Quảng Ngãi, Quảng Nam:

Lũ lớn, lở núi gây chia cắt, ách tắc giao thông nhiều nơi

Thứ Bảy, 16/11/2013, 09:59
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao và không khí lạnh tăng cường nên từ chiều ngày 14/11, tại tỉnh Quảng Ngãi đã có mưa to kéo dài khiến nước lũ các con sông dâng cao, gây ngập lụt, chia cắt nhiều địa phương.

Tại huyện Nghĩa Hành, nhiều nơi ngập sâu trong lũ gây chia cắt giao thông, gần 1.000 học sinh trên địa bàn phải nghỉ học. Sáng ngày 15/11, trên đường đến trường, em Vương Thị Thu Thủy, học sinh lớp 5, bất ngờ bị lốc xoáy cường độ mạnh đã cuốn em rơi xuống cầu Dài và bị nước lũ cuốn làm chết đuối. Cơn lốc xoáy bất ngờ còn quật ngã nhiều người đang đi xe trên đường, khiến họ bị thương tích. Tại huyện Sơn Hà, vì nước lũ dâng cao nên trên 3.000 học sinh phải nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Tuyến QL24A nối QL1A và các tỉnh Tây Nguyên bị sạt lở nghiêm trọng ở nhiều đoạn. Cho đến chiều 15/11, đã có hàng trăm điểm sạt lở, gây cô lập nhiều nơi. Lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ngãi đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ xuống hiện trường để di dời dân ra khỏi những vùng bị lở núi và ngập lũ nặng. Các tổ công tác CSGT đường bộ, đường sắt, Công an tỉnh Quảng Ngãi cũng nhanh chóng bố trí chốt chặn đảm bảo, an toàn tính mạng người dân qua lại những điểm bị ngập lũ sâu. Theo dự báo của cơ quan Khí tượng thủy văn, lũ trên các sông ở Quảng Ngãi đang tiếp tục lên cao. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương triển khai phương án phòng, chống lũ theo cấp báo động nguy hiểm.

Tại tỉnh Quảng Nam, từ khuya 14/11 đến ngày 15/11, mưa to, gió lớn kéo dài trên diện rộng. Theo số liệu đo được của Trạm Khí tượng thủy văn Trà My, lượng mưa bình quân trên 105mm; gió giật mạnh có lúc lên đến cấp 10, 11. Mưa lớn khiến nước tràn về tích gần đầy hồ chứa Thủy điện Sông Tranh 2, đến 10h trưa 15/11, hồ chứa này đã vượt ngưỡng xả tràn (cao trình 161m) và tự chảy qua 6 cửa xả đã được mở sẵn theo sự chỉ đạo chưa cho phép tích nước của Chính phủ.

Công an huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi triển khai lực lượng cứu những người dân bị nước lũ sông Re cô lập.

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho hay, theo báo cáo của Công ty Thủy điện Sông Tranh, lúc 11h trưa 15/11, lưu lượng nước về hồ chứa đã lên đến trên 4.000m3/s, tự chảy qua các cửa xả tràn hơn 1,2m. Đây là lượng nước đổ về hồ chứa lớn nhất từ khi xảy ra các sự cố thấm và động đất kích thích tại thủy điện này cho đến nay. Ông Tuấn cũng cho biết, xe thông tin lưu động của huyện, các thôn tổ dân phố của các xã Trà Sơn, Trà Tân, Trà Đốc, Trà Giang, thị trấn Trà My và Đài Truyền thanh huyện được chỉ đạo, tổ chức thông báo khẩn cấp liên tục về nước lũ Thủy điện Sông Tranh 2 vượt ngưỡng xả tràn và xả với lưu lượng lớn về phía hạ lưu để người sinh sống, sản xuất ven sông Tranh, sông Nước Oa và sông Trường biết để chủ động, đề phòng nước lũ dâng cao, tránh gây thiệt hại đến người và tài sản.

Đến chiều 15/11, Thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ, ngầm Sông Trường và ngầm Sông Nước Oa trên tuyến giao thông huyết mạch DT616, thuộc xã Trà Sơn và Trà Tân, huyện Bắc Trà My, đã bị nước lũ băng qua, dâng cao hơn 3m, chia cắt đường lên huyện Nam Trà My và các xã vùng cao Trà Tân, Trà Bui, Trà Đốc, Trà Giáp, Trà Giác và Trà Ka của huyện Bắc Trà My. Nước lũ dâng cao, ngày 15/11, hàng trăm học sinh trên địa bàn huyện Bắc Trà My buộc phải nghỉ học. Lực lượng Công an huyện Bắc Trà My và các xã bị cô lập đã tổ chức chốt chặn tại các điểm bị ngập lụt, cấm  người và phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trí Hiệu, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, cho biết: Thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ vượt đã làm ngập lụt nhiều xã vùng hạ du thuộc địa bàn huyện. Nước lũ dâng cao gây ngập cầu Tum và ngập nặng 37 hộ dân xã Tiên Lãnh. Huyện đang tích cực di dời 37 hộ dân này đến nơi an toàn. Còn ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cũng cho biết: Hiện mực nước sông Ái Nghĩa đang ở dưới mức báo động I, nhưng với lưu lượng nước xả lũ của Thủy điện Đăk Mi 4 thông báo (3.900m3/s), nguy cơ mực nước sông sẽ lên mức báo động III, gây ngập úng nhiều nơi. Chiều 15/11, tất cả học sinh trên địa bàn huyện Đại Lộc được nghỉ học để kịp về nhà sau khi lũ dâng cao. Mưa to tiếp tục kéo dài, dự báo Thủy điện A Vương và Thủy điện Đăk Mi 4 sẽ xả lũ, khả năng nước lũ các con sông Vu Gia, Thu Bồn sẽ lên mức báo động II, III và trên báo động III.

Quảng Ninh là địa phương được đánh giá là địa phương chủ động hoàn toàn trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 14 (Haiyan). Tuy nhiên, đến ngày 15/11, cơn bão đã đi qua 5 ngày, UBND tỉnh đã chi phí khoảng 30 tỷ đồng cho việc khắc phục hậu quả nhưng vẫn còn một khu vực dân cư với 200 hộ dân bị cô lập hoàn toàn do chiếc cầu treo duy nhất nối liền với các khu vực đã bị phá hủy hoàn toàn.

Cầu treo này nằm tại thôn Đồng Đình, huyện Tiên Yên đã từng bị xóa sổ vào trận lũ lịch sử năm 2008. Sau đó được xây dựng lại tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng, phục vụ việc đi lại, phát triển sản xuất của gần 200 hộ dân các thôn Đồng Đình, Pạc Thạ, Cao Lâm và thôn Pò Luông thuộc xã Phong Dụ. Đến ngày 11/11, bão Haiyan và lũ ống lần nữa cuốn trôi toàn bộ mặt cầu bằng gỗ, chỉ còn trơ lại những sợi cáp treo. Giờ đây, dù bão đã tan nhưng tất cả người dân trong vùng muốn ra ngoài phải đi vòng qua đập tràn nước chảy xiết rất nguy hiểm và vô cùng khó khăn. Đáng ngại nhất, giờ không còn cầu, để đến trường, các cháu học sinh tiểu học phải đi đường vòng hơn 3km, sự nguy hiểm luôn luôn rình rập. Đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh quan tâm chỉ đạo sớm khôi phục lại cầu để người dân vùng núi sớm ổn định sinh hoạt và sản xuất.

(L.M.T.)

Thành Sự - Bình Minh - An Khang
.
.
.