Lựa chọn giới tính thai nhi: Càng cấm càng làm

Thứ Hai, 27/12/2010, 14:26
Chưa bao giờ, việc lựa chọn giới tính thai nhi trước sinh lại nhiều như hiện nay. Mặc dù pháp luật Việt Nam không cho phép lựa chọn giới tính thai nhi, nhưng hiện tượng đó vẫn diễn ra lén lút, âm thầm dưới nhiều hình thức khác nhau.

Thời gian qua, nhiều vụ việc cô dâu Việt Nam xuất ngoại gây xôn xao dư luận. Hay, những vụ án liên quan đến tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em đưa ra nước ngoài liên tiếp xảy ra. Điểm đến của các cô gái là những nước có tỷ lệ chênh lệch nam nữ lớn. Khi không thể tìm được vợ trong nước, nhiều người đàn ông buộc phải tìm vợ ở bên ngoài biên giới, thậm chí là bỏ tiền ra mua vợ. Đó là bài học về hậu quả của sự mất cân bằng giới tính. Và, chúng ta cũng đang đối mặt với nguy cơ này. Điều dễ nhận thấy nhất chính là sự chênh lệch của học sinh nữ và nam đã xuất hiện trong các trường tiểu học hiện nay.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự mất cân bằng giới tính là phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi. Vậy mà chưa bao giờ, việc lựa chọn giới tính thai nhi trước sinh lại nhiều như hiện nay. Mặc dù pháp luật Việt Nam không cho phép lựa chọn giới tính thai nhi, nhưng hiện tượng đó vẫn diễn ra lén lút, âm thầm dưới nhiều hình thức khác nhau.

Người dân cần quan tâm đến chất lượng dân số chứ không phải là vấn đề giới tính.

Theo quy định tại Điều 9, Nghị định 114/2006/NĐ-CP, hành vi vi phạm hành chính về dân số và trẻ em sẽ bị phạt tiền từ mức 3-7 triệu đồng. Cụ thể là các hành vi siêu âm, xét nghiệm máu, gen, nước ối, tế bào hoặc các biện pháp khác không được pháp luật cho phép để xác định giới tính thai nhi; cung cấp hóa chất, tàng trữ, lưu hành các loại tài liệu, phương tiện chứa đựng nội dung về phương pháp tạo giới tính thai nhi…

Chị Nguyễn Thị Học ở phố Đội Cấn, Hà Nội có một cô con gái 5 tuổi. Năm 2009 chị dự định sinh thêm đứa con thứ hai, nhưng áp lực phải sinh con trai khiến chị vô cùng lo lắng. Bà mẹ chồng quê ở Thanh Hóa luôn nhắc: "Cố gắng đẻ lấy đứa con trai để nó hương khói sau này". Chị Học hỏi lại: "Nếu con đẻ con gái thì sao?". Bà mẹ chồng như đã chuẩn bị câu trả lời trước: "Thì đẻ tiếp". Câu nói của bà khiến chị Học rất buồn và suy nghĩ nhiều.

Hai vợ chồng cùng làm nhà nước, lại thuộc mẫu người hiện đại nên vấn đề trai gái không quan trọng. Quan điểm của vợ chồng chị là sinh con lành lặn, khỏe mạnh rồi làm sao nuôi dạy con cho tốt. Thế nhưng, trước ý kiến của mẹ chồng, chị Học cũng cố gắng tìm hiểu để sinh cho gia đình chồng một cậu con trai. Nhưng, chị không đạt được nguyện vọng khi một cô công chúa nhỏ ra đời. Bố mẹ chồng lặng im, còn chị Học thì rất hiểu tâm trạng của ông bà. Mỗi khi nhìn thấy một bé trai, hai ông bà cùng tỏ sự thèm muốn.

Chỉ khổ cho chị Học. Chị rất buồn và cảm thấy như mình không làm tròn trách nhiệm với gia đình nhà chồng. Chị Học đối mặt với nguy cơ phải đẻ thêm một đứa nữa theo ý muốn của gia đình chồng. Nhưng, làm sao để thay đổi được tư tưởng đã hằn sâu trong tư duy của bố mẹ chồng? Đó là nỗi lo lắng không chỉ của riêng vợ chồng chị Học.

"Không cung cấp thông tin lựa chọn giới tính thai nhi" là một trong những khẩu hiệu được nhấn mạnh trong tháng hành động quốc gia về dân số. Tuy việc lựa chọn giới tính được đánh giá là chưa ảnh hưởng nhiều đến mất cân bằng giới tính khi sinh, nhưng những cơn "sóng ngầm" đang diễn ra cũng khiến chúng ta thực sự lo ngại.

Theo thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, một số địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao như Hưng Yên (130/100), Hải Dương, Bắc Giang, Hà Nam…

Cũng không thể trách những người phụ nữ cậy cục tìm cách sinh con trai bởi họ chịu áp lực tâm lý nặng nề. Bởi vậy, biện pháp tuyên truyền, tác động đến tư tưởng, cách nhìn nhận của người dân về vấn đề giới tính là quan trọng hơn cả.

Trong Hội thảo "Chia sẻ tầm nhìn giải quyết vấn đề mất cân bằng giới khi sinh ở Việt Nam" do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) phối hợp với Quỹ dân số Liên hợp quốc tổ chức trong hai ngày 3, 4/11 vừa qua, các đại biểu đã nhấn mạnh ảnh hưởng của khoa học công nghệ dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới khi sinh. Đồng thời khẳng định, biện pháp tuyên truyền để giảm thiểu mất cân bằng giới tính phải làm thay đổi được tư tưởng sinh con trai cũng như con gái. Khi áp lực tâm lý không còn đè nặng người phụ nữ thì chất lượng dân số theo đó cũng tăng lên. Chúng ta phải từng bước truyên truyền, làm thay đổi tâm lý trong mỗi cá nhân về vấn đề dân số và giới tính để nâng cao chất lượng sống trong cuộc sống hiện đại

Hạnh Nguyên
.
.
.