Lớp xóa mù U60 và đạo thầy - trò phía sau song sắt

Thứ Hai, 17/08/2015, 14:31
Trong xã hội, đạo lý thầy - trò là mối dây tình cảm thiêng liêng luôn được quan tâm gìn giữ. Còn ở trại giam tình thầy - trò được biểu hiện dưới nhiều sắc thái đặc biệt.

Những học sinh tuổi U50- U60 mới học “lớp lá”

Mới nghe cứ tưởng chuyện đùa, nhưng tới Trại giam Nam Hà thì đó là câu chuyện hoàn toàn có thật. Tới thăm một lớp học “khác thường” như vậy – lớp học xóa mù được tổ chức tại phân trại 2 - Trại giam Nam Hà chúng tôi được tận mắt chứng kiến nhiều mái đầu bạc đang háo hức say sưa tập đánh vần, ghép chữ và học viết không khác gì các bé học sinh “lớp lá”, lớp 1 bậc tiểu học. Nhìn quanh lớp, học viên ít tuổi nhất lớp cũng đã 32 tuổi.

Tranh thủ ít phút giải lao giữa giờ học, chúng tôi hỏi chuyện phạm nhân Cao Văn Hoành, 49 tuổi, quê quán Châu Can, Phú Xuyên, Hà Nội, một  trường hợp khá hy hữu, sống tại đất Thủ đô mà bị mù chữ hoàn toàn. Hiện anh Hoành là một trong những học viên rất tích cực của lớp xóa mù tại phân trại 2 này. Phạm nhân Hoành nhập trại năm 2011 với mức án 16 năm 6 tháng tù vì tội trộm cắp tài sản. Lúc gây án, anh ta làm bảo vệ cho một doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Đồng Văn. Anh Hoành đã cùng với 2 bảo vệ khác trong công ty rủ nhau chặt trộm cây sưa trồng trong khuôn viên cơ quan đem bán cho một xưởng gỗ lấy tiền chia nhau. Nhớ lại vụ án, phạm nhân Hoành không khỏi hối hận, mọi sự cũng tại lòng tham và thiếu hiểu biết, nguyên do một phần cũng là bởi thiếu “ cái chữ”. Không được tiếp cận với thông tin báo chí, thông tin pháp luật nên anh ta không ngờ rằng việc chặt trộm một cây sưa đã khiến mình phải trả giá đắt bằng mười mấy năm sau song sắt nhà tù.

Phạm nhân Cao Văn Hoành chia sẻ, hồi nhỏ, gia đình anh sống ở trung tâm nội thành Hà Nội, làm nghề buôn bán nhỏ ở khu vực phố cổ, nhưng đến năm anh được 7 tuổi thì mẹ chẳng may bị trọng bệnh mất sớm, bố mải làm ăn nên không để ý đến chuyện cho con đi học, sau đó anh được gửi về Phú Xuyên ở với ông bà nội nên chuyện học càng không ai quan tâm. Tuy mù chữ nhưng anh Hoành lại lấy vợ là giáo viên ở địa phương và vợ chồng cậu con trai lớn của anh hiện cũng làm giáo viên. Trước đây, vì suy nghĩ làm nông nghiệp và đóng giày thì không cần biết chữ nên anh không nghĩ tới việc học. Từ ngày vào trại, thấy các phạm nhân khác vào giờ nghỉ ngơi ngồi đọc sách báo, xem thời sự nắm tình hình tin tức mà mình không biết chữ, không đọc được, vừa thấy buồn tẻ vừa thấy xấu hổ với bạn tù. Ngay cả muốn viết lá thư gửi về cho gia đình cũng phải nhờ đến tay bạn tù khác, nên anh Hoành đã quyết tâm xin vào lớp học xóa mù do trại giam tổ chức. Đến nay, tuy đọc đôi khi còn ngắc ngứ, viết chưa đẹp và thi thoảng còn sai lỗi chính tả nhưng ít ra anh cũng đã có thể tự đọc được báo, viết được thư gửi về động viên vợ, động viên các con. Với anh Hoành, thời gian cải tạo vẫn còn dài, nhưng nhờ tham gia vào lớp học xóa mù và các hoạt động tập thể tại trại giam đã tạo cho anh có thêm niềm vui, sự lạc quan, giúp anh yên tâm phấn đấu cải tạo.

Ngoài trường hợp hy hữu như phạm nhân Hoành bị mù chữ khi sống ngay tại đất thủ đô, đa số các học viên ở lớp học “khác thường” này là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng sâu vùng xa, có hoàn cảnh éo le, không có điều kiện được học hành như trường hợp của các phạm nhân Tráng A Của, 55 tuổi, nhập trại năm 2011 với bản án chung thân về tội mua bán trái phép chất ma túy; Vàng A Thống, 33 tuổi, đều quê quán ở Mộc Châu, Sơn La và Nguyễn Văn Chinh, 37 tuổi, quê quán Duy Tiên, Hà Nam vào trại năm 2014 cũng về tội mua bán trái phép chất ma túy, vì hoàn cảnh gia đình éo le, đua đòi, bỏ học rồi trở thành tái mù chữ…

Không khí học tập nghiêm túc của các học viên tại lớp xóa mù chữ phân trại 2 – Trại giam Nam Hà.

Những người thầy chuyên “gieo” con chữ phía sau song sắt

Gặp Thượng úy Nguyễn Văn Tuấn, cán bộ Phòng Giáo dục trại giam Nam Hà, là một trong những người thầy được nhiều phạm nhân nhắc tới. Hăng hái và đầy nhiệt huyết là những mỹ từ không quá khi nói về anh.Thượng úy Tuấn không chỉ phụ trách công tác quản lý giáo dục mà cũng là người trực tiếp đứng lớp “gieo” những con chữ đến với nhiều phạm nhân ở lớp học.

Thượng úy Nguyễn Văn Tuấn thừa nhận, đây thực sự là những lớp học "khác thường" vì học sinh không phải là trẻ em và trường, lớp cũng không phải có sẵn để phục vụ việc giảng dạy. Muốn có lớp học phải chuẩn bị hội trường. Muốn có học sinh phải nghiên cứu hoàn cảnh từng người, vận động phạm nhân tham gia. Và muốn có sách vở, chương trình giảng dạy phải kết hợp với Sở Giáo dục của huyện Kim Bảng để tổ chức. Còn đội ngũ giáo viên chính là các cán bộ trại giam. Trước khi tổ chức lớp học, Phòng Giáo dục huyện Kim Bảng (Hà Nam) cử cán bộ vào tận trại để tập huấn trình độ sư phạm cho đội ngũ cán bộ giáo dục. Thế là người cán bộ trại giam bỗng chốc kiêm luôn vai trò thầy giáo. 

Chương trình nội dung giảng dạy được tuân thủ theo đúng quy định về đào tạo bậc tiểu học; sau khi hoàn thành chương trình học tập các học viên sẽ được cấp chứng chỉ xóa mù chữ theo quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo. Khi phạm nhân biết đọc, biết viết họ sẽ được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin hữu ích. Và đó cũng là cơ hội để chính những con người ấy được trực tiếp chia sẻ tâm tư, tình cảm của mình với người thân qua lời hỏi han, tâm sự trên những cánh thư. Cũng nhờ các lớp học “khác thường” này, tình thầy trò giữa người cán bộ trại giam và các phạm nhân càng thêm gắn bó, các phạm nhân cũng sẽ hiểu ra được chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước luôn rộng mở đối với những người biết quay đầu về nẻo thiện.

Và điều ấy đã được minh chứng khi chúng tôi đọc những trang thư đầy xúc động của anh Hồ A Tráng, quê ở bản Cầu Đường, xã Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn, (Sơn La) gửi về Trại giam Nam Hà nơi trước đây anh đã từng học tập, cải tạo. Anh Tráng đã ra tù hơn 2 năm về trước.

Trong lá thư với nét chữ chưa tròn và vẫn còn không ít lỗi chính tả, ngoài lời cảm ơn tới Ban Giám thị, các cán bộ trại và bác sĩ trại giam đã chăm sóc, giúp anh cải tạo, sửa chữa lỗi lầm, anh Tráng còn tâm sự rằng nhờ được học chữ trong thời gian cải tạo trong trại, nên sau khi ra tù, anh đã xin được việc làm ở Lai Châu, tự kiếm được cơm ăn, áo mặc, đỡ đần được phần nào cho vợ con. Những lời tâm sự mộc mạc ấy đã cho chúng tôi thấu hiểu phần nào giá trị công việc của những người “thầy đặc biệt”, chuyên “gieo” con chữ cho các phạm nhân phía sau song sắt nhà tù, tạo cho họ có thêm cơ hội để “làm lại cuộc đời”, giúp các phạm nhân có thêm hành trang tự tin trở về với cộng đồng.

Tâm Phạm
.
.
.