư thục, và 59 nhóm trẻ gia đình góp phần “chia lửa” với các trường MN công, thế nhưng sự an toàn cho trẻ độ tuổi này cũng như chất lượng nuôi dạy của các cơ sở tư thục, nhóm trẻ gia đình chưa đạt được sự tin tưởng là điều khiến nhiều người e ngại.

Quan trọng nhất là quyền lợi, sức khỏe của con em

Mặc dù nhà con dâu ở tận Thủ Đức nhưng chị T vẫn nhờ người “chạy vạy” xin cho cháu nội cưng của mình vào Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1). Chị T. nói: Trường này cơ sở vật chất tốt, trường chuẩn quốc gia cháu mình thì chỉ có một nên kiểu gì mình cũng phải cố lo cho nó vào học bằng được.

Ngay từ đầu tháng 6, chị T. đã cậy nhờ một mối quen biết “chạy”. Mức phí được đưa ra là 30 triệu. Chị T. về bàn cùng chồng nhất trí. Thế nhưng “bà mối” lại thay đổi bất ngờ: Năm nay trượt giá. 30 triệu không lo được. Chị T. chạy tìm nhờ một mối khác. Sau 2 tuần nhận được thông báo khiến chị muốn “té ngửa”: “Phải 60 triệu đồng mới vào Nguyễn Bỉnh Khiêm được”. Số tiền quá lớn, chị T. đành bỏ cuộc. Bất chợt gần đây gặp lại hỏi chuyện, chị T. vui mừng báo tin: “Cháu mình được nhận vào Nguyễn Bỉnh Khiêm rồi, chỉ tốn có 2 chai rượu X.O thôi”. Và chị thú thực “may mà tình cờ nhờ được một vị có uy tín với ngành Giáo dục TP đứng ra bảo lãnh viết thư tay và không ngờ là thành công. Chị chỉ mất có 8 triệu đồng mua quà. Vậy rẻ chán!”, chị T. kết luận...

Còn có những phụ huynh còn lên kế hoạch bài bản cho con ngay từ MN với mục tiêu đều phải là trường điểm như chị T.Vân (ngụ tại Bình Thạnh) ao ước cho con vào Trường Mầm non Bé Ngoan, quận 1. Nên ngay khi con đến tuổi đi học mẫu giáo, những trường ở gần nhà chị đều không duyệt mà nhờ tới 3-4 mối “chạy” cho con vào bằng được trường MN Bé Ngoan. Và theo kế hoạch khi vào lớp 1, sẽ “chạy” tiếp cho con vào Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng…

Phát biểu quan điểm về vấn đề chạy trường, ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học - Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, nhìn ở góc độ nhà quản lý giáo dục, ở hệ Tiểu học chỉ yêu cầu HS giữa học và chơi phải thật cân đối thời gian. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã bỏ quy định thi HS giỏi, thi tốt nghiệp ở cấp tiểu học, nhằm tạo điều kiện cho nhà trường có thời gian tổ chức các hoạt động, trò chơi cho HS phát triển hoàn thiện về nhân cách, thể chất. Đây không phải là cấp học chuyên về kiến thức nên chuẩn kỹ năng rất nhẹ nhàng. Hơn nữa, đối với trẻ 5-6 tuổi vào lớp 1, sức khỏe là điều quan trọng nhất. Hãy để trẻ phát triển bình thường, học tập trong môi trường hài hòa giữa gia đình và nhà trường là hiệu quả nhất. Học gần nhà, đúng tuyến, các em sẽ có được tâm lý thoải mái, đảm bảo sức khỏe, có thời gian vui chơi. Thế nhưng nhiều khi chính phụ huynh tự đưa mình vào “vòng xoáy” chạy trường vì chỉ muốn con em mình phải vào học bằng được trường chuyên, trường điểm, trường chất lượng cao, chương trình thí điểm, càng làm tình trạng chạy trường kéo dài, phổ biến và không thể chấm dứt.

Huyền Nga
.
.
.